.

Viết cho những ai từng là trẻ em

.
Mặc dù đã qua cái tuổi mới lớn mộng mơ, nhưng khi cầm trên tay cuốn Lá nằm trong lá (*) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tôi vẫn không giấu được vẻ háo hức như đứa trẻ được nhận quà. Có lẽ bởi những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn mang lại cho người đọc những cảm xúc đan xen khó tả, viết về ai đó, ở nơi nào đó mà người đọc luôn tìm thấy mình trong chính từng trang sách.

Mô tả ảnh.
Vẫn giọng văn hóm hỉnh, hấp dẫn không lẫn vào đâu được, Lá nằm trong lá là câu chuyện sinh động về thế hệ học trò hồn nhiên cùng những trò nghịch ngợm, suy nghĩ, cảm xúc vô cùng dễ thương, đúng với tuổi mới lớn. Ở đó có nhóm bút học trò Mặt Trời Khuya, có những thi sĩ nhí tập tành làm thơ, viết văn với các nàng thơ và những tình huống hài hước rất học trò nhưng cũng đầy xúc động, có những giận dỗi ghen tuông của tuổi mới lớn, có người thầy hiệu trưởng mê văn thơ, thương yêu học trò, có những cô giáo trẻ măng, chỉ hơn học trò vài ba tuổi, luôn coi học trò như những người bạn…
 
Ngay trang đầu của Lá nằm trong lá bạn đọc dễ dàng bắt gặp chân dung các bạn văn của tác giả với lời đề “tặng các văn hữu thuở học trò”. Họ là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nhưng khi còn cắp sách đến trường tập làm thơ, viết văn họ đã có những bút danh nghe như nhân vật trong tuồng cải lương, rất sến như Huỳnh Văn Hoa có bút danh là Hoàng Linh Vũ, Bùi Chí Vinh là Trần Đại Việt, nhà báo Kim Hạnh là Tiêu Phong, Nguyễn Công Khế là Thương Việt Linh, Nguyễn Đông Thức là Long Nhi, Lê Minh Quốc là Thiên Bất Hủ… và biết đâu họ là nguyên mẫu một trong số những Hận Thế Nhân, Trầm Mặc Tử, Lãnh Nguyệt Hàn, Mã Phú của Lá nằm trong lá.

Nguyễn Nhật Ánh đã rất kỳ công khi thâm nhập vào đời sống học trò. Có lẽ chính vì thế mà ông hiểu tâm lý của tuổi ô mai tường tận đến vậy. Từ cuộc sống hằng ngày đến những băn khoăn, thắc mắc của tuổi mới lớn, đều được lý giải bằng chính suy nghĩ của tuổi mới lớn. Dưới ngòi bút tinh tế, tác giả đã khiến không ít độc giả phải mỉm cười thốt lên “sao giống mình đến thế!”. Quả thực, những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh có sức hút, sự hấp dẫn mạnh mẽ đến lạ kỳ. Chắc bởi nhà văn đã đi sâu vào tiềm thức của tuổi thơ trong sáng, đầy yêu thương của những giận dỗi, hờn ghen rất học trò khiến người đọc không rời mắt khỏi trang sách được mà cứ như ngập chìm trong thế giới cổ tích của cuộc đời thực để rồi khi gấp sách lại thấy như tuổi thơ của mình đâu đó thật gần.

Không riêng gì Lá nằm trong lá, mỗi cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh là một tuổi thơ trọn vẹn, mỗi lần cầm trên tay một cuốn truyện mới là một lần bắt đầu lại từ đầu với miền ký ức, những trải nghiệm khóc cười rất thật tưởng chừng như không hề có bóng dáng của hư cấu văn học. Cũng vì thế mà khó có thể xác định tác giả viết về thời đại nào, cho thế hệ nào. Dường như, có cảm tưởng người đọc sau cả trăm năm nữa vẫn sẽ thấy Nguyễn Nhật Ánh đang đồng hành với những ký ức tuổi thơ. Và mỗi lần đọc truyện của ông lại thấy những tác phẩm của ông không chỉ dành riêng cho trẻ con mà nó còn hồi sinh những tâm hồn trẻ thơ đã chai cứng ở thế giới người lớn.
 
Nguyễn Nhật Ánh đã từng nói “Tôi viết sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Thật vậy, từ Kính vạn hoa, Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bê-tô, Đảo mộng mơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… đến Lá nằm trong lá tác phẩm nào cũng hồn nhiên, hài hước, dí dỏm nhưng chân thực và đi sâu vào lòng người. Tác giả không vẽ ra cái thế giới hoàn mỹ mà chúng ta thường mơ tới, ông chỉ đơn giản góp nhặt những cái gì bình dị nhất trong tuổi ấu thơ, làm không biết bao nhiêu thế hệ bạn đọc say mê.

Lá nằm trong lá đã chạm đến những cảm xúc mà nhiều người đọc tưởng chừng như đã lãng quên, đã xếp nó vào một góc nào đó rất kín của tâm hồn. Đơn giản, nhẹ nhàng nhưng khi đã có Lá nằm trong lá trong tay thì không thể không đọc từ đầu đến cuối. Cái tài của nhà văn là ở chỗ đó!

Nhật Hạ
;
.
.
.
.
.