.

Nỗi lo “kim cương máu” trở lại

.

Tổ chức Global Witness (Nhân chứng toàn cầu) là tổ chức đầu tiên rời khỏi chương trình được biết tới với cái tên “Quy trình Kimberley” được thành lập năm 2003 xuất phát từ những xung đột ở Angola và Sierra Leone dẫn tới việc buôn bán kim cương.

Khai thác kim cương ở khu vực Marange.
Khai thác kim cương ở khu vực Marange.

Global Witness, từng là tổ chức ủng hộ mạnh mẽ việc ngăn chặn buôn bán “kim cương máu” ở châu Phi, bày tỏ sự lo ngại về cách thức hoạt động của “Quy trình Kimberley” như việc tháng trước cho phép Zimbabwe xuất khẩu kim cương khai thác từ khu vực Marange, nơi được cho là có nội chiến giữa phe nổi dậy và quân chính phủ. Quyết định này đi trái với nguyên tắc đã được hơn 70 nước ký kết và được LHQ ủng hộ là các nước chỉ được xuất khẩu kim cương có nguồn gốc sạch sẽ, không xuất phát từ những khu vực “vấy máu” ở châu Phi. Nhân viên cấp cao của Global Witness, Annie Dunnebacke nói ngắn gọn về sự rút lui rằng “Quy trình Kimberley” hoạt động không  hiệu quả.

Bà Dunnebacke cho biết “Quy trình Kimberley” hoạt động không hiệu quả là điều dễ hiểu bởi nó đang nằm trong tay các nước, các nhóm ngành công nghiệp kim cương và các nhóm ủng hộ như giới quan sát. Họ tham gia khai thác các mỏ kim cương, tham gia các cuộc họp chính thức, đóng góp xây dựng báo cáo và đưa ra quyết định cuối cùng. Các nhóm vận động than phiền từ nhiều năm trước rằng các nước thành viên thiếu ý chí chính trị để ngăn cản các nước vi phạm quy trình này. Nhiều thương gia và các “đầu nậu” đang núp bóng ngay sau “Quy trình Kimberley” để hoạt động. Họ không hề kiểm tra thực tế nguồn gốc kim cương mà đang cố “làm sạch” nguồn gốc của nó. Chính vì thế đã xuất hiện không ít những cuộc chiến được gọi là “xung đột kim cương” giữa chính phủ với quân nổi dậy ở nhiều nước châu Phi, trong đó có Zimbabwe.

Farai Maguwu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển đóng tại Zimbabwe, cũng là thành viên của “Quy trình  Kimberley” nói rằng sự rút lui của Global Witness không đánh sập cả hệ thống nhưng đó là cú đánh mạnh vào Quy trình này vì có nhiều người và nhiều tổ  chức khác ủng hộ quyết định của Global Witness. Chủ tịch luân phiên của “Quy trình Kimberley” thuộc về Congo. Vị chủ tịch này đã “lặn mất tăm” để chờ ngày chuyển giao quyền lực cho Mỹ kể từ ngày 1-1-2012.

Trong quá nhiều lời tán đồng và phản bác về “Quy trình Kimberley”, đại diện EU là ông Michael Mann xoa dịu tất cả hãy cố gắng kiềm chế “Quy trình Kimberley là công cụ không hoàn hảo, nhưng đó là thứ tốt nhất chúng ta có hiện nay. Điều quan trọng vào lúc này không phải là rút lui mà cố gắng ngồi lại với nhau tìm giải pháp làm việc hiệu quả nhất vì mục tiêu chung”...

Anh Thư

;
.
.
.
.
.