.

Bao giờ có sân chơi?

.
Đầu những năm 2002-2003 thành phố Đà Nẵng chủ trương đầu tư cho mỗi phường, xã một khu vui chơi trẻ em nhưng đến nay dạo một vòng thì thấy các dụng cụ vui chơi đều đã xuống cấp, nhiều nơi biến thành bãi đất trống cho cỏ mọc.

Mô tả ảnh.
Trẻ em chơi trò thú  nhún ở khu vực trước Nhà văn hóa Lao động. (Ảnh: V.T.L)
 
Bất cập sân chơi
Ông Nguyễn Như Hân, cán bộ văn hóa, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cho biết sau khi tách phường từ năm 2005 đến nay vẫn chưa có một sân chơi đúng nghĩa cho thanh-thiếu niên và trẻ em trên địa bàn phường nên lâu nay các hoạt động thể thao của Hòa Hiệp Bắc đều đi nhờ sân của các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đóng trên địa bàn. Ngày thường các em không biết chơi đâu, đành “mượn” tạm sân UBND phường làm sân chơi bóng chuyền, ngày tạnh thì ra bãi biển chơi đá bóng, ngày mưa đành bó chân ngồi nhà, hoặc các dịp lễ tết được bố mẹ đưa xuống phố chơi. Mới đây Nhà sinh hoạt cộng đồng và phòng tránh thiên tai được khánh thành đưa vào sử dụng tại Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên đã phát huy hết tác dụng, vừa kết hợp làm sân bóng chuyền, vừa là sân khấu ngoài trời.
 
Ông Hân chia sẻ: Phường cũng muốn có một sân chơi lành mạnh đúng nghĩa nhưng đến nay vẫn chưa có mặt bằng thì nói gì đến kêu gọi các nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy, một số các khu vui chơi ở Liên Chiểu được đầu tư xây dựng nhưng cũng chỉ hoạt động được hơn một năm rồi thôi. Theo ông Trần Công Khuê, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do các khu vui chơi không có người trông coi, trò chơi thì nghèo nàn chẳng có gì ngoài mấy cầu trượt, đu quay… quanh năm phơi mưa nắng đã gỉ rét, không có hàng rào, không có điện chiếu sáng, cây xanh lèo tèo, ở những vị trí không hợp lý nên phụ huynh không muốn đưa con tới, lâu ngày sân chơi biến thành nơi cỏ mọc rất lãng phí.
 
Hết giờ học, nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Phú Hường, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang vẫn khoác trên mình chiếc áo đồng phục và chạy theo quả bóng ở sân Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao xã. Em Nguyễn Văn Tuấn, học sinh lớp 7 cho biết đây là sân chơi thường xuyên của em và bạn bè, vì nếu không đến đây đá bóng các em cũng chẳng biết chơi ở đâu!
 
Ông Đinh Hồng Quế, cán bộ văn hóa xã cho biết, Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao xã rộng 10.000m2, dành riêng một khu vui chơi gồm sân khấu ngoài trời, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, bóng rổ, thu hút rất nhiều thanh-thiếu niên học sinh các trường gần đó. Ở đây có một số dụng cụ vui chơi được thành phố cấp nhiều năm nhưng hầu như các em chẳng mặn mà gì. Ông Quế cho biết khu vui chơi trẻ em đất rộng nhưng kinh phí eo hẹp nên xã chỉ có thể sơn sửa, tu bổ chứ không thể đầu tư thêm các trò chơi mới, vả lại, do khu vui chơi nằm trước nghĩa trang của xã nên cũng hạn chế vốn đầu tư vì sợ làm mất cảnh quan.
 
Mô tả ảnh.
Ngoài giờ học các em học sinh trường THCS Nguyễn Phú Hường chẳng biết chơi gì ngoài đá bóng.
 
Chờ xã hội hóa?

Là bác sĩ có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực y tế cộng đồng, tiếp xúc với nhiều trẻ em, có một tình cảm đặc biệt dành cho trẻ, và luôn mong muốn các cháu có một sân chơi đúng nghĩa, ông Võ Thành Trung (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) và gia đình đã đầu tư vào lĩnh vực trò chơi trẻ em. Gia đình ông đã mở nhiều điểm vui chơi trên địa bàn thành phố, thu hút nhiều người tham gia như khu vui chơi phường Hòa Khánh Nam, Nhà văn hóa Liên đoàn Lao động, Nhà trẻ Tiên Sa, Công viên Thanh Bình, chợ Cẩm Lệ…

Vẫn những trò chơi xe điện, thú nhún, đu quay, câu cá, nhà hơi… nhưng được ông tổ chức một cách quy mô, có người quản lý, hướng dẫn bảo đảm chất lượng nên tối nào cũng có khách, thậm chí nhờ những khu vui chơi này mà gia đình ông đã tạo được nhiều việc làm cho các em sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết, khu vui chơi trẻ em của phường bỏ phế một thời gian vì hư hỏng, đến khi gia đình ông Võ Thành Trung đầu tư vào thì hoạt động rất hiệu quả. Ngoài ra, phường còn có một sân vận động khoảng 1.500m2, vừa được chi hội Cựu thanh niên xung phong khu vực Đà Sơn phối hợp với Đoàn Thanh niên phường vận động mạnh thường quân đóng góp để sửa chữa, giờ là nơi chơi thể thao của thanh niên trong khu vực. Đình Đà Sơn cũng vừa được ban đại diện đình làng vận động làm công viên văn hóa sạch sẽ, thoáng mát, buổi tối các cụ già ra ngồi hóng mát, buổi sáng thì tập thể dục, dưỡng sinh.

Trở lại chuyện làm khu vui chơi của ông Võ Thành Trung. Ông nói, hiện các hoạt động vui chơi mới chỉ phục vụ các em nhỏ, ông sẽ mở rộng cho nhiều đối tượng, đầu tư vào các điểm để buổi sáng có thể là nơi các cụ tập dưỡng sinh, buổi chiều các em thanh-thiếu niên chơi bóng đá, bóng chuyền, buổi tối là khu vui chơi của thiếu nhi. Vui chơi là để khỏe về thể lực, vui về trí tuệ nhưng khi đầu tư vẫn phải giữ được những trò chơi công cộng để trẻ em nghèo vẫn có thể vào khuôn viên chơi được. Những ngày lễ, Tết, các khu vui chơi phát phiếu miễn phí cho một số nhà trẻ để các cháu có thể thoải mái chơi, có thế mới là một sân chơi đích thực.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa nhà tận phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) nhưng cứ đến tối cuối tuần là vợ chồng anh chở cậu con trai 4 tuổi hiếu động đến công viên Thanh Bình tham gia các trò chơi của ông Trung. “Giờ kiếm một chỗ chơi cho trẻ khó quá, thôi thì cho cháu chơi thú nhún, câu cá vậy, nhiều khi hai bố con ngồi câu cá cả buổi cũng vui” - anh Nghĩa cho biết.

Đi khắp Đà Nẵng hiện nay, vẫn thấy thiếu sân chơi - một trong những nét cọ làm nên nét đẹp văn hóa của bức tranh phố phường. Sân chơi khang trang, nhiều trò chơi hấp dẫn sẽ thu hút thanh thiếu niên đến rèn luyện thể lực, định hình nhân cách, không sa vào những trò chơi tiêu cực. Đến bao giờ thì mới có được những sân chơi đích thực?
 
Thu Hà
;
.
.
.
.
.