.

Đói vì sai lầm

.

“Hôm nay những đứa trẻ lớn là Cynthia (15 tuổi) và Guellor (13 tuổi) sẽ ăn. Ngày mai tới phiên ba đứa em nhỏ là Benedicte (3 tuổi), Josiane (6 tuổi) và Manasse (9 tuổi) ăn”, bà mẹ Berbok nói.

Người dân kêu gọi cải cách để thoát nghèo.
Người dân kêu gọi cải cách để thoát nghèo.

Với công việc của nhân viên cảnh sát, bà Berbok chỉ kiếm được 50 USD mỗi tháng nên bất lực nhìn cảnh các con kêu gào đòi ăn. Năm đứa con buộc phải ăn theo kiểu “ngày ăn ngày nghỉ” nhưng bữa ăn cũng rất đạm bạc khi chỉ có một ít bánh mì cho buổi điểm tâm.

Không chỉ thiếu ăn, người dân ngay tại thủ đô Kinshasa của CH Dân chủ Congo còn phải chịu cảnh mất điện triền miên. Từ “cúp điện” trong tiếng Pháp (nhiều nước châu Phi sử dụng) là délestage. Từ này có “nghĩa bóng” nói về một cuộc sống thành thị vất vả. Với Kinshasa không chỉ cúp điện mà còn “cúp cơm”. Ông Nsala làm việc tại Bộ Giáo dục nhưng tiền lương 60 USD/tháng không đủ trang trải cho 5 đứa con. Ông cho biết rằng nếu hôm nay ăn thì ngày mai sẽ… uống nước trà. Gia đình ông mỗi người chỉ ăn được 2 ngày mỗi tuần. Ông Nsala châm biếm rằng từ délestage giờ đây có nghĩa là “ngày ăn ngày nhịn”.

Sự đói nghèo ở Congo không phải thông tin mới nhưng vẫn luôn là nghịch lý khi đất nước này rất giàu khoáng vật (các loại quặng) và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Được thiên nhiên ưu đãi nhưng Congo từ lâu đã nằm trong danh sách những nước nghèo đói nhất thế giới.  Chỉ số đói nghèo toàn cầu cho thấy mức độ suy dinh dưỡng của trẻ em Congo tệ hơn năm trước. Đây cũng là nước duy nhất trên thế giới có tình trạng lương thực được nâng từ mức “báo động” lên mức “báo động nghiêm trọng” bởi có tới một nửa dân số bị suy dinh dưỡng.

10 năm trước, những người nghèo Congo còn có được một bữa ăn gồm sắn với dầu cọ hay một ít thịt đông lạnh mỗi ngày. 3 năm qua, tình trạng thiếu ăn ngày càng trầm trọng hơn. Theo chuyên gia dinh dưỡng tại Congo, ông Eric Tollens là do chính sách của Chính phủ khi họ bỏ bê nông nghiệp để đầu tư vào khai thác quặng đồng và coban. Tổng sản lượng nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP là con số không thể tin được. Đất đai màu mỡ nhưng Congo hằng năm phải nhập khẩu tới 20 nghìn tấn đậu. So ra Congo còn tệ hơn cả Niger và Somalia – hai nước đang chịu nạn đói hoành hành.

Cuộc sống quá cơ cực làm cho nhiều người tụ tập lại ở các góc phố ở thủ đô Kishasa đòi cải cách chính trị để tháo gỡ tình trạng khó khăn hiện nay. Họ muốn cải cách để xóa bỏ nghịch lý phải chịu đói ngay trên mảnh đất màu mỡ và giàu tài nguyên như Congo.

Anh Thư

;
.
.
.
.
.