.

Một thời khói lửa

.

Thượng tướng Đàm Quang Trung (1921-1995) là một trong những danh tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sinh thời ông từng giữ nhiều chức vụ khác nhau, trong đó, có giai đoạn là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (từ 1987 đến 1992). Vào thời điểm những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (20-12-1946), ông là Chỉ huy trưởng Ủy ban Quân sự ở mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng.

Thượng tướng Đàm Quang Trung thăm lại chiến trường xưa tại bắc Hòa Vang (Ảnh chụp năm 1993).
Thượng tướng Đàm Quang Trung thăm lại chiến trường xưa tại bắc Hòa Vang (Ảnh chụp năm 1993).

Vào khoảng năm 1993, Thượng tướng Đàm Quang Trung có chuyến công tác thăm chiến trường xưa tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Đó cũng là lần cuối cùng ông gặp lại đồng bào, đồng đội đã gắn bó cùng ông một thời trai trẻ trên dải đất miền Trung. May mắn thay, tôi có cơ duyên được tháp tùng cùng ông trong chuyến đi ấy.

Trong con mắt tôi bấy giờ, Thượng tướng Đàm Quang Trung vẫn là một con người đầy nhiệt tình, sôi nổi. Ông nói chuyện không ngừng nghỉ, và đặc biệt trên tay dường như không rời điếu thuốc. Một lần, dừng chân ở trạm nghỉ tại chân đèo Hải Vân, khi đoàn cán bộ địa phương ngỏ ý mời ông thưởng thức một vài món đặc sản địa phương, ông trả lời: “Cứ để mặc tôi, nếu cần thì cứ chuẩn bị thuốc lá. Tôi chỉ uống bia và hút thuốc. Bởi vì, tôi là con người của khói lửa mà!...”.

Thượng tướng Đàm Quang Trung tên thật là Đàm Ngọc Lưu, dân tộc Tày; quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia cách mạng năm 1937, đến năm 1940, bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam rồi quản thúc tại địa phương. Từ tháng 9 năm 1944, ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng và huấn luyện du kích ở vùng biên giới phía Bắc. Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương cho đến sau ngày hòa bình, ông luôn giữ các vị trí trọng trách trong quân đội, và được đánh giá là vị tướng chiến thuật bậc thầy của Việt Nam trong các chiến dịch có sự phối hợp hiệp đồng giữa pháo binh và xe tăng.

Từ ngày 22-9-1946, khi quân Pháp trở lại nổ súng xâm lược Nam Bộ, ông nhận lệnh lên đường Nam tiến chi viện cho chiến trường miền Nam và Chi đội 4 hay còn gọi là Chi đội Đàm Quang Trung. Thời điểm này, Quảng Nam và Đà Nẵng ở vào vị trí đầu cầu của khu V, Trị Thiên và Hạ Lào, có hải cảng, sân bay, nơi quân Pháp đang đồn trú và chuẩn bị mở cuộc xâm lược mới. Để thống nhất chỉ đạo ở mặt trận này, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Ủy ban Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng vừa được thành lập. Bên cạnh ông, còn có Nguyễn Bá Phát là Chỉ huy phó và  Huỳnh Ngọc Huệ là Chính trị viên.

Ngày 5-12-1946 quân Pháp bắt đầu đưa thêm các đơn vị bộ binh lê-dương cùng nhiều vũ khí, xe tăng đổ bộ lên cảng Đà Nẵng, do tên đại tá Larèque lập bộ chỉ huy mặt trận. Ngày 16-12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các tỉnh miền Nam chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Ngày 19-12-1946, Ban Chỉ huy mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng nhận được điện của Trung ương: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư, đòi tước khí giới quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng”. Trung ương Đảng chỉ thị: “Tất cả hãy sẵn sàng”. Chiều ngày 19-12-1946, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu, mở đầu bằng lời cấp báo: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến!”.

Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban Chỉ huy mặt trận nhận được điện này, đã ra lệnh vào đúng 2 giờ sáng 20-12-1946, tiểu đoàn 19 nổ súng đánh địch tại sân bay, các đơn vị khác đồng loạt nổ súng tấn công địch. Các cầu Thủy Tú, Cẩm Lệ, Phong Lệ, nhà máy điện… bị phá sập. Như vậy, cùng với cả nước, đó là thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng thực sự bắt đầu... Và cũng từ những trận đánh đầu tiên, quân dân xứ Quảng đã thực hiện được nhiệm vụ của cấp trên đề ra, góp phần làm thất bại kế hoạch tốc chiến, tốc thắng của giặc Pháp, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian để chuyển vào chiến tranh, tiếp tục kháng chiến lâu dài. Lúc này, đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ, đã biểu dương: “So sánh với toàn quốc, mặt trận Đà Nẵng được liệt vào hàng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất…” và trao tặng quân dân mặt trận Đà Nẵng lá cờ thêu hai chữ “Giữ  vững”.

