.

Hội ngộ sắc màu thời gian

.

Triển lãm “Mỹ thuật Đà Nẵng 1997-2011” là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương diễn ra từ ngày 20 đến 30-12-2011 tại Trung tâm Quản lý Di sản 78, Lê Duẩn - Đà Nẵng. Đây cũng là cuộc triển lãm lớn nhất trong thời gian qua, nhằm tổng kết một chặng đường sáng tác của ngành mỹ thuật thành phố.

Thiếu nữ và sen (sơn dầu) của Tôn Nữ Tâm Hảo. Bên nhau (thạch cao) - tượng của Nguyễn Quang
Thiếu nữ và sen (sơn dầu) của Tôn Nữ Tâm Hảo. Bên nhau (thạch cao) - tượng của Nguyễn Quang

Với sự tham gia của 51 tác giả  cùng 90 tác phẩm, triển lãm đã giới thiệu đến công chúng một bộ sưu tập nghệ thuật phong phú, đa dạng, bao gồm các chủ đề ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, sự phát triển của quê hương đất nước và con người, đặc biệt những đổi thay của Đà Nẵng trong 15 năm qua.

Phần lớn các tác phẩm trưng bày lần này được chọn lọc từ những tác phẩm xuất sắc đạt được những thành công tại các cuộc triển lãm tại địa phương và cả nước của các tác giả trong thời gian qua. Theo họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng: Mỹ thuật Đà Nẵng hiện nay là sự hội tụ tài năng, thể hiện rõ rệt qua nhiều tác phẩm có giá trị thẩm mỹ, phản ảnh sâu sắc và chân thực sự đổi thay sống động của thành phố trẻ trong quá trình đổi mới và hội nhập. Qua đó, từng bước khẳng định sự trưởng thành và chỗ đứng của mình trong làng mỹ thuật cả nước.

Đầu tiên, có thể nhắc đến sự góp mặt khá đông đảo của các gương mặt nữ với các tác phẩm sơn dầu, khắc gỗ và phấn màu ở triển lãm lần này như: Vốn cổ, Nắng dã quỳ (Trần Thị Cúc); Sắc màu và Khoảng trời bình yên (Dư Dư); Thiếu nữ và sen, Thiếu nữ vùng cao (Tôn Nữ Tâm Hảo); Gởi đến Fukishima (Đinh Thị Mỹ Hương); Vũ điệu tiên nữ (Trần Thị Hồng Lâm); Thuyền về bến cá (Mai Thị Kim Liên)... Tranh của họ mang nét đẹp nhẹ nhàng, nên thơ, là những ghi chép xúc cảm về cảnh và người của thành phố quê hương thân thuộc, nhưng ẩn hiện không ít những thể nghiệm sáng tạo mạnh mẽ, phá bỏ những ràng buộc giả tạo...

Ở thế hệ họa sĩ đầu đàn, có sự tham gia của các tác giả như Sơn dầu có Trần Như Ái với Ký ức phố xưa, Phố bình yên; Nguyễn Vĩnh Thuận với Phố  cổ Hội An, Lời hứa Bác Hồ...; Bột màu có Phó Đức Vượng với Bác Hồ và Lực lượng vũ trang… Một số tác giả vừa qua đời trong thời gian gần đây, cũng có tác phẩm góp mặt tại triển lãm như Mai Ngọc Chính với Hợp đồng tác chiến, Mặt trời của mẹ (Gò đồng);  Từ Duy với Giã  gạo, Mùa vàng (Arcrylic)...

Cũng tại cuộc triển lãm lần này, giới thưởng ngoạn có dịp gặp gỡ những họa sĩ khá quen thuộc với công chúng, từng có tiếng vang tại nhiều cuộc triển lãm cá nhân hoặc tập thể như Vũ Dương, Nguyễn Trọng Dũng, Lê Đợi, Nguyễn Tường Vinh, Duy Hối... Đặc biệt, trong đó, lần này, một số tác giả thể hiện những nỗ lực đổi mới phong cách trong sơn dầu như Nguyễn Trọng Dũng với Giao bưu Quảng Đà, Di sản, Đô thị; Vũ Dương với Ngư  thuyền và biển, Chợ về; Lê Đợi với Sương sớm, Mùa cá lầm; Hồ Đình Nam Kha với Mưu sinh, Đôi bờ…

Ở mảng điêu khắc, triển lãm lần này là một trong những dịp tập hợp khá đông đủ tác phẩm của nhiều nhà điêu khắc tại Đà Nẵng cũng như cả nước. Đó là: Phạm Hồng với Hồn đất nước, Dậy sóng biển đảo, Giữa trời và biển; Lê Huy Hạnh với Bất tử, Người mẹ cầm súng; Lưu Danh Thanh với Những con thuyền bị vỡ; Nguyễn Hiền với Sông Cổ Cò…

Nhìn chung, Triển lãm “Mỹ thuật Đà Nẵng 1997-2011” đã phản ảnh một bộ mặt khá trung thực về chặng đường hoạt động mỹ thuật thành phố suốt 15 năm qua. Chặng đường sắp tới, các họa sĩ vẫn mong muốn  có được một địa điểm triển lãm, giới thiệu tác phẩm ổn định thường xuyên, đồng thời có sự đầu tư tác phẩm dài hơi xứng tầm với một thành phố trọng điểm khu vực miền Trung.

TRẦN TRUNG SÁNG

 

;
.
.
.
.
.