Dự án cải tạo môi trường làm muối của Duyên không thành. Chính những diêm dân không muốn có sự thay đổi. Duyên nhìn những gương mặt khắc khổ, mệt mỏi của họ, chỉ muốn hét to lên một điều gì. Nhưng chị im lặng, chờ họ ra về hết rồi lững thững đi dọc bờ biển.
Duyên ngồi trên phiến đá nhô ra ngoài mép nước, đợi triều lên. Có ai đó đã nói, người ta dễ chấp nhận một bất hạnh cũ hơn là đón nhận một hạnh phúc mới. Duyên thở dài, cảm thấy một cơn đau nhẹ nơi vòm ngực. Gió mạnh, tóc tai, quần áo áp đầy gió mặn, rin rít khó chịu. Chị đã định xuống tắm rồi lại thôi. Phải về nhà, may ra mới có thể nghỉ ngơi và sắp xếp lại mọi thứ trong đầu.
Đường phố vắng. Hai hàng phượng chỉ cao hơn đầu người, lá xanh thắm. Duyên với tay bứt một nhánh lá, rải dọc lối đi. Ô, sao chẳng có chàng nào theo vết lá này nhỉ. Duyên bật cười khẽ, chợt nhớ mấy câu thơ “Cứ như thế/Thành đạt/Vấp ngã /Khóc, cười một mình/Rồi lại có thể bắt đầu/Khi ngẩng nhìn lên/Gặp mùa hoa phượng”. Thơ thì nhớ mà không sao nhớ được tên tác giả. Duyên nhẩm vài cái tên rồi bất lực lắc đầu, trí nhớ hồi này tệ quá. Duyên lẩm bẩm. Một người đàn ông đi lướt qua, chợt ngoảnh nhìn lại. Có lẽ anh ta nghĩ mình điên. Chỉ có người điên mới vừa đi vừa nói một mình như vậy. Duyên bước vội, tung cả nắm lá phượng lên không.
Bảo vệ nhà nghỉ bảo có người gọi hai lần rồi, hẹn sẽ gọi lại. Duyên cám ơn rồi đi thẳng về căn phòng nằm cuối dãy nhà trệt. Chị nghĩ, có lẽ mấy vị bên Ủy ban gọi thăm hỏi, động viên chi đây. Lạy trời, chỉ mong được tắm gội rồi ngủ một giấc.
Duyên đang sấy tóc thì nghe tiếng chuông điện thoại. Chị định im lặng nhưng chuông reo không dứt. Sợ có việc chi khẩn cấp, chị đành nhấc máy.
Giọng một người đàn ông, alô, cô Duyên phải không ạ. Duyên đáp dè dặt, dạ vâng ạ. Người kia tự giới thiệu, tôi là Tuấn. Dạ vâng, chào anh Tuấn ạ. Duyên đáp mà không biết ai ở đầu dây bên kia. Tuấn là một cái tên quá phổ biến của đàn ông. Riêng công ty chị đã có tới mười mấy ông Tuấn, mỗi ông phải kèm theo một phụ danh, Tuấn già, Tuấn béo, Tuấn kính, Tuấn bột, Tuấn lắp, Tuấn cò cử, Tuấn kều, Tuấn trọc… Đang mải mê với các ông Tuấn, Duyên gần như giật mình khi nghe thấy người đàn ông nói tiếp, giọng thân mật, tôi vừa vào, nghe nói Duyên đang ở đây. Dạ, Duyên đáp, anh vẫn khỏe chứ ạ. Vâng, cũng tàm tạm. Duyên thử dò tìm, anh vẫn ở chỗ cũ chứ ạ. Vâng, thì còn chạy đi đâu được nữa. Rồi có tiếng cười khẽ, tôi có cuốn sách mới, muốn gửi tặng Duyên. Duyên đập tay vào trán, kêu thầm, trời đất, sao mình có thể quên giọng nói của Tuấn nhỉ. Có lẽ do quá bất ngờ chăng.
Thấy Duyên im lặng, Tuấn nói tiếp, giọng có phần vội vã, vậy tôi có thể gặp Duyên được không. Duyên đáp, tự nhiên thấy ngần ngại, được chứ ạ. Nhưng… Duyên đang tính đến một cái hẹn vào ngày mai. Như hiểu được ý nghĩ của Duyên, Tuấn nói nhanh, ngày mai tôi phải đi rồi. Giá có thể gặp Duyên hôm nay, từ ngày đó… Tuấn bỏ lửng câu nói, chờ đợi. Duyên kêu thầm, quái quỷ. Sao mình lại có thể dửng dưng đến vậy khi nghe Tuấn, khi hẹn hò gặp gỡ anh. Duyên đáp, giọng vẫn chưa hết phân vân, vâng, cũng được, em chờ anh ở cổng nhà khách.
