.

Học để biết cách học

.

Muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà, trước hết cần quan tâm đến vấn đề học để làm gì. Một khi đã trả lời thấu đáo câu hỏi học để làm gì, thì hoàn toàn có thể trả lời các câu hỏi tiếp theo: cần có một hệ thống giáo dục như thế nào? Với một chương trình và giáo trình/sách giáo khoa ra sao? đòi hỏi một ông thầy kiểu gì và cỡ nào? đòi hỏi một ông tư lệnh kiểu gì và cỡ nào? Quan trọng hơn là để câu trả lời cho câu hỏi học để làm gì được vào lại cuộc sống mà không gặp bất cứ trở lực nào, kể cả trở lực quán tính của tư duy…

Chính người thầy phải dạy cho học trò có được cách học sáng tạo đủ sức tự mình khám phá thế giới. (Ảnh: Internet)
Chính người thầy phải dạy cho học trò có được cách học sáng tạo đủ sức tự mình khám phá thế giới. (Ảnh: Internet)

Nên bắt đầu từ cấp học nào?

Ngay từ đầu thiên niên kỷ này, UNESCO đã gợi ý rằng mục đích học tập ngày nay là để biết cách học, để làm, để khẳng định mình và để sống với nhau. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến mục đích học để biết cách học. Học để biết cách học khác với học để biết. Làm sao biết cho hết được mọi điều khi mà thế giới quanh ta vừa chật chội vừa mênh mông? Chỉ có thể học để biết cái cách để tự mình khám phá thế giới.   

Một cô giáo trẻ ở Hà Nội dẫn chứng rằng có học sinh sau khi nghe cô kể chuyện Phạm Ngũ Lão làng Phù Ủng ngồi đan sọt ở giữa đường, vì mải nghĩ việc nước nên khi quân triều đình hò hét bảo Phạm Ngũ Lão đứng lên tránh lối cho xe Trần Hưng Đạo đi qua, thậm chí dùng giáo đâm vào đùi đến chảy máu mà Phạm Ngũ Lão vẫn như không hề hay biết, đã thắc mắc: “Thưa cô, làm sao mình biết ông Phạm Ngũ Lão lúc đó đang nghĩ việc nước?...”. So với số đông các em học sinh sẵn sàng chấp nhận cái lô-gích đã là ông Phạm Ngũ Lão thì chắc là lúc nào cũng phải lo nghĩ việc nước, em học sinh này  đã không dễ dãi chấp nhận như vậy mới thực sự là… biết cách học. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi thứ đều có thể nhòe đi, vừa là thế này vừa là thế khác chứ không còn hoặc là thế này hoặc là thế khác rạch ròi như xưa, nếu chỉ trông chờ vào những hiểu biết có sẵn, con em chúng ta - nhất là sinh viên đại học và sau đại học - sẽ khó mà thích nghi, càng khó mà trở thành những con người biết cách tự mình khám phá thế giới chung quanh để sống và để sáng tạo.   

Vấn đề nữa là cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo của nước ta lần này nên bắt đầu từ cấp học nào? Ba mươi năm trước, chúng ta đã cải cách giáo dục bắt đầu từ lớp Một, thay đổi từ cách viết con chữ cho đến cách đánh vần, hoặc tranh cãi về việc nên hay không nên có nhiều bộ sách giáo khoa trên một chương trình… Sở dĩ như vậy là do xuất phát từ ý nghĩ cho rằng phải khởi sự từ nền tảng rồi cuốn chiếu dần lên. Ngay từ thập niên 80 của thế kỷ trước, không ít người đã cảm thấy cách khởi sự từ nền tảng rồi cuốn chiếu dần lên dường như không tối ưu, thậm chí có vẻ… ngược.

Và kết cục là chúng ta giờ đây lại buộc phải tính đến việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo của chúng ta. Một nền giáo dục và đào tạo lành mạnh luôn đòi hỏi phải đổi mới nhưng là đổi mới trên vòng xoáy trôn ốc cao hơn chứ không phải đổi mới căn bản và toàn diện sau ba mươi năm cải cách giáo dục bắt đầu từ lớp Một như chúng ta. Cho nên lần này có lẽ nên tập trung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, bởi sản phẩm của giáo dục đại học là những người mà sau khi tốt nghiệp ra trường là có thể phụng sự xã hội được ngay cũng như có thể tác động ngược lại đối với sự phát triển của cả hệ thống giáo dục quốc dân.

Sự học như con thuyền ngược nước. (Ảnh: Internet)
Sự học như con thuyền ngược nước. (Ảnh: Internet)

Hãy học chậm rãi

Giáo dục là một hệ thống lớn và phức tạp, mỗi vấn đề của giáo dục cũng là cả một hệ thống vấn đề nhiều mặt, do vậy nên chọn khâu nào làm đột phá để có thể có hiệu quả nhất. Tôi nghĩ có ba khâu xung yếu cần phải đột phá, cụ thể như sau:

Khâu xung yếu thứ nhất cần phải đột phá là tạo nên một nền giáo dục… biết coi trọng cái trung bình. Phàm ở đời ai cũng thích hơn người, tri thức uyên bác hơn người, tay nghề thuần thục hơn người. Nhìn chung đây là một tâm lý lành mạnh, chỉ cần sự hơn người ấy xuất phát từ thực học thực tài, từ việc chính mình chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức và tự mình vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp - tức là xuất phát từ mục đích học để làm gì đúng đắn. Tuy nhiên để thực sự chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức và vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp, cần hết sức quan tâm đến một vấn đề tưởng chừng nghịch lý: coi trọng cái trung bình trong thang bậc đánh giá.
Không biết từ đâu và khởi sự lúc nào, chúng ta có tâm lý xem thường cái trung bình, đồng nhất cái trung bình với cái yếu kém.

