.
Truyện ngắn

Đại dương và bầu trời

.
Tôi tên là Hân nhưng mẹ gọi tôi là Én nhỏ. Còn em trai tôi tên Dương, nhưng mẹ thích gọi là Cá nhỏ. Ngày bé, hai chị em tôi thường ngồi ở bậc cửa nhà mình ngóng vọng ra mông lung khói xám, rồi bao giờ ánh mắt cũng dừng lại nơi ngọn núi cao nhất phía xa xa. Cá nhỏ bảo:

Mô tả ảnh.
- Bao giờ em được đến ngọn núi kia chị nhỉ?

Tôi thì lại nghĩ, nhất định sau này tôi sẽ đi qua ngọn núi đó để xem phía kia ngọn núi là những gì. Liệu cuộc sống ở đó có khác nơi chúng tôi đang sống hay không.

Khi chúng tôi ngồi tựa cửa, mẹ không có mặt để ngắm núi. Mẹ bận bịu với những chuyến buôn bán xa gần, chỉ thi thoảng mới tạt qua nhà mang cho chị em tôi những nhu yếu phẩm cần thiết. Bố đã biến mất khỏi tầm mắt mấy mẹ con khi tôi lên tám, hình ảnh về bố lúc rất rõ ràng lúc lại mịt mờ trong ký ức. Mỗi khi nghĩ về bố, một câu hỏi luôn thường trực trong đầu là không biết bố đang ở đâu?
 
Còn tồn tại hay bằng một cách nào đó đã biến mất, chỉ còn lại những đống đất mọc đầy cỏ dại như những người đàn ông trong làng. Họ ra đi bằng những cột khói cao ngất trời và bốc mùi khét đặc của các xưởng gạch quây kín quanh làng. Xa hơn nữa là nhà máy giấy, nhà máy phân đạm với hàm lượng khí thải cao đủ để biến nơi đây mất dần tên gọi thật. Người ta gọi quê tôi là làng ung thư, cái tên mang lại sự khiếp đảm, ám ảnh trong mỗi ánh nhìn. Tôi thương Cá nhỏ em tôi, bởi nó không có một bầu trời thật trong xanh, thoáng đãng để ngắm nhìn.

Từ khi sinh ra, chị em tôi đã ngửi thấy mùi của gạch đốt, nghe tiếng máy đóng gạch chạy và nhìn thấy những cột khói xám làm vẩn đục cả bầu trời. Đấy là bầu trời mặc định trong ký ức thơ bé của tất cả những đứa trẻ lớn lên ở vùng này. Ngay cả nguồn nước mà chúng tôi uống nó cũng mang mầm mống của bệnh tật, của sự hủy hoại đến tàn nhẫn. Bài học vỡ lòng mẹ dạy chúng tôi phải biết tự chăm sóc nhau lúc mẹ vắng nhà, phải uống dè xẻn nước dù giếng luôn đầy, đừng bao giờ hít sâu dù bầu không khí chẳng của riêng ai cả. Chúng tôi dè xẻn trong mọi thứ, kể cả suy nghĩ và những ước mơ của tuổi.

Mẹ đi buôn bán những gì, cả làng không ai biết. Nhiều khi những người đàn bà sau giờ làm việc ở xưởng gạch vẫn ghé qua nhà chỉ để hỏi chúng tôi rằng “Thế mẹ mấy bé buôn gì?”. Sau khi nhận được cái lắc đầu của Cá nhỏ, trong số họ người thì thở dài nhìn chúng tôi ái ngại, người thì nghĩ ngợi mông lung. Cũng có nhiều khi họ đến chỉ để hỏi vậy thôi, hỏi rồi đi mà không cần nhận một câu trả lời nào cả. Hai chị em tôi ngày ngày vẫn ra cửa ngóng, tôi hỏi Cá nhỏ nghĩ gì. Nó bảo:

- Em nhớ bố! Nhưng em không thể nào tưởng tượng ra được khuôn mặt bố. Chị có nhớ không?
- Mặt bố gầy, nhiều gân xanh nổi lên giữa trán. Bố hay thở dài, bàn tay bố to và thô ráp.

