Bây giờ ngồi nhớ lại anh Thâm chậm rãi kể, dạo đó rét ơi là rét, mặc thế nào cũng vẫn rét, ngồi trên giảng đường thầy rét trò rét. Bữa ăn chả có gì, chiếu mỏng lõi chăn mỏng, nhiều đêm vùng dậy thức học bài đợi sáng. Bọn mình là mấy anh em miền Nam tập kết, sinh viên những khóa đầu Bách khoa, thằng nào cũng ngán cái rét miền Bắc, rét chi rét lạ rét lùng. Ra ngoài mỗi đứa đánh một chiếc áo bông, áo bông xanh, tìm đâu thêm cái cổ lông thì sang phải biết.
Anh rít liền mấy hơi dụi thuốc vào cái gạt tàn mảnh ốc lăn lóc trên bàn. Rồi lại ngậm điếu khác, xòe diêm. Một người hút trung thành vào bậc nhất của hãng thuốc Thăng Long. Theo anh, nó có hương vị thơm chua quyến rũ một đời. Giọng Huế nhẹ nhàng, dễ thương điều đó ai cũng thấy, nhưng hay là do tuổi tác răng lợi kém đi mà giọng anh bị nhòe nghe không nổi. Tôi chép miệng, may mà đời tôi không rước phải một bà vợ Huế, nói năng líu ríu chi mô nhiều lúc cứ phải nhìn vào mồm nhau mà đoán ý, bữa cơm thì lắm đĩa lắm bát, đến muối chấm cũng vẽ ra mấy chục loại. Tôi hỏi, vậy anh có phải là dân Huế chính cống? Ô, Huế thứ thiệt chứ Chu, Triều Nguyễn có cụ làm quan trong đại nội mà.
Mình thường mong mùa đông qua cho nhanh, thèm sao cái nóng mùa hạ. Những ngày đi lao động ngoại khóa, những chuyến lang thang các vùng quê, cảm được cái hồn của thôn làng Bắc bộ, yêu lắm.
“Trưa như bao trưa xa xăm, gà gáy lẻ trong im ắng, nắng thôi vàng, hồn ngày ngõ xóm, đầy lá vông vang”.
Thơ Nguyễn Xuân Thâm trọng cái đẹp, ngôn từ kỹ lưỡng chắt lọc, không thể trộn lẫn. Anh chủ trương thơ cần phải có nhịp điệu riêng, nhịp điệu ấy tìm thấy trong cuộc sống, lâu dần nó thành phẩm chất của hồn mình, thơ mình. Nhịp điệu mang đến cho thơ đẳng cấp sang trọng. Anh e sợ những gì thiếu sự sang trọng. Sự sang trọng khiến một ngày sống nghèo vẫn có đầy đủ chất lượng. Với một câu thơ cũng vậy.
Mới đây anh đã gửi cho tôi một gói thịt thỏ sấy xông khói, tôi khen ngon tuyệt, đưa miếng ăn lên miệng thấy sạch sẽ, tôi có cảm giác thế. Anh mừng lắm, vỗ vai tôi, sạch sẽ phải là một tiêu chuẩn không thể thiếu của sự sang trọng. Và anh cho biết, mình vừa đi Ninh Bình giúp một trại chăn nuôi thỏ do một công ty Nhật đầu tư vốn, lúc thu hoạch sản lượng chia đôi, một nửa trả Nhật, một nửa bán ra cho dân ăn. Thâm là chuyên gia chế biến. Anh Thâm là nhà thơ những lúc làm thơ, lại là nhà khoa học khi làm khoa học. Rất chuẩn mực, cần mơ mộng thì mơ mộng, cần tỉnh táo thì tỉnh táo, việc nào ra việc ấy. Đang đến gần tám mươi mà vẫn chưa thấy lẫn.
Suốt thời chiến anh ở lại trường làm công tác giảng dạy, nhưng cũng có đến dăm năm theo yêu cầu của Tổng cục Hậu cần quân đội và Bộ Ngoại thương, nhà trường đã chọn anh đứng ra chủ trì đề tài bảo quản thịt gửi vào chiến trường. Đấy là mấy năm phải tạm quên mình là thi sĩ. Biết nhau đã nhiều năm vậy mà cứ mỗi lần ngồi với nhau lại tìm thấy thêm ở người trí thức hiền hậu ấy một bí mật, nói đúng hơn, một vẻ đẹp từng trải và giản dị. Thực ra, phàm đã từng trải thì cũng không thể thiếu giản dị. Đây là một cặp giá trị song hành. Nhà văn Anatone France đã từng nói “nếu vẻ đẹp cuối cùng của con người là sự từng trải thì vẻ đẹp cuối cùng của nghệ thuật là sự giản dị”. Đây là cái đích mà mọi người cầm bút đều hướng đến. Hình như quanh chúng ta, chỗ nào cũng có thể gặp một vài người như thế, trước hết, họ đều là những người ít lời, ít lời vì rất khiêm tốn.
Nom lờ mờ vậy mà Nguyễn Xuân Thâm đã từng có năm năm mò mