* Ca dao vùng Điện Bàn có câu “Ai đua Sông Trước thì đua,/ Sông Sau có miếu thờ vua xin đừng!”. Xin quý báo cho biết, Sông Trước và Sông Sau ở đây là sông nào hiện nay? (Trịnh Ngọc Hùng, Duy Xuyên, Quảng Nam).
- Ngày trước trong cách đặt địa danh, người xưa thường đặt thành cặp đôi mỗi khi có hai xóm làng, sông núi… ở gần nhau với một vị thế tương ứng nào đó. Ví dụ: (xóm) Thượng/ (xóm) Hạ; (thôn) Đông/ (thôn) Đoài…
Với câu ca đang xét, vị trí trước/ sau đã làm nên tên gọi dân gian của hai con sông, được tác giả bài viết “Quá trình hình thành vùng đất Gò Nổi” đăng trên gonoi.net như sau:
“Khu Gò Nổi ngày nay thuộc lưu vực sông Thu Bồn, phát nguyên từ nhiều nguồn: nguồn Chiên Đàn phía Tây Nam Tam Kỳ, nguồn Ô Gia phía Tây huyện Đại Lộc. Hai nguồn hợp lưu với nhau tại Giao Thủy, từ Giao Thủy dòng nước chảy về hướng Đông, gặp một cồn cát lớn, gần đầu làng Vân Ly. Dòng nước chia thành hai nhánh, một nhánh chảy ra phía bắc, một nhánh chảy qua phía nam là sông lớn. Dòng sông lớn chảy qua các làng ở phía nam dòng sông như: An Lâm, Cù Bàn, La Tháp, Thanh Châu, Thọ Xuyên, Chiêm Sơn, Trà Kiệu, Mỹ Xuyên (thuộc huyện Duy Xuyên), chảy tiếp theo hướng đông nam qua bến Dưỡng Chân phía bắc huyện Quế Sơn, chảy qua các làng An Lạc, Châu Trà, Nhiêu Đông, hợp lưu với sông Chợ Củi, đổ ra cửa Đại Chiêm (Cửa Đại, Hội An – ĐNCT). Dòng sông này có tên gọi Sông Trước hay sông Bà Rén.
Thời gian dài, bởi tác động của con người và thiên nhiên làm xói lở bờ sông, đổi dòng chảy, chia cắt một số làng ở phía bắc dòng sông: Na Kham, Thạnh Mỹ, Phú Bông, Thi Lai. Dòng chảy đến Thi Lai, tách ra một nhánh chảy ra hướng bắc qua các làng Mỹ An, Tiệm Rượu, Câu Nhí. Nơi miệng sông này lại tách ra một nhánh chảy xuống hướng đông hòa vào sông Chợ Củi (nơi đây vốn là con sông có từ trước).
Đến niên hiệu Minh Mạng thứ ba (1822), nhà vua cho đào sông Câu Nhí đến Cẩm Sa, dài 850 trượng dựa theo đường thủy đạo cũ. Lòng sông cạn và hẹp, uốn khúc, quanh co, chỉ đi được thuyền nhỏ. Năm Minh Mạng thứ bảy (1826), nhà vua cho sửa sang lại, dời xuống 40 trượng, miệng sông rộng và sâu để đón nước ở Sông Lớn (Sông Trước). Sông Vĩnh Điện chảy về hướng bắc, đến làng Hóa Khuê Trung (Hòa Vang) hợp lưu với sông Cẩm Lệ, chảy ra cửa biển Sông Hàn.
Sau thời gian hình thành sông Vĩnh Điện, thế nước Sông Lớn (Sông Trước) dồn về, dẫn đến mực nước ở sông này cạn dần. Ngược lại, nhánh sông chảy ra phía bắc đầu làng Văn Ly được dòng nước dồn về, tốc độ chảy lớn làm xói lở, chia cắt một số làng làm đôi: Văn Ly, Kỳ Lam, Bất Nhị, Câu Nhí, tiếp nối với sông Chợ Củi, nhân dân gọi khúc sông này là Sông Sau, có câu ca dao để lại: Ai đua Sông Trước thì đua,/ Sông Sau có miếu thờ vua xin đừng!
Dòng sông từ Cửa Đại lên thượng nguồn gọi chung là sông Thu Bồn, nằm về phía bắc khu Gò Nổi. Ghe thuyền xuôi ngược đều qua sông này. Từ đó, dòng Sông Trước (sông Bà Rén) khô, cạn dần, năm nào có lụt lớn nước mới chảy qua”.
Nói thêm, câu ca này có một dị bản, theo bài viết “Lòng dân với nhà Tây Sơn” của Quách Tấn – Quách Giao đăng trên Đặc san Tây Sơn – Quang Trung Xuân Quý Dậu 1993. Theo đó, sau khi ngôi từ đường của nhà Tây Sơn ở Kiên Mỹ bị nhà Nguyễn phá hủy, người dân Bình Khê (tỉnh Bình Định) lấy đình làng bí mật thờ ba vua Tây Sơn, nhưng chỉ vái thầm chứ không đọc văn. Ðể che mắt vua quan nhà Nguyễn, ngày kỵ gọi trại là ngày “cúng cơm mới”. Lâu ngày chính quyền địa phương biết được, nhưng một mặt sợ “thần linh bẻ họng”, mặt khác sợ thất nhân tâm nên bóp bụng làm ngơ.
Các tầng lớp nhân dân đều tỏ lòng kính yêu nhớ tiếc ba vua Tây Sơn, bất kỳ ai đi ngang qua đình Kiên Mỹ đều giở nón cúi đầu. Và ca dao địa phương có câu: “Ðá Hàng cữ nước không sâu/ Hàng Thuyền lai láng mặt dầu cá đua/ Có đua sông trước thì đua/ Sông sau mắc miễu thờ vua xin đừng”.
ĐNCT