Phát biểu tại buổi lễ khánh thành cầu Thuận Phước tháng 7-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông trong những năm qua là con đường đúng đắn đưa Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố trọng điểm của khu vực, xứng đáng với tầm vóc là đô thị loại 1 của cả nước.
Cầu rồng khi hoàn thành sẽ là một điểm nhấn trong các công trình giao thông của thành phố. |
Từ những công trình hiện hữu
Cầu Thuận Phước là công trình trọng điểm của thành phố Đà Nẵng, được xây dựng bắc qua ở điểm cuối sông Hàn, nối liền quận Hải Châu với bán đảo Sơn Trà. Với tổng chiều dài 1.850m, cầu Thuận Phước được đánh giá là cầu treo dài nhất Việt Nam hiện nay. Sau hơn 6 năm thi công, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án, nhưng người Đà Nẵng có thể tự hào về cầu Thuận Phước bởi hàm lượng “chất xám” do các công nhân, kỹ sư người địa phương nghiên cứu, áp dụng vào công trình; có nhiều hạng mục thi công tiết kiệm cho thành phố hàng chục tỷ đồng so với việc áp dụng công nghệ hay vật liệu xây dựng mua của nước ngoài.
Cùng ngày khánh thành cầu Thuận Phước, Đà Nẵng cũng đã tổ chức khởi công xây dựng cầu Rồng với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự kiến từ 2009-2013. Tính đến thời điểm hiện nay, gói thầu 1A của cầu Rồng gồm cầu dẫn phía Đông và 157 hệ cọc khoan nhồi đã được thi công hoàn thiện và tính chung toàn bộ dự án đã có 55% khối lượng công việc hoàn thành.
Cầu Rồng cùng những cây cầu khác bắc qua sông Hàn nối liền hai quận Hải Châu và Sơn Trà thúc đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển kinh tế giữa trung tâm hành chính phía bờ Tây và khu du lịch biển phía bờ Đông sông Hàn, khai thác hết tiềm năng cảng nước sâu Tiên Sa. Góp phần giải tỏa sự quá tải hiện tại của cầu Sông Hàn, công trình cầu Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Trỗi đang được thi công sẽ đáp ứng được lưu lượng giao thông ngày càng phát triển cũng như nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Cầu Rồng ra đời tạo thành trục chính của thành phố theo hướng Đông Tây, là tuyến ngắn nhất nối sân bay Đà Nẵng với các trục giao thông quan trọng khác của thành phố.
Đầu tư cho tương lai
Giai đoạn 2006-2010, Sở GTVT được giao triển khai thực hiện 124 dự án đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 9.628,919 tỷ đồng. Đã hoàn thành 84 dự án với tổng mức đầu tư 4.126,045 tỷ đồng: hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 51,837km đường xây dựng mới, 46,484km đường nâng cấp cải tạo và 2,395km cầu; đang thi công 40 dự án với tổng mức đầu tư 5.502,874 tỷ đồng (chưa kể 2 dự án ODA đang thực hiện có tổng mức đầu tư là 4.589 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 1.403 tỷ đồng, vốn nước ngoài 3.186 tỷ đồng). |
Tháng 7-2011, Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức tại Ngã ba Huế, TP. Đà Nẵng, gồm xây dựng nút giao lập thể hình xuyến hoàn chỉnh kết hợp cầu vượt 3 tầng. Tổng mức đầu tư hơn 1.957 tỷ đồng. Theo kỹ sư Vũ Như Trường Thành, Ban Quản lý dự án cầu Rồng (kiêm nút giao thông Ngã ba Huế) thì thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài từ 2012-2015. Dự án khi hoàn thành sẽ tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách, giảm thời gian ùn tắc; tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa; giảm tai nạn giao thông; thuận tiện cho việc đi lại; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan và là điểm nhấn kiến trúc trên trục đường vào trung tâm thành phố.
Những công trình cầu, đường đã và đang thi công thời gian qua nằm trong số 12 công trình trọng điểm của thành phố, cùng với những công trình hạ tầng quan trọng được xây dựng mới, nâng cấp đồng bộ, hiện đại được đưa vào sử dụng như: đường Hoàng Sa - Trường Sa, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, đường ĐT 602, đường Đà Nẵng - Hội An, cầu Hòa Xuân,... góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và thay đổi bộ mặt đô thị của Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại.
Theo đánh giá của Sở GTVT, những năm qua, thành phố đã ưu tiên tập trung 65-70% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm cho các công trình giao thông, đầu tư khá tập trung và có hiệu quả vào những công trình trọng điểm, các công trình đòi hỏi nhu cầu bức thiết của người dân và nhà đầu tư; nhiều công trình còn chịu sức ép về tiến độ hoàn thành nhằm chào mừng các sự kiện chính trị. Trong khi đó, kinh phí quản lý, bảo trì cầu đường chưa cân đối với nhu cầu vốn sửa chữa công trình, chỉ vào khoảng 27 tỷ đồng/năm.
Sở GTVT Đà Nẵng đã có “kịch bản” cho tình trạng giao thông của thành phố đến năm 2020. Nhưng theo đà tăng của lượng xe tư nhân hiện nay, đến cuối năm 2016, như ông Trần Văn Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư, Sở GTVT nói “khoảng 40.000 ô-tô sẽ làm vượt ngưỡng đáp ứng hạ tầng giao thông”. Hiện tượng kẹt xe sẽ xảy ra thường xuyên như ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nếu thành phố không triển khai thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông ngay từ bây giờ.
Trong khi các giải pháp đã phải áp dụng sớm trước 4 năm, thì quỹ đất dành cho giao thông dự kiến đến năm 2015 sẽ được bố trí khoảng 13%, trong khi theo quy định của Nhà nước hiện nay, ở các đô thị, quỹ đất dành cho giao thông phải đạt 23-25%.
Vấn đề đầu tư cho giao thông, có lẽ vì thế cần có một “kịch bản” mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn về tăng lượng xe cá nhân, mở rộng đường hay mở rộng tuyến, tăng lượng xe công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, ngành giao thông đề nghị nên khởi công công trình khi đã giải phóng tập trung ít nhất 70% diện tích mặt bằng xây dựng và đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền để thực hiện chức năng của chủ đầu tư; tránh lãng phí nguồn lực của nhà thầu khi lao động, xe máy thi công được huy động phải chờ có mặt bằng xây dựng…
Hiền Lương