Tết đến nông thôn muộn hơn so với phố. Các chợ quê chỉ thực sự chộn rộn vào ngày 22 tháng Chạp, khi mọi người, mọi nhà chuẩn bị đưa ông Táo và rước ông bà.
Áo quần và giày dép là những mặt hàng bán chạy nhất ở chợ Tết quê. |
Hòa Vang có 3 chợ lớn, Túy Loan (xã Hòa Phong), Miếu Bông (xã Hòa Phước) và Lệ Trạch (xã Hòa Tiến). Cả ba chợ đều đã đi vào đời sống người dân nông thôn từ bao đời nay, ngày thường vốn lặng lẽ như bao chợ quê khác, đến những ngày giáp Tết mới thật sự “lột xác” với thượng vàng hạ cám hàng hóa. Trong đó, chợ Túy Loan vừa được đầu tư 1,7 tỷ đồng nâng cấp tầng 2 để kịp bán hàng phục vụ Tết cho người dân quanh vùng, ông Nguyễn Hữu Chất, Phó Trưởng phòng Công thương, Trưởng ban Quản lý các chợ huyện Hòa Vang, cho biết.
Tuy đều là chợ quê, nhưng mỗi chợ có một vẻ riêng. Nếu chợ Miếu Bông nổi tiếng với đặc sản gà thì chợ Túy Loan, heo là mặt hàng truyền thống và chợ Lệ Trạch thuộc dạng tổng hợp cả heo lẫn gà.
Chợ Miếu Bông mới được khánh thành vào đầu tháng 5 năm ngoái, rộng gần gấp 4 chợ cũ. Các hộ buôn bán gà, vịt, heo con nằm sát quốc lộ 1A trước chợ cũ, nay được bố trí ra lồng chợ phụ phía sau, tạo điều kiện để nơi này phát sinh một loại hình kinh doanh mới là “gà bay”. Ông Nguyễn Tri Tổng, tổ trưởng Tổ quản lý chợ Miếu Bông, nói đùa: “Phi đội gà bay” này có 14 người, đến bằng xe khách từ Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc... tỉnh Quảng Nam. Ngày thường họ chỉ mang đến chợ mỗi người khoảng 30 - 40 con gà ta, ngày Tết số lượng tăng lên gấp đôi. Cứ khoảng 9 giờ sáng, họ “đáp” xuống, bán sỉ trong tích tắc hơn nửa giờ là về ngay. 10 hộ bán “gà rọ” cố định ở chợ chọn mua gà đẹp để bán lại. Nhiều khách sạn, nhà hàng, quán nhậu dưới phố cũng tranh thủ đến mua “gà bay” giá gốc.
Chợ quê đến giữa tháng Chạp vẫn còn lặng lẽ, một sự lặng lẽ chờ đợi “bùng nổ” hàng Tết diễn ra từ hạ tuần trở đi. Những người làm bánh khô mè như bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Miếu Bông đầu tháng chỉ mới làm bánh trần, đợi đến sau rằm mới nhúng bánh tắm mè, đưa ra chợ. Có những loại bánh chỉ được làm mỗi năm một lần, phần để cúng kiếng tổ tiên, phần dành cho con cháu đi làm ăn xa có cái mang theo làm quà và chủ yếu là để ăn dần giữa quê người đất khách. Ông Trần Phước Ẩn cùng thôn thì chuẩn bị đóng hàng các loại mì, bún, phở khô do gia đình ông sản xuất để giao cho bạn hàng các chợ. Ở làng Túy Loan, ngày thường có hộ bà Trần Thị Luyện làm bánh tráng đỏ lửa quanh năm, Tết, cả làng có thêm gần 10 hộ làm bánh tráng thời vụ nữa nhưng vẫn không đủ hàng cho khách. Bánh tráng Túy Loan giờ đã nổi tiếng khắp nơi, làm quà quê tặng Tết nhứt đã ý nghĩa lại có chất lượng.
Lò bánh tráng bà Trần Thị Luyện đỏ lửa suốt ngày đêm để kịp hàng cho chợ Tết. |
Vì sao 25 tháng Chạp trở đi chợ Tết quê mới đông đúc? Chị Nguyễn Thị Lan Phương bán hàng may mặc sẵn ở chợ Túy Loan giải thích: Nhà quê không có sẵn tiền, một phần phải đợi con cháu làm ăn xa đem tiền về, một phần thì chờ được giá mới bán gà, heo trong nhà để sắm Tết. Giá cả so năm ngoái cũng không chênh lệch lắm, chị cho biết, có khoảng 400 nghìn đồng là có thể mua một bộ đồ mới diện Tết. Tất nhiên, ai trong túi rủng rẻng tiền muốn “chơi sang” giá nào thì cũng có hàng giá đó.
Các chợ quê thường chỉ đông một buổi, nhưng đến khoảng 25 tháng Chạp là đông cả ngày. Ông Đặng Quang Vinh, Trưởng ban Quản lý chợ Lệ Trạch, cho biết, giữa tháng Chạp, hàng các nơi ùn ùn về chợ Lệ Trạch để phục vụ nhu cầu sắm Tết của không chỉ người dân Hòa Tiến mà cả một lượng lớn khách hàng ở các xã Điện Hòa, Điện Tiến (huyện Điện Bàn), Hòa Châu, Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Vì thế, những mặt hàng người dân không tự sản xuất được như áo quần, giày dép, bánh kẹo, hạt dưa... bán rất chạy.
Về thịt, mấy năm trước còn có lệ vài ba nhà chung nhau “vật” một con heo cúng tất niên và ăn Tết, chừ thì cần chi cứ… ra chợ. Nắm bắt được thực tế này nên Chi nhánh Vissan tại Đà Nẵng 3 năm qua đã mở một cửa hàng giới thiệu sản phầm và lò heo quay, vịt quay ngay sát bên chợ Lệ Trạch. Năm nay, ngoài 4 cửa hàng giới thiệu sản phẩm chính, trong đó có một cửa hàng ở chợ Lệ Trạch, đơn vị mở thêm 4 điểm bán bình ổn giá nữa, trong đó có một điểm ở chợ Túy Loan. Qua Vissan, người dân nông thôn Hòa Vang đã dần tiếp cận với các sản phẩm công nghệ như đồ hộp Vissan, lạp xưởng, xúc xích, thịt nguội, các mặt hàng chế biến đông lạnh, chả giò, chả lụa, heo quay, vịt quay…
Hàng Tết ở Hòa Vang giờ đã trở nên phong phú, đầy sắc màu. Ngoài các loại nông sản thực phẩm quen thuộc, người dân nông thôn giờ đã biết thưởng thức các loại sản phẩm cao cấp do con cháu mang về làm quà hay do chính thành quả lao động của mình mang lại. Ngược lại, không ít người ở phố lại ngược về quê đi chợ Tết. Với họ, Tết cũng nên mang một chút gì đó của hồn quê về phố…
VĂN THÀNH LÊ