Trong những câu chuyện hồi ức của Thượng tướng Đàm Quang Trung, mảnh đất phía bắc Hòa Vang có lẽ là nơi để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, được ông nhắc đến nhiều hơn cả. Ông kể lại rành rọt từng chi tiết những trận đánh ác liệt ở đèo Hải Vân, cầu Thủy Tú..., và từng con người, từng thôn xóm mà ông đã từng gặp gỡ, từng chia sẻ gian khổ, khó khăn.

Khi ghé thăm gia đình bà Cai Đạt (tại một thôn hẻo lánh ở Hòa Hiệp) – một người mẹ bao dung, kiên cường đã che chở, giúp đỡ bộ đội kháng chiến, ông nhắc lại từng kỷ niệm nhỏ: “Tôi nhớ lúc đó mỗi lần bà cụ gởi đến anh Phát (cố Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát – nguyên Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam) một chai nước mắm Nam Ô, bà cũng đều gởi tôi một chai. Bà rất thương anh em bộ đội. Khi bị địch bắt bớ, hạch hỏi, bà thường dõng dạc nhận bộ đội là con em của bà”.

Điều thú vị trong chuyến tháp tùng cùng Thượng tướng, ngay trong buổi tiếp xúc đầu tiên, khi tôi xin ông đặt vài câu hỏi cho bài viết thì bị ông hỏi ngược: “Anh muốn viết về tôi, muốn phỏng vấn tôi, thế anh có biết tôi đã làm công việc gì? những chức vụ gì? tôi có gắn bó với Quảng Nam - Đà Nẵng ra sao?”

Thực sự lúc này, dù cuộc kháng chiến chống Pháp đã qua lâu, nhưng cái tên của ông – Đàm Quang Trung vẫn còn hiện diện trong tâm trí người dân miền Trung. Có lần, tôi đã được nghe GS Hoàng Châu Ký kể lại: Thời kháng chiến chống Pháp, ông Đàm Quang Trung là vị tư lệnh dũng cảm, tài ba đã để lại rất nhiều giai thoại thú vị nhất tại xứ Quảng. Thời đó, cùng với đồng bào tản cư lên Trung Phước, Phú Gia... có rất nhiều văn nghệ sĩ, trong đó, nhà thơ Khương Hữu Dụng đã đưa gia đình vào chiếm giữa “cao điểm” đèo Le, dựng nên một quán hàng nước có tên “Quán đèo Le”. Đây là chặng đường Tư lệnh Đàm Quang Trung thường cưỡi ngựa ngang qua để chỉ huy các trận đánh trong vùng tạm chiếm. Một lần dừng chân ở “Quán đèo Le”, khi nghe nhà thơ Khương Hữu Dụng đọc thơ, bình thơ..., nhà quân sự Đàm Quang Trung say sưa, suýt bỏ trễ thời điểm tác chiến. Bởi vậy ông bảo rằng, ông không sợ bất kỳ tướng tá nào tài giỏi của địch, mà ông chỉ sợ nhà thơ Khương Hữu Dụng (!).

Tuy nhiên, không đợi tôi lúng túng tìm câu trả lời, vị danh tướng của một thời miền Trung khói lửa, trở nên gần gũi, thân quen, với những câu chuyện đầy xúc cảm. Ông nói:

- Miền Trung là mảnh đất thân yêu mà tôi còn biết bao kỷ niệm với đồng bào, đồng đội... Lần nào về đây tôi cũng vào thăm, thắp hương tại các đài liệt sĩ. Tôi rất buồn khi nhận thấy có quá nhiều liệt sĩ vô danh. Ngay cả người anh ruột tôi, đến nay vẫn chưa tìm ra mộ chí...

Đã nhiều năm qua, cứ mỗi lần tình cờ lục trong đống tư liệu, khi gặp những hình ảnh và nghe lại cuốn băng cassette trong lần trò chuyện với Thượng tướng, tôi vẫn luôn nhận ra những cảm xúc bất ngờ thú vị. Giọng nói ông chậm rãi, chắc nịch, cứ làm tôi liên tưởng: Ông vẫn ngồi đó, điếu thuốc không rời tay. Và khói, và lửa, và một thời ác liệt miền Trung...

TRẦN TRUNG SÁNG

 

;
.
.
.
.
.