.
Cửa sổ tri thức

Tội “khiếm trang”

 

* Tôi nghe các cụ cao niên giỏi Nho mỗi khi nói về thi cử dưới chế độ phong kiến ngày trước thường hay nhắc đến tội “khiếm trang”. Xin cho biết đây là tội gì? (Nguyễn Hùng, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Thời phong kiến, sĩ tử khi làm bài thi phải tránh phạm một số trường quy như khiếm tỵ (viết tên các cung vua, cung hoàng hậu…), phạm húy (viết tên cúng cơm, hay tên hoàng thân quốc thích trong bài thi), bất túc (không đủ quyển), khiếm trang (thiếu sự kính trọng)…

Về tội khiếm trang, xin trích một đoạn trong tiểu thuyết Lều chõng của Ngô Tất Tố như sau:

“Đoàn Bằng lại tiếp:

- Có phải chỉ thế thôi đâu? Lại còn cái nạn “khiếm trang” mới đáng sợ chứ.
Đức Chinh cũng như ông chủ nhà trọ, chỉ ngồi ngẩn mặt, hình như có ý chờ nghe. Đoàn Bằng nhòm vào ông chủ nhà trọ và hỏi:
- Chắc ông chưa rõ khiếm trang là gì?

Rồi thầy liền giảng:

- Khiếm trang nghĩa là thiếu sự kính trọng. Theo đúng lệ đó, thì hết thảy những chữ có nghĩa không hay, như “bạo” là “tợn”, “hôn” là “tối”, “cách” là “đấm”, “sát” là “giết”, v.v... không được đặt trên các chữ có nghĩa là vua, như là chữ “hoàng đế”, chữ “quân”, chữ “vương”, chữ “chủ”... vì nếu để chữ “cách” liền với chữ “quân” thì nó sẽ có nghĩa là “đấm vua”, mà để chữ “bạo” liền với chữ “chủ” thì nó phải có nghĩa là “ông vua tàn bạo”. Dù mà mình không chỉ vào vua nào, hay là mình đã chỉ đích vào những hạng vua vô đạo của Tàu ngày xưa, như bọn vua Kiệt, vua Trụ chẳng hạn, cũng là khiếm trang tất cả.

Đến lượt ông chủ nhà trọ:

- Khiếm trang sẽ bị tội gì?
Vân Hạc nhìn vào Đốc Cung rồi cười và đoán:
- Nhẹ hơn “khiếm tỵ” một chút, nghĩa là chỉ bị đánh hỏng, không có hân hạnh được ra bảng con như Bùi tiên sinh nhà tôi.

Tiêm Hồng không bằng lòng sự bông đùa của Vân Hạc, vội vàng nói cho lấp đi:

- Năm xưa, một ông tú tài ở tỉnh Đông, bạn thân của anh cả tôi, cũng suýt bị tội về cái nạn đó.
Nhũng lại một lát để nhìn Đức Chinh và ông chủ nhà trọ, Tiêm Hồng lại tiếp:
- Khoa ấy - tôi không rõ là khoa nào - ông ấy đã vào đến kỳ thứ ba. Trong bài văn sách của ông ta có câu như vầy: “Xuân sinh thu sái. Đế đạo dữ thiên đạo nhi tịnh hành”. Thế mà cũng bị quan trường cho là khiếm trang. Rồi quan ngoại trường ngự sử lại hạch thêm rằng: tú tài đi thi mà còn phạm vào kỵ húy, thì nên phạt cho thật nặng. May nhờ được quan chủ khảo có lượng khoan đại, ngài phải hết sức bênh vực, ông ta mới được khỏi tội. Nhưng mà cũng phải đánh hỏng.

Ông chủ nhà trọ ra bộ ngơ ngẩn:
- Vậy thì, thưa ngài, nghĩa đen câu ấy ra sao?
Tiêm Hồng đáp:
- Có gì đâu? Nghĩa nó chỉ là “Mùa xuân sinh ra, mùa thu thu lại, việc của đời “đế” cũng đi đôi với việc của ông trời”. Có thế thôi.
Đức Chinh vẫn chưa hiểu và hỏi:

- Song mà trong bấy nhiêu chữ người ta ghép những chữ nào có tội khiếm trang.
- Chữ “sái” và chữ “đế”. Chữ “sái” chính nghĩa là thu đáng lẽ cũng không xấu xa, gở độc gì cả. Chỉ vì bản thể của nó nguyên ở chữ “sát” là “giết” mà chuyển âm ra.

“Sái” với “sát” đọc tuy khác nhau, nhưng mặt chữ cũng vẫn là một, cho nên đặt chữ “sái” liền với chữ “đế” tuy rằng mỗi chữ ở mỗi câu, người ta cũng có thể nhập lại làm một đọc nó ra “sát đế”. “Sát đế” nghĩa là “giết vua”, như thế tức là khiếm trang, chứ gì.

Ông chủ nhà trọ đứng dậy, chắp tay vái lia, vái lịa:
- Thôi! Tôi xin lạy cả nón. Phúc tổ nhà tôi, làm sao lúc học dốt quá, đành phải bỏ học đi cày. Nếu như tôi sáng dạ một chút, mà cố theo đuổi để được cắp quyển vào trường với các ngài, thì chắc suốt đời bị tội!”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.