Duyên ra đến nơi thì Tuấn đã đứng đợi bên kia đường. Tuấn lúng túng chìa tay, em khỏe không. Duyên mỉm cười, cũng vầy vậy. Duyên bước đi trước, tìm một quán nước nhỏ. Chị hỏi, anh uống gì. Tuấn nhìn Duyên thật nhanh rồi nói khẽ, cho anh xin ly nước chanh. Duyên cũng uống nước chanh. Chị nhớ ngày trước họ cũng thường uống nước chanh nhưng ý nghĩ đó không khiến chị xúc động. Chị hỏi, anh đi chơi hay đi làm việc. Tuấn lại liếc nhìn Duyên, vừa làm vừa chơi, nghề của anh mà. Chị cười, anh có một cái nghề rất tuyệt nhưng em ghét kiểu vừa làm vừa chơi. Duyên chợt im bặt. Chị nhận ra sự chua chát trong giọng nói của mình. Chị cũng nhớ rằng chị đã từng rất yêu nghề nghiệp của Tuấn.
Tuấn im lặng khuấy đá trong ly nước. Duyên nhìn bàn tay anh, nhận ra một chút gì quen thuộc nơi những ngón tay thô, vụng về của anh nhưng hoàn toàn không còn cảm giác thân thiết. Sự im lặng khiến Duyên thấy bứt rứt, chị hỏi, có phần khách sáo, anh có gì vui không. Tuấn vừa đưa cuốn sách cho Duyên vừa kể lể, cũng tạm vậy thôi. Bọn trẻ đã lớn cả, H có vợ là một kiến trúc sư, N lấy chồng làm kế toán một công ty thức ăn gia súc, đứa nào cũng có nhà cửa, xe cộ. Nhìn thấy ánh mắt hờ hững của Duyên nhưng Tuấn không thể dừng được đà kể lể, bà V (vợ Tuấn) lúc này đau ốm rề rề, hồi trẻ bà ấy vất vả, cực nhọc quá. Thực ra thì bây giờ chỉ còn nuôi bà mẹ vợ tuổi ngoài tám mươi, bà cụ đã lẫn nhiều, mới ăn cơm xong đã bảo với hàng xóm cả nhà chẳng cho cụ ăn.
Duyên chợt cắt ngang, nhưng anh thì vẫn rong ruổi thoải mái phải không. Tuấn đáp, giọng mệt mỏi, cũng chả thoải mái gì nhưng vẫn rong ruổi thật. Anh ngẩng nhìn Duyên, nói nhanh, anh muốn gặp Duyên một lần để có thể nói rõ mọi chuyện ngày đó. Một cơn đau đột ngột đâm xuyên qua ngực khiến Duyên nghẹn lời, anh tin là có thể làm rõ mọi nỗi trong một lần gặp à. Tuấn cúi xuống lóng ngóng khuấy đá, chiếc thìa chạm vào thành cốc lanh canh âm điệu quen thuộc. Một niềm thương xót chợt tràn qua lòng. Giọng Duyên dịu lại, thôi, mọi việc qua lâu rồi. Mà em phải về đây, ngày mai em rất bận. Tuấn gần như giật mình vì câu nói của Duyên. Duyên hiểu rằng Tuấn vẫn tin anh có một quyền lực nào đó với chị, tin chị có thể ngồi cả buổi bên anh ở một quán nước nào đó, nghe anh kể lể mọi điều, để lo lắng, để xót thương, để an ủi. Ý nghĩ đó khiến cơn giận vừa nguôi ngoai chợt trở lại. Duyên đứng bật dậy, nói thật nhanh, chúc anh nhiều may mắn, rồi quay đi. Duyên vội vã đến nỗi quên trao cho Tuấn cây bút chị mang theo làm quà cho cuộc gặp bất ngờ này.
Đợi Tuấn đi khuất hẳn Duyên mới bước về hướng ngược lại. Hàng quán còn sáng đèn. Người ta ngồi hóng gió trên mặt cát, trên những chiếc ghế bố. Gió thổi phần phật, sóng đập thầm thì vào bờ đá. Một giọt nước biển thấm qua môi mặn chát.
