.
Giới thiệu sách

Ba phụ nữ can đảm

.

Ba câu chuyện, ba cảnh đời chân thật của những người phụ nữ châu Phi trực diện đương đầu với cuộc đời này được viết ra không để tạo tâm trạng dễ chịu cho độc giả, bởi sự khốc liệt của nó đã vượt xa hình dung ban đầu.

Ngay khi ra mắt, Ba phụ nữ can đảm(*) đã chiếm vị trí đầu trong các bảng xếp hạng sách bán chạy, và cũng là cuốn tiểu thuyết đã mang về cho Marie NDiaye giải Goncourt năm 2009, đưa bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên được trao giải thưởng danh giá này.

Đặt trong bối cảnh hai nước Pháp và Sénégal, cuốn tiểu thuyết được chia làm ba phần riêng biệt, mỗi phần gắn với cuộc đời chìm nổi của một người phụ nữ gốc Phi trẻ tuổi, do hoàn cảnh đẩy đưa phải lưu lạc đến Pháp. Đó là Norah, nữ luật sư ba mươi tám tuổi đang định cư tại Paris (Pháp), cô đến Dakar (Sénégal) theo yêu cầu của bố để tìm cách cứu giúp cậu em trai Sony đang phải ngồi tù vì tội giết người. Ba mươi năm về trước, ông bố độc đoán của cô đã bất ngờ rời bỏ gia đình, mang theo cậu em trai trở về châu Phi để gây dựng hạnh phúc riêng. Khi trở lại quê nhà, Norah chứng kiến gia cảnh thảm hại, ông bố từng một thời gia trưởng và uy quyền cũng đã suy sụp đến không ngờ. Cùng với thời gian, cô đã nhanh chóng phát hiện ra bộ mặt thật mất nhân tính của ông và quyết tâm giải thoát người em trai.

Còn cuộc đời của Fanta, một cô giáo dạy Văn ở Dakar lại được kể qua góc nhìn, suy nghĩ của người chồng Rudy Descas. Cô đã đi theo một cựu giáo viên trung học sang Pháp để sinh sống và lập gia đình, cùng lời hẹn ước về một tương lai tốt đẹp ở “Miền đất hứa”. Thế nhưng cuộc hôn nhân không mang lại cho cô nhiều hạnh phúc như mơ tưởng, trái lại, nó chẳng khác nào địa ngục trần gian…

Cuộc đời thứ ba là của Khady, cô gái trẻ nghèo bị bố mẹ bỏ rơi, sống với bà ngoại từ nhỏ ở Sénégal. Bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà sau khi chồng chết, Khady đã có một cuộc hành trình đến châu Âu đẫm nước mắt. Cô lưu lạc đến một thành phố ở sa mạc, bị bắt đi làm gái, bị bạo hành... Trải qua biết bao đoạn trường, Khady vẫn luôn giữ vững niềm tin vào hạnh phúc.

Ba câu chuyện tách biệt tưởng như ba bức tranh khác nhau về ba người phụ nữ. Nhưng Khady trong câu chuyện cuối là người nấu ăn cho bố của Norah, lên đường đến Pháp để gặp cô chị họ Fanta. Thông qua đó, Ba phụ nữ can đảm đề cập đến những thử thách khủng khiếp mà người châu Phi nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu phải đối mặt, cũng như nạn phân biệt chủng tộc mà nhiều người da màu ở Pháp vẫn đang phải đối diện.  

Marie NDiaye sử dụng phong cách viết ít hội thoại mà tập trung đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật, lột tả một cách trần trụi và chân thật nhất số phận nhân vật. Trải qua từng trang sách, độc giả dần dần bước vào một bầu không khí nặng nề, đau buồn và đáng sợ, tưởng chừng như không có lối thoát. Các nhân vật nữ dường như không được tự do cất lên tiếng nói của chính mình, họ chỉ có thể dùng hành động. Ba người phụ nữ tuy khác biệt về tính cách nhưng có một điểm tương đồng: họ không đầu hàng mà biết đứng lên chiến đấu với số phận theo cách riêng của mình.

Chính những tình tiết chân thực của Ba phụ nữ can đảm đã khiến tiểu thuyết này bán được hơn 155.000 bản trước khi được trao giải Goncourt. Phát biểu tại lễ trao giải, Marie NDiaye nói rằng, thông qua cuốn tiểu thuyết, bà muốn độc giả hiểu về thân phận những người nhập cư dưới một khía cạnh tốt đẹp hơn.

Marie NDiaye sinh năm 1967 tại Loiret, Pháp, bố là người Sénégal, mẹ là người Pháp. Năm 1985, 18 tuổi, tài năng của Marie NDiaye đã được biên tập viên Jérôme Lindon danh tiếng của NXB Minuit phát hiện và tác phẩm của bà, Quant au riche avenir được in. Cho tới nay, Marie NDiaye là tác giả vô cùng thành công cả về phê bình, độc giả lẫn giải thưởng. Năm 2001, đến tác phẩm thứ tám, bà đoạt giải thưởng Fémina (tiểu thuyết Rosie Carpe). Năm 2009, bà trở thành tác giả đầu tiên trong lịch sử nhận giải Fémina và giải Goncourt, với Ba phụ nữ can đảm. Marie NDiaye còn rất thành công trong kịch nghệ: bà có tác phẩm được diễn ở nhà hát Comédie-Française, trở thành nhà văn nữ duy nhất còn sống có được vinh dự này.

Nguyên Khang

(*) Ba phụ nữ can đảm - Dịch giả: Hồ Thanh Vân.
NXB Hội Nhà văn – Công ty Nhã Nam ấn hành quý 3-2011.

 

;
.
.
.
.
.