Một đồng nghiệp nữ của chúng tôi dừng xe trước cổng cơ quan, vẻ mặt thất thần vừa nói vừa thở: Trời đất, xe cộ chi mà đông như mắc cửi, muốn qua đường cũng không biết làm sao mà qua.
Đó là chị nói về lưu lượng xe quá đông ở ngã tư Lê Duẩn – Nguyễn Chí Thanh vào giờ cao điểm, mặc dù cách đó không xa có đèn tín hiệu giao thông ở ngã tư Phan Châu Trinh – Lê Duẩn. Không phải phụ nữ nào cũng đủ can đảm để ung dung băng xe qua đường trong tình huống như thế và đành phải nán lại chờ “cơ hội”.
Thiếu và thừa đèn giao thông
Dù đường sá có an toàn đến mấy mà người dân không chấp hành luật giao thông thì cũng luôn gây ra mối lo cho người tham gia giao thông. |
Việc thiếu đèn tín hiệu tại một số giao lộ ở Đà Nẵng đang là nỗi lo cho người tham gia giao thông. Một số nơi như ngã tư Tôn Đức Thắng (quốc lộ 1A) – Tô Hiệu – Nguyễn Huy Tưởng đã xảy ra va quẹt, tai nạn vì không có đèn giao thông trong khi xe cộ liên tục nối đuôi nhau qua lại trên đường vào giờ cao điểm. Đầu tháng 10 vừa qua, ở ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Phan Đăng Lưu đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm chết một sinh viên cũng cùng nguyên do.
Nhưng “thừa” đèn tín hiệu như thế này cũng không hay: một số đèn hoạt động ngay trong lúc đường vắng khiến cho rất nhiều người tham gia giao thông đã bất chấp luật lệ, “vô tư” vượt đèn đỏ. Một thầy giáo ở Trường THPT Hòa Vang một buổi trưa chạy xe đến giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh – Lê Thanh Nghị thì đèn giao thông ở đây chuyển sang màu đỏ. Đường vắng, mấy chiếc xe máy đi cùng chiều với thầy vượt thẳng. Thầy dừng lại và nghĩ, có khi có người cho là mình “hâm”, nhưng luật là luật, mình không tự giác thì làm sao dạy được học trò.
Về hệ thống đèn giao thông của Đà Nẵng hiện nay, một lãnh đạo Phòng Kế hoạch Đầu tư - Sở GTVT thành phố, cho biết, các trạm đèn này được đầu tư qua nhiều năm với công nghệ không đồng bộ, chế độ nháy vàng (để báo hiệu là được đi nhưng lái xe vẫn phải chú ý) thì một số trạm có, một số trạm không. Lưu lượng xe cộ qua lại tại hầu hết các nút giao thông thường chênh lệch khá lớn giữa giờ cao điểm và giờ bình thường. Chu kỳ đèn lại được xác lập cho giờ cao điểm nên không phù hợp với giờ thấp điểm. Tuy nhiên, do tình hình tai nạn giao thông khá phức tạp như hiện nay nên cũng thận trọng trong việc tắt hẳn hoạt động của đèn giao thông trong giờ thấp điểm.
Trước tình hình này, lãnh đạo Phòng Kế hoạch Đầu tư cho biết, Sở GTVT đang tiến hành rà soát, nghiên cứu bổ sung tính năng thay đổi chu kỳ bật tắt đèn nhằm bảo đảm hệ thống đèn tín hiệu hoạt động phù hợp sự thay đổi về lưu lượng xe cộ giao thông trong ngày hoặc chuyển sang chế độ nhấp nháy vàng vào giờ thấp điểm nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn. Ngoài ra, sở sẽ nâng cấp 21 trạm đèn giao thông hiện có tại 21 giao lộ và lắp đặt mới 39 trạm tại 39 giao lộ khác. Trạm đèn những năm 90 thế kỷ trước dùng đèn sợi đốt, giá thành từ 300-500 triệu đồng/trạm, nay đèn kỹ thuật mới giá mỗi trạm từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, sẽ cho chất lượng tốt hơn.
Chiến lược đón đầu chống ùn tắc giao thông
Hiện Đà Nẵng vẫn còn một số đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông do mấp mô, ổ gà, sụt lún, thiếu biển báo/đèn giao thông, chưa kẻ phân làn đường…Vậy trách nhiệm của ngành GTVT đối với vấn đề này ra sao?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GTVT Đặng Việt Dũng cho biết, Đà Nẵng hiện có hơn 1 nghìn đường phố với tổng chiều dài gần 900km và 29 cầu với tổng chiều dài trên 5km. Với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá lớn này, việc quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng là trách nhiệm nặng nề của ngành và các cơ quan chuyên môn của các quận, huyện. Mưa bão kéo dài, lưu lượng xe lưu thông ngày càng lớn với các loại xe quá tải, quá khổ... nên không thể tránh được các hư hỏng trên đường. “Để sửa chữa kịp thời, Sở rất mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các ngành, các cấp liên quan trong việc bố trí ngân sách, xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông” – ông Dũng đề nghị.
Hiện có một số tuyến đường được cải tạo, nâng cấp hoặc làm mới đã ngưng thi công từ lâu nhưng vẫn còn một đoạn ngắn chưa kết nối với đường cũ, vừa làm mất mỹ quan đường phố vừa không bảo đảm an toàn giao thông. Ông Mai Đình Khánh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư – Sở GTVT giải thích, sở dĩ tồn tại tình trạng này là vì nhiều lý do khách quan. Cuối đường Nguyễn Trung Trực còn 150m chưa tiếp giáp với đường Trần Hưng Đạo vì chưa có mặt bằng xây dựng do chờ giải tỏa theo dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài. Đường Nguyễn Phước Nguyên còn 100m giao với Khu dân cư Phần Lăng 2 của Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng phải chờ thực hiện xong công tác giải tỏa đền bù. Một số tuyến đường giao với đường sắt cũng có một số đoạn thi công dở dang tại điểm giao như Phan Văn Định (70m), Nguyễn Chánh (70m), Lê Trọng Tấn (50m)…
TP. Hồ Chí Minh bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông từ năm 1990. Khi đó Hà Nội cũng đã đi tìm lời giải bài toán này cho hệ thống giao thông của mình, nhưng vẫn không tránh khỏi đi vào “vết xe đổ” của TP. Hồ Chí Minh. Trước bài học nhãn tiền đó, Đà Nẵng, với hệ thống hạ tầng giao thông được cả nước ngưỡng mộ, nhất là các thành phố lớn ở hai đầu đất nước, liệu có ngủ quên trên chiến thắng? Mở đường mới, duy tu, nâng cấp đường cũ là việc làm thường xuyên của Đà Nẵng, đồng thời ngay bây giờ cũng phải nghĩ đến chiến lược dài hơi chống ùn tắc giao thông trong tương lai gần. Cơ quan chức năng sớm biết lo sẽ làm vơi đi nỗi lo của công dân thành phố mỗi khi xuống đường tham gia giao thông.
Ngã tư Yết Kiêu - đường dẫn cầu Thuận Phước dù lưu lượng xe giao thông không cao lắm, nhưng đèn tín hiệu ở đây phải hoạt động 24/24 giờ. Đây là đường dẫn ra cảng Tiên Sa, thường xuyên có xe siêu trường, siêu trọng, xe container đi qua, nếu không có đèn giao thông sẽ nguy hiểm cho người đi đường. Đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, trong đó có vụ dẫn đến chết người do vượt đèn đỏ trong năm 2011. |
VĂN THÀNH LÊ