Duyên dừng lại trước một quầy hàng lưu niệm rực rỡ đèn màu. Người chủ quán đang giới thiệu các mặt hàng cho hai người ngoại quốc. Cô gái trẻ mặc chiếc đầm ca-rô đen trắng đang cầm trên tay mấy chuỗi hạt ốc, hỏi, mấy. Người chủ quán đáp Two Dollas. Có lẽ cô gái chọn mười vòng, Duyên thấy cô chìa ra tờ 20 USD xanh xanh. Người đàn ông cao lớn thì đang xem một con ốc biển lớn dùng làm chao đèn. Con ốc nâu lóng lánh dưới ánh đèn màu trông thật hấp dẫn. Ông ta ra dấu hỏi giá. Người chủ quán xòe năm ngón tay mập mạp ra trước mặt khách. Ông cao lớn nhún vai, có lẽ không hiểu năm mươi hay năm USD. Người chủ quán vội vàng đặt lên mặt quầy một chiếc máy tính đã trầy trụa và gõ 50 USD. Ông cao lớn tỏ ra thông thạo lối mua bán này, gõ lại 30. Người chủ quán lắc đầu, cười, no, no. Lưỡng lự một chút, người đàn ông trả thêm 10 USD và cuộc mua bán hoàn tất.
Ông cao lớn mặt mày hớn hở, xoay người mời Duyên. Duyên bỗng nhớ đến Mai, cô bạn thân từ ngày đi học. Mỗi khi có việc buồn Mai lại tha thẩn đi mua sắm. Có lần Mai mua một lúc 3 chiếc áo, về nhà chẳng mặc vừa chiếc nào, nài nỉ cho cô em dâu. Lần khác, Mai mua một lô mỹ phẩm, gọi Duyên đến chọn. Duyên hỏi, đã nguôi ngoai chưa. Mai ngạc nhiên, sao cậu biết. Duyên cười, không buồn bã khổ sở thì cậu đâu có đi mua đủ thứ bà rằn thế này. Mai cười buồn, lúc mua thứ này, xem thứ nọ cũng khuây khỏa nhưng về nhà thì đâu lại vào đó. Duyên hỏi, nghĩa là phải đi shopping luôn luôn hả.
Câu chuyện cũ khiến Duyên bật cười. Người chủ quán đang lúi húi thu dọn, bày biện hàng họ trong tủ kính, ngẩng lên, giọng ngọt ngào, thưa cô, cô cần chi. Duyên cầm mấy chuỗi vòng ốc săm soi. Người chủ quán vồn vã, để tôi chọn loại chuỗi đặc biệt dành cho khách quý. Ông ta có bộ điệu lăng xăng hiếu khách và có sẵn một nụ cười giao đãi trên môi. Ông ta chìa về phía Duyên năm sáu chuỗi ốc. Quả chúng đẹp hơn thật. Có lẽ ông ta nghĩ Duyên sành các mặt hàng này. Duyên chọn hai chiếc, một ngắn một dài, đeo hết vào cổ. Chủ quán hỏi, cô có cần gương không. Duyên đáp, không, cám ơn rồi bước ra khỏi quán.
Đường ven biển đã vắng. Duyên biết, cuối con đường này sẽ là một đoạn dốc thấp vắt ngang qua ngọn núi nhoài mình ra biển. Sau đoạn dốc, đường lại bằng phẳng, chạy sát mép nước. Đoạn đường này có rất nhiều hoa cúc dại. Duyên thích màu vàng cam. Có lần Duyên đã hái một ôm đem về nhưng khi cắm trong bình trông chúng không còn đẹp nữa. Vật nào chỗ ấy mà. Không biết mấy cái vòng ốc này trông có buồn cười không nữa. Duyên đưa tay sửa lại mấy dây ốc. Dây dài đứt tung, những con ốc vung vãi. Duyên cúi nhìn những con ốc lẫn trong cát, lẩm bẩm, thôi, cái gì đã mất thì không còn là của mình.
Đến chân dốc, Duyên nghe thấy một điệu nhạc quen thuộc vẳng ra từ quán cà-phê nhỏ. L’amour est bleu của Paul Mauriat. Có lần, Tuấn đã nói về âm nhạc của Paul, về nỗi đắng cay được gạn lọc, về nỗi buồn trong trẻo, về sự thay đổi cảm thức trước nghệ thuật của mỗi lứa tuổi… Phải, giờ đây chị nghe Paul đã khác rồi. Trời ơi, một ngày sao mà dài. Duyên thì thầm, ước chi có thể ngủ một giấc thật say.
Nhưng giấc ngủ không đến. Dạo này, thỉnh thoảng lại có đêm mất ngủ. Có khi, do một ngày làm việc căng thẳng, do những bực bõ trong giao tiếp. Có khi chẳng có lý do nào cụ thể. Rồi có khi, sau một ngày cực nhọc giấc ngủ lại đến thật dễ dàng. Rồi có khi, chính trong những đêm không ngủ Duyên lại có được bao nhiêu ý tưởng thú vị. Nói chung, Duyên không để ý nhiều đến việc ngủ nghê, ăn uống của mình. Đằng nào thì 6 giờ sáng cũng phải trở dậy, đằng nào thì 11giờ đêm cũng tắt đèn đi ngủ. Đằng nào thì cũng phải làm cho xong những công việc phải làm của một ngày.
