Trở lại bến phà bờ đông sông Hàn, đầu con đường Nguyễn Công Trứ bây giờ, người đi xa trên 10 năm có lẽ sẽ không thể nhận ra. Bây giờ bến phà không còn cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, không còn những dãy nhà chồ san sát, không còn cảnh ăn bữa hôm lo bữa mai. Đời sống người dân đã nâng cao rõ rệt, làng An Thị ngày trước, giờ mang vẻ yên bình hiếm thấy giữa lòng phố thị…
Cây đa cổ thụ được giữ lại trên đường xuống bến phà xưa. |
Con đường xuống bến phà xưa là đường huyết mạch nối bến phà với cả vùng biển Sơn Trà để qua bên kia thành phố. Người ở Thọ Quang, Vũng Thùng, ở Phước Mỹ muốn đem sản vật rau hoa, cá tôm tươi rói sang phố đều qua sông trên đoạn đường này. Cả một bến sông là một cuộc sống sôi động, hầu như không có giờ ngủ. Từ 2 - 3 giờ sáng bà con đã họp chợ rau. Trễ hơn chút nữa là chợ cá. Ghe, thuyền tấp nập đi, về. Hồi đó để sang phà, qua sông, những chiếc tàu gỗ đón khách chĩa cả mũi tàu lên hẳn bờ sông, mãi sau này bến bờ đông mới có cầu cảng, mang tên là cầu Đen. Dân bản xứ cũng không ai nhớ vì sao có tên cầu Đen. Hay vì lẽ, phía trên là nhà chồ, là những cuộc sống sông nước có phần tạm bợ, dưới chân là dòng nước sông mang màu đen của chất thải, của những tủi cực vất vả?
Giờ, với sự đổi thay của khu vực bến phà mới thấm thía rằng những năm qua thành phố đề ra các giải pháp chỉnh trang đô thị và những chính sách an sinh xã hội đều hướng vào sự đi lên trong đời sống người dân.
Năm 2000, từ khi cây cầu Sông Hàn khánh thành, người dân bến phà đứng ở bến đã bắt đầu cảm nhận được một không khí đổi thay đang len lỏi vào cuộc sống của họ. Những dãy nhà chồ san sát mặt sông được dỡ bỏ. Bến phà không còn. Bến cá, bến xe lam, chợ rau buổi sáng dừng hoạt động. Chợ Hà Thân được lùi vào bên trong. Cuộc sống của những người chuyên làm nghề gánh thuê, buôn gánh bán bưng, chèo ghe, chèo đò đã dừng lại. Dân làng An Thị có nghề vấn thuốc rê thành điếu bỏ mối cho các chợ cũng dừng. Bà con tìm một nghề khác, bền vững hơn, có thu nhập ổn định hơn. Người chuyển sang bán hàng ăn, người đi làm công nhân, người kiếm một sạp hàng trong chợ…
Cũng chưa phải là giàu có, của ăn của để, nhưng theo nhận xét của ông Phạm Đình Bê, ở tổ 1 phường An Hải Tây, Sơn Trà, thì “từ khi giải tỏa, đời sống người dân khá hơn, chứ ngày xưa khổ, cả khu vực này rất phức tạp, là đất sống của bọn móc túi”. Gia đình ông Bê sống ở đây đã được 4 đời, ngôi nhà cất ngay dưới cây đa cổ nhất của khu vực bến sông. Gian nhà phía trước không thể nâng cao được vì mắc tán đa, nhưng nó che chở cho ngôi nhà bé nhỏ này vượt qua mấy trận bão lớn. Năm 2008, khi thành phố chỉnh trang, nâng cấp đường Nguyễn Công Trứ, ông Bê để ý thấy đội đo đạc làm đường vẽ đi vẽ lại sơ đồ đường đến 3 - 4 lần. Cuối cùng họ quyết định xây con đường cong một chút sang hướng nhà thờ An Hải, tránh cho cây đa không bị giải tỏa. Ông Bê và bà con An Thị thấy ấm lòng bởi cây đa không biết đã mấy trăm năm tuổi vẫn vẹn nguyên. Con đường hơi cong cong, lại giống như một nét duyên con gái.
Giờ con đường xuống bến phà xưa được mở rộng gấp đôi, có vỉa hè to đẹp, hai bên đường những dãy nhà san sát, cũ, mới đan xen. Từng ngõ xóm được nâng cấp; điện, nước cấp đến từng hộ dân, đèn đường vào từng con hẻm… Chừng đó thôi đã thấy khu vực này khác trước rất nhiều. Ông Hà Văn Thức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường An Hải Tây cho biết, bây giờ bà con có thể yên tâm làm ăn bởi khu vực này không giải tỏa, chỉ thực hiện chỉnh trang. Nhiều hộ nghèo của phường nằm tại An Thị, nhưng năm 2011 này, 24 hộ đã ra khỏi diện nghèo, được hỗ trợ vốn, phương tiện làm ăn. Năm qua cũng có 2 gia đình được hỗ trợ trên 70 triệu đồng sửa nhà. Phường cũng xác định đã giúp dân sửa nhà là “giúp đến nơi đến chốn”, như hỗ trợ lợp nhà sẽ giúp từ việc mua tôn, đến đòn tay, đinh và cả công thợ. “Trong số 112 triệu đồng do Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện phường kêu gọi quyên góp được trong năm để hỗ trợ cho những hộ khó khăn, người già cô đơn, học sinh nghèo vượt khó, chúng tôi cũng tập trung phần lớn vào An Thị”, ông Thức cho biết.
Ông Trần Quang Kim, nhà ở khu vực bến phà xưa, giờ giải tỏa chuyển về phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn vẫn nhớ như in ngày ông và cô bạn gái- giờ là vợ ông- mỗi lần hẹn nhau đi chơi là sang phà, qua phố. “Điểm đến” là Nhà hát Trưng Vương, công viên. Ông bảo, xưa bên kia là phố, bên này là ngoại ô, dân bên này bà con vất vả, làm đủ nghề để sống. Nay nhờ giải tỏa, đời sống bà con thực sự khấm khá hơn, phố xá đẹp hơn. Ông là dân bên này sông cũng không ngờ đời sống đi lên như thế.
Còn ông Phạm Đình Bê thì khẳng định chắc nịch, với làng An Thị, nằm giữa hai cây cầu Sông Hàn và cầu Rồng, chỉ trong nay mai thôi cả khu vực này sẽ còn khác nữa. “Lúc đó nhắc đến bến phà xưa, chắc chỉ có mấy người già như tôi mới nhớ”, ông cười, lấp lánh niềm vui…
Hoàng Nhung