Còn có một điều về bố mà không khi nào tôi nói với Cá nhỏ, đấy là việc những buổi chiều đi làm về bố cũng hay ngồi ngắm hoàng hôn chầm chậm xuống núi như hai chị em tôi. Sau một thời gian dài như thế thì một buổi sáng, đột nhiên tôi không còn thấy sự xuất hiện của bố trong ngôi nhà. Từ đấy, chiều nào tôi cũng ngồi thế vào chỗ bố từng  ngồi bên bậc cửa.

Đoàn y tế xã lại đến khám. Cá nhỏ co rúm lại, ôm chặt tôi và mếu máo khóc. Nó sợ tiêm giống như những đứa trẻ khác, tôi cũng sợ. Nhưng tôi không được quyền kêu khóc, bởi không có ai để dỗ dành tôi. Khi không có bố mẹ bên cạnh, tôi thành người lớn trong gia đình, tôi phải cố gắng mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho Cá nhỏ, dù tim tôi đang run sợ. Chỉ cần nhìn thấy những bóng áo trắng thấp thoáng ở cổng làm cũng đủ để người dân nơi đây khiếp đảm. Đã có quá nhiều những dự báo về mầm mống của căn bệnh ung thư. Thi thoảng dòng người lại chậm chạp lẫn trong tiếng kèn đám ma đưa người xấu số về thế giới khác. Đoàn người đi ngang qua bậc cửa nhà tôi, ai cũng cúi gằm mặt, tiếng khóc đôi khi lẫn vào tiếng mưa thảm thiết. Mỗi lần như vậy, tôi lại tự hỏi không biết ở thế giới mới ấy có còn những cột khói khổng lồ ấy nữa không? Chẳng có một ai trả lời tôi, những khuôn mặt hòa lẫn vào nhau nhạt nhòa màu khói xám.

Mẹ ghé qua nhà, hỏi chúng tôi đã sống ra sao trong những ngày không có mẹ. Cá nhỏ bảo:
- Chúng con ngồi ở bậc cửa và nhìn lên bầu trời xám xịt.

Mẹ không hỏi thêm, vì bà biết chúng tôi cũng chẳng có việc gì khác cả. Mẹ đòi tết tóc cho tôi, nhưng tôi vùng vằng thoát khỏi vòng tay mẹ. Tôi không quen với sự săn sóc, càng không quen với những cử chỉ âu yếm, tất cả đều khiến tôi hoang mang, sợ hãi. Bởi tôi nhớ rất rõ, trước khi bố biến mất như một làn khói, bố cũng bế tôi vào lòng dùng cái lược gãy răng chải mái tóc xơ rối cho tôi. Điều mà trước đây chưa khi nào bố làm. Phải chăng đó là dấu hiệu của sự xa cách, bỏ rơi. Sau hành động chối từ, tôi nhận ra thoáng chút thảng thốt trong mắt mẹ. Cá nhỏ thì quấn mẹ lắm, nó kể về những con chim bị đám khói khổng lồ cuốn mất hút. Kể về những hôm mưa rào, từng hạt mưa như ôm trọn bụi khói rồi vỡ òa dưới nền gạch xanh rêu. Kể về những con cá nổi trắng bụng dưới ao đầm sau một hồi ngáp ngáp. Ngôn ngữ của Cá nhỏ rất ngộ nghĩnh, nhưng cả tôi và mẹ đều không ai nhoẻn nổi một nụ cười. Tôi hỏi mẹ:

- Vì sao mẹ lại gọi con là Én nhỏ?
- Vì sau này con sẽ là cánh chim bay ra khỏi khoảng trời u ám nơi đây. Ngoài kia là một bầu trời trong xanh vời vợi, lung linh sớm mai và đỏ lự khi ánh hoàng hôn đổ xuống. Mà chim én thì bao giờ cũng mang theo mùa xuân về. Mùa xuân bao giờ cũng ấm áp và hạnh phúc.
- Thế vì sao mẹ lại gọi con là Cá nhỏ?
- À! Vì mẹ muốn sau này con trai mẹ sẽ bơi theo dòng suối nhỏ ra ngoài đại dương. Đó là một nơi tuyệt vời, chắc chắn con sẽ thích.

Khi ấy chắc hẳn tôi không thật hiểu tất cả những gì mẹ nói, nhưng tôi đọc được trong mắt mẹ một niềm hạnh phúc hiếm hoi và cả đôi chút hoang mang kỳ lạ. Từ đấy, tôi hay quan sát, tìm những chấm nhỏ nhoi giữa trời, nhìn cho đến lúc mất hút, biến mất vào mảng khói. Những chú chim ấy có thể bay xuyên qua đám khói, bay ra bầu trời rộng lớn, cũng có thể chúng lại quay lại rồi chết trong bầu trời xám xịt này. Lớn lên, đã nhiều lần tôi tự hỏi liệu tôi có đủ sức mạnh để thoát ra khỏi sự tù túng này không? Tôi không hiểu Cá nhỏ nghĩ những gì, lúc mỏi mệt nó thường nhắm nghiền mắt. Nhiều khi tôi quay lại, bất chợt bắt gặp những giọt nước mắt lăn tròn trên má nó.

Đêm ấy mưa rất to. Mẹ trở về đứng lặng bên bậc cửa. Người mẹ ướt sũng, nước mưa và nước mắt nhạt nhòa khiến tôi không nhìn rõ khuôn mặt mẹ. Cá nhỏ đứng sau cột nhà nhìn mẹ như nhìn người xa lạ. Bởi lần ấy mẹ đã đi quá lâu khiến chúng tôi từng tưởng bà cũng bốc hơi giữa cuộc đời này như bố. Khi đó tôi mười tám tuổi, Cá nhỏ vạm vỡ và u sầu mười bảy. Mẹ nói sẽ không bao giờ đi đâu nữa. Tôi học xong cấp III, thi đỗ một trường Cao đẳng dưới thành phố. Mẹ gói ghém mọi thứ để tôi đi, Cá nhỏ tiễn tôi ra khỏi đầu làng, nó ngước mặt nhìn ngọn núi phía xa và bảo tôi hãy cố gắng bay qua núi đó. Tôi nghe mà gan ruột bời bời. Hai năm sau thì Cá nhỏ đỗ Đại học, mẹ lại ra đầu làng tiễn.

Bấy nhiêu năm bôn ba, mẹ dành dụm được ít vốn mở quán hàng khô bán cho người làng cũng có đồng ra đồng vào. Tôi và Cá nhỏ học xong mỗi người một con đường. Với vốn ngoại ngữ của mình, tôi vào làm cho một công ty du lịch. Cá nhỏ bây giờ đã thành một chàng trai thực thụ, đầy ắp hoài bão và sức sống. Tốt nghiệp Đại học, Cá nhỏ giành được suất học bổng toàn phần du học tại Nhật Bản, đất nước hoa anh đào mà nó vẫn từng mơ ước. Tôi mừng khi thấy em bay xa hơn những gì tôi vẫn tưởng. Dù chúng tôi cách xa nhau rất nhiều, nhưng mỗi khi nhìn lên bầu trời, thấy những cánh chim đang vỗ cánh bay tôi lại thấy rất gần Cá nhỏ.

Tôi theo những cuộc hành trình rong ruổi đó đây. Đi đâu tôi cũng thích ngắm nhìn thật kỹ những khuôn mặt người khắc khổ. Để rồi bắt gặp đâu đó đôi mắt trũng buồn, đôi tay thô ráp và những đường gân xanh lè trên trán những người đàn ông mang dáng hình của bố. Dù bố đã rời xa chúng tôi suốt mấy chục năm, nhưng tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về ông với dáng ngồi khom khom ngoài bậc cửa. Chính chỗ mà tôi đã thay ông ngồi mười mấy năm thơ bé. Tôi không chịu tin rằng bố đã biến mất vĩnh viễn khỏi cuộc đời ba chúng tôi như thế. Nên tôi đi tìm ông trong những cuộc hành trình rong ruổi đời mình. Nhưng đi đến đâu cũng lặng thinh một bầu trời, nhiều lúc tôi tự hỏi “phải chăng mình không phải là Én nhỏ?”.
 Tạ Đức An
;
.
.
.
.
.