Mặc cho những chuyến đi liên miên đến các vùng làm muối, mặc cho những khúc mắc trong công tác nghiên cứu, mặc cho những va chạm với đồng nghiệp, với lãnh đạo, với diêm dân, mặc cho sự tan vỡ trong tình yêu với Tuấn… Duyên vẫn nghĩ mình có một cuộc đời phẳng lặng, không có gì đáng nói. Niệm bảo, anh thích cuộc sống nhẹ nhàng, giản dị của Duyên. Lần đầu đến thăm nhà, anh nhìn chậu hoa thu hải đường trên bậu cửa sổ rồi bảo, có lẽ thu hải đường là thứ cây duy nhất trong tác phẩm của Marquez. Duyên đã tìm đọc Marquez. Chị không thực hiểu thế giới mộng mị của nhà văn, cũng không thực tin rằng thứ cây thu hải đường của ông chính là thứ cây có thân lá màu tím đỏ tươi tốt quanh năm của chị. Nhưng Duyên tin Niệm, tin những điều anh nói.
Anh bảo, anh yêu căn phòng chỉ có những vật dụng thực sự cần thiết của chị, anh yêu những ghế bàn màu nâu không chạm trổ, không uốn lượn cầu kỳ, yêu màu vôi tường vàng nhạt sáng sủa… Anh bảo, một căn nhà đẹp là căn nhà mà ta hòa hợp hoàn toàn tự nhiên với nó, nơi có tình thân ái giữa con người và mỗi vật dụng. Người ta bảo, chỉ khi có được một mối tình khác ta mới có thể quên đi mối tình cũ. Nhưng chị đã quên Tuấn trước khi gặp Niệm. Có thể tình cảm với Tuấn chưa phải là một tình yêu, có thể mọi điều đều có ngoại lệ, mà cũng có thể, mình là người không thật sâu sắc, Duyên nghĩ.
Duyên định trở dậy xem lại vài chi tiết trong bản báo cáo kết quả làm việc với các diêm dân, để ngày mai trao đổi với các vị bên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi đèn bật sáng, chị nhìn thấy tập truyện của Tuấn đặt trên mấy xấp tài liệu. Duyên dò mục lục, tìm đọc truyện ngắn được lấy làm tựa đề chung cho cuốn sách: Chân sóng. Một người đàn ông đã có gia đình yêu một cô gái trẻ. Sau một thời gian, để bảo vệ gia đình của mình, người đàn ông tính chuyện chia tay với cô gái. Ông ta chuẩn bị kỹ càng những lý lẽ của việc chia tay, ông ta lựa chọn cả lời lẽ để thuyết phục cô gái.
Ông nghĩ rằng cuộc gặp sẽ vô cùng căng thẳng. Thế nhưng, thật bất ngờ khi cô gái chủ động tìm ông để nói lời từ biệt. Thái độ bình thản, vẻ mặt nhẹ nhàng, lời lẽ rõ ràng của cô gái không cho phép người đàn ông có một đoán định nào để hy vọng. Ông phát điên phát rồ chạy theo cô cho đến ngày cô bỏ đi đến một nơi xa nào đó. Lần đầu tiên trong đời, người đàn ông tự hỏi, tình yêu là gì. Ông không thể cắt nghĩa căn nguyên nỗi khốn cùng của mình khi mất cô gái. Ông đành tự an ủi, người ta chỉ có thể nhìn thấy những con sóng dạt dào, xô đẩy, êm đềm hay dữ dội chứ chẳng bao giờ nhìn thấy được chân sóng. Câu chuyện được kể mạch lạc, lời văn giản dị.
Không còn những câu dài lê thê, những chữ viết hoa giữa câu, không còn những liên tưởng kỳ quặc, những từ ngữ hóc hiểm. Câu chuyện khiến Duyên cảm động. Chị ngậm ngùi nhớ đến giọng nói mệt mỏi của Tuấn mỗi khi vấp váp, buồn bực, nhớ đến nụ cười rạng rỡ của Tuấn mỗi khi trông thấy chị, nhớ đến vẻ cam chịu của Tuấn khi chị đột ngột kết thúc câu chuyên hồi chặp tối. Có thể giờ này Tuấn vẫn còn lang thang dọc con phố ngoài biển. Có thể anh vẫn còn đau đớn vì cuộc chia tay ngày trước. Thôi, Duyên nói to, dứt khoát gập sách, đặt lên chiếc kệ nhỏ. Chị mỉm cười, chả nên bắt chước kẻ đi tìm chân sóng nọ làm gì. Chị nhấc điện thoại gọi Niệm, báo tin ngày mai, ngay sau buổi làm việc, sẽ lập tức trở về thành phố.
Ý Nhi