Trong khi đó, coi trọng cái trung bình hoàn toàn khác với tư tưởng trung bình chủ nghĩa, được chăng hay chớ, dậm chân tại chỗ, thiếu chí tiến thủ, sẵn sàng chấp nhận thua chị kém em. Hãy hình dung trước mắt chúng ta là cuộc thi nhảy xà ngang. Mỗi mức xà tương ứng với một trình độ được công nhận, ví dụ như mức xà một mét năm mươi. Những vận động viên bằng công phu luyện tập và thể lực sẵn có, rướn người vượt qua được một mét năm mươi đầy thách thức ấy, dẫu chỉ cách có một ly, cũng xem như đã đạt trình độ trung bình - cái trung bình đầy thực chất. Người tự mình nâng mình lên khỏi mặt đất một mét năm mươi cộng với một ly để khỏi phải vướng cây xà phải được xem là có ý nghĩa và đáng trân trọng hơn rất nhiều so với người đứng cách mặt đất một mét sáu mươi nhưng là nhờ trèo lên trên những bậc thang kê sẵn. Dĩ nhiên, trường hợp tự mình nâng mình lên khỏi mặt đất một mét năm mươi cộng với một tấc hoặc hơn thế nữa người ta gọi là kỷ lục. Đề cao kỷ lục, hướng tới kỷ lục nhưng trước hết phải vượt qua cái trung bình một mét năm mươi kia đã, bằng chính sức lực của mình, đó là con đường ngắn nhất để… biết cách học.

Khâu xung yếu thứ hai cần phải đột phá là tạo nên một nền giáo dục… chậm. Đây cũng có vẻ như là một nghịch lý khác, bởi theo cách nghĩ thông thường, nếu không muốn mất thời cơ thì phải tăng tốc. Tăng tốc là đúng, thời buổi này dừng lại là tụt hậu, nhưng đó là làm chứ không phải học. Liệu chúng ta có thể nghĩ ngợi thêm được điều gì không khi đọc câu danh ngôn giàu sức gợi khắc trên tảng đá đặt trước cổng trường Đại học Oxford nổi tiếng thế giới: “Hãy làm việc gấp như ngày mai sẽ chết, hãy học chậm rãi như còn phải sống rất lâu”? Thật vậy, sự học rất cần chậm rãi, ngay với các tài năng xuất chúng và các thần đồng. Chẳng phải vô cớ khi có người so sánh sự học như con thuyền ngược nước. Thuyền ngược nước thì khó mà đi nhanh. Con em chúng ta sẽ phải học không ngừng, phải học đúng cách, phải “biết đứng trên vai những người khổng lồ”, và quan trọng hơn không được học vội - học nhiều mà không học cho thật kỹ càng sâu sắc một cái gì cả. Một nền giáo dục chậm đòi hỏi chúng ta hãy tiễn tất cả những lớp đào tạo cấp tốc vào bảo tàng lịch sử. Hãy chú tâm đào tạo người làm nghề dạy học.

Làm thế nào để người thầy giáo thực sự là động lực đối với sự phát triển của nền giáo dục hiện nay? Có nhiều việc phải làm, nhưng việc trước tiên là phải thấy rõ xã hội đang làm cho người thầy giáo trở thành trở lực như thế nào đối với sự phát triển của nền giáo dục hiện nay - mà rộng hơn và suy đến cùng là của đất nước hiện nay.

Khoa học giáo dục ở một số nước tiên tiến đã đưa ra lời khẳng định có thể gây shock: đặc điểm của người thầy giáo là tính bảo thủ và chính vì thế mà họ thường là trở lực đối với những cải cách về giáo dục. Mới nghe qua thì đúng là dễ cảm thấy shock, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì đây lại là điều không quá khó hiểu. Người thầy giáo vốn được xem là mô phạm. Mô phạm một mặt làm cho người thầy trở nên mẫu mực, nhưng mặt khác cũng dễ làm cho tư duy người thầy cứng nhắc, thích ổn định, ngại thay đổi và dường như dễ cảm thấy xa lạ với cái mới.

Cho nên khâu xung yếu thứ ba cần phải đột phá là tạo nên một đội ngũ người thầy thực sự là động lực - chứ không phải trở lực - của cuộc cải cách giáo dục lần này. Chính người thầy chứ không ai khác phải thấu hiểu cái triết lý giáo dục học để biết cách học để từ đó mà thay đổi cách dạy cho học trò có được cách học sáng tạo đủ sức tự mình khám phá thế giới. Và muốn thế phải bắt đầu từ việc tái cấu trúc hệ thống các trường đại học sư phạm. Làm sao để mười năm nữa, tất cả những người thầy, dầu dạy mẫu giáo hay đại học đều phải tốt nghiệp đại học sư phạm với thời gian đào tạo chí ít bằng thời gian đào tạo người làm nghề thầy thuốc (đối với dạy đại học là bằng đại học thứ hai học chính quy tập trung trong hai hoặc ba năm), khi ra trường được bảo đảm có chỗ dạy đúng với chuyên ngành đào tạo và với thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và một gia đình quy mô nhỏ.

Bùi Văn Tiếng

;
.
.
.
.
.