Làng Xuân Dương được tách ra từ làng Xuân Thiều, thuộc tổng Bình Thới hạ, huyện Hòa Vang; nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Cách đây gần 100 năm, bên cạnh nghề nông, người dân làng Xuân Dương còn có nghề làm guốc mộc, do một người từ Huế vào truyền lại.
Núi Xuân Dương và ngôi đình cùng tên đã gắn bó một thời với nghề làm guốc mộc ở Xuân Dương. (Ảnh V.T.L) |
Người dân làng Xuân Dương còn lưu truyền câu chuyện kể rằng, có một thanh niên còn rất trẻ, quê ở tận ngoài Huế (nay dân làng không còn nhớ rõ họ tên và nguyên quán ông ở đâu, chỉ biết là ở Huế), lặn lội vượt đèo Hải Vân vào sống ở làng Xuân Dương. Trong thời gian sinh sống ở đây, ông đã hướng dẫn cho dân làng cách làm những chiếc guốc mộc mà ông đã từng làm tại quê nhà. Từ đó người dân làng Xuân Dương nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật làm guốc và lấy đó làm nghề phụ của làng trong lúc nông nhàn.
Để làm được những đôi guốc mộc tiêu thụ ngoài thị trường, đem lại đời sống cho mình, người dân Xuân Dương lúc bấy giờ phải đi tìm nguồn nguyên liệu gỗ ở các nơi, nhất là những vùng rừng núi phía tây huyện Hòa Vang. Chất liệu làm guốc là các loại gỗ như chim chim, sầu đông, xác mướp, mứt..., nhưng chủ yếu là gỗ chim chim, vì nó vừa dẽo, vừa dễ đẽo gọt. Dụng cụ để làm guốc cũng như dụng cụ của những người làm thợ mộc gồm: đục, cưa, chàng, đá mài…
Một đôi guốc mộc muốn hoàn thành phải qua các công đoạn, đó là, khi gỗ được đưa về, người thợ làm guốc thường phải chọn những cây gỗ tốt, thẳng, và đẽo cho nhỏ lại có đường kính khoảng 10 cm, rồi cưa thành lóng, vừa bằng chiều dài chiếc guốc, sau đó chẻ thành miếng, và dùng chàng, đục đẽo cho ra thành hình chiếc guốc. Khi đẽo xong chuyển qua xả cho có chiều cong, tiếp theo là rập cho có khuôn, từ đó mới đẽo lại gọi là đẽo thuyền - đẽo dọc theo miếng gỗ - rồi mới vanh tròn chiếc guốc. Sau đó, chấn bụng dưới để tạo thành đế guốc, tiếp theo là bào cho nhẵn các bên, bào lại bề mặt chiếc guốc cho sạch, mịn, rồi đánh số thứ tự từng đôi theo các số 1 - 1, 2 - 2,… đôi nào theo đôi nấy, sau đó chỉnh trang lại hai đế cho bằng nhau. Khi xong việc đẽo gọt hình thành được đôi guốc, thì đóng quai. Quai guốc ngày xưa làm bằng da bò, sau này mới làm quai bằng ni-lông và nhựa mềm.
Sau khi đóng xong quai thì bắt đầu sơn từng chiếc guốc. Sơn thường dùng là sơn ta trộn với dầu màu, gồm có ba màu chính là đỏ, đen và vàng. Tùy theo tuổi tác và giới tính mà guốc được sản xuất thành hai loại, loại đế cao gọi là guốc cao gót, cao từ 6 đến 7cm, loại đế bằng cao từ 3 đến 4cm. Loại cao gót dùng cho thiếu nữ, loại đế bằng dùng cho nữ trung niên, và nam giới có tuổi.
Ngày xưa, nghề làm guốc đã nuôi sống nhiều gia đình, làng Xuân Dương lúc bấy giờ có khoảng 20 hộ làm guốc, mỗi người trong một ngày nếu làm tích cực thì có thể làm đến vài chục đôi guốc, mỗi đôi thời kỳ đó bán được ba đồng hai. Thời kỳ thịnh nhất của làng nghề là giai đoạn thập niên 50 – 60 của thế kỷ XX, có nhiều người từ làng khác đến Xuân Dương để học nghề và thị trường tiêu thụ mạnh là các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang… buôn bán thường là bán sỉ.
Đến năm 1980, làng nghề làm guốc Xuân Dương đã không còn phát triển và buôn bán thịnh như trước và cho đến nay thì đã bị mai một hẳn; những người làm nghề hiện còn sống là ông Nguyễn Bá Sanh, Huỳnh Nghè, Phạm Sĩ Tấn, Phạm Chữ, Phạm Cầm. Tuy nhiên, đến nay thị hiếu thẩm mỹ của phụ nữ nói chung đã theo hướng hoài cổ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, nên thời trang cũng trở lại với áo lụa Hà Đông, với guốc mộc, nhất là với miền Trung sẽ là vật cần thiết cho phụ nữ trong những ngày mưa lầy lội.
Qua trao đổi với các nghệ nhân, chúng tôi được biết, họ rất muốn phục dựng lại làng nghề để ngõ hầu trao truyền lại cho các thế hệ sau những tinh hoa, những giá trị truyền thống của làng nghề, để gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Hồ Tấn Tuấn