.

Hoa vàng rộ nở

.

Theo thống kê, Hòa Vang hiện có 38,5% số hộ dân (11.567/30.046 hộ) sinh sống bằng nghề nông. Để nâng cao chất lượng đời sống của gần 11.600 hộ dân này, huyện đã xác định lấy công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm trọng tâm hàng đầu.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Trường, đây cũng là tác nhân làm nên đổi thay rõ nét nhất, nổi bật nhất trong sự phát triển của tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) ở Hòa Vang trong 15 năm qua.

Tại một hội thảo “đầu bờ” về lúa giống ở HTX Hòa Tiến 1. (Ảnh: Nguyễn Cầu)
Tại một hội thảo “đầu bờ” về lúa giống ở HTX Hòa Tiến 1. (Ảnh: Nguyễn Cầu)

Mở hướng đầu tư mới

Tháng 7-2011, sau hơn một năm nộp đơn, HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (HTX Hòa Tiến 1) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu số 166615 cho sản phẩm Lúa giống của HTX.

HTX đã sản xuất lúa giống từ 20 năm trước, chủ yếu gia công cho Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, một số đơn vị ở Quảng Nam, gần đây là Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn. Hiện nay, với 150ha, mỗi năm HTX sản xuất được 500 – 700 tấn lúa giống, hầu hết xuất cho các nơi; các địa phương ở Đà Nẵng như Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu (nay đã hết trồng lúa) mỗi năm chỉ mua khoảng 30 tấn.

Chủ nhiệm Nguyễn Thảo cho biết, sản xuất lúa giống chiếm 70-80%  tổng doanh thu của HTX, xã viên nhận sản xuất lúa giống được hưởng lợi về nhiều mặt: Nguồn giống của HTX được chuẩn hóa, luôn cho sản lượng 60 - 65 tạ/ha.  Lúa giống được HTX mua cao hơn so với giá lúa ăn; HTX có lò sấy, xã viên không phải mất công phơi; HTX cấp lúa giống cho xã viên…

Ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết, huyện đã mở hướng đầu tư làm lúa giống ở HTX Hòa Tiến 1 (150ha) và HTX Hòa Tiến 2 (50 ha), đồng thời hỗ trợ kinh phí để HTX Hòa Tiến 1 làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như đã nói trên.

Tạo thương hiệu từ chất lượng con giống

Nhãn hiệu Lúa giống HTX Hòa Tiến 1.
Nhãn hiệu Lúa giống HTX Hòa Tiến 1.

Cùng lúc với sản phẩm Lúa giống của HTX Hòa Tiến 1, sản phẩm Ếch giống của Công ty TNHH Một thành viên Phan Sách ở xã Hòa Sơn cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ông Phan Sách, Giám đốc công ty, rất yên tâm sau gần 7 năm miệt mài với giống ếch có bố mẹ xuất xứ từ Thái Lan này. Được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ ra Hà Tĩnh mua con giống về xây dựng mô hình rồi đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, Công ty Phan Sách hiện mỗi năm xuất 70 - 80 nghìn ếch giống cho thị trường Quảng Nam và Đà Nẵng.

Việc sản xuất và khẳng định chất lượng con giống mang ý nghĩa sống còn đối với nông dân, giúp nông dân bước một bước dài từ sản xuất qua kinh doanh có hiệu quả.

Trước năm 1997, Hòa Vang chỉ có không quá 10 trang trại, nói như nông dân là, thuộc loại “cò con”. Nay, toàn huyện đã có 157 trang trại phát triển theo hướng đầu tư thâm canh với quy mô ngày một mở rộng, trong đó có 65 trang trại (35,3%) cho thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên.

Trang trại của lão nông Lê Cổ ở thôn An Châu, xã Hòa Phú hiện có 30.000m2 đất rừng và 10.000m2 mặt nước nuôi cá, riêng cá đã đạt mô hình 50 triệu đồng/ha/năm. Trang trại Nhất Trung Sơn ở thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, đã giới thiệu sản phẩm heo rừng tại địa chỉ www.heorungdanang.vn.

Trang trại Thắng Thuận Thành xã Hòa Phú đã xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm Trứng gà sạch Thắng Thịnh Thành. Cũng vậy, Trứng gà sạch Hòa Phú là nhãn hiệu của trang trại bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Văn Ba, mặc dù cả hai hiện ở xã Hòa Ninh.

Huyện đã định hướng phát triển chăn nuôi heo, gà tập trung theo hướng công nghiệp, du nhập các giống vật nuôi mới có giá trị cao như: thỏ New Zealand, gà Ai Cập, gà H’Mông, heo rừng, nhím...

Hứa hẹn những mùa vàng

Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Nguyễn Đình Anh cho biết, trên cơ sở mô hình sản xuất lúa giống ở Hòa Tiến, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) và các nhà tài trợ Quỹ Ấn Độ - Brazil - Nam Phi (IBSA Fund) đã xây dựng Dự án “Xây dựng Trung tâm sản xuất lúa giống tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” với kinh phí gần 495 nghìn USD. Theo đó, một trong những mục tiêu mà Dự án nhắm đến là nâng cao năng lực kinh doanh bao gồm nâng cao nhận thức về quy định của Nhà nước trong mua bán giống, sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu “Giống Hòa Tiến”.

Thời gian qua, Hòa Vang đã thay các giống lúa cho năng suất và chất lượng thấp bằng các loại giống mới. Việc làm này đã mang lại những mùa vàng với năng suất tăng từ 43 tạ/ha lên 57 tạ/ha và giúp cho ngành hoàn thành được chỉ tiêu sản lượng lương thực hằng năm khi diện tích đất nông nghiệp toàn huyện giảm từ 3.300ha xuống còn 2.800ha do đô thị hóa.

Ai đó đã từng nói vui rằng Hòa Vang là… hoa vàng. Hai năm nữa, khi dự án về “Giống Hòa Tiến” hoàn thành, những cánh đồng lúa Hòa Vang sẽ hoa vàng nhiều hơn. Và, một khi sở hữu được những cây trồng, vật nuôi có “thương hiệu vàng” như thế thì giấc mơ trở thành huyện Nông thôn mới của Hòa Vang vào năm 2015 sẽ sớm thành hiện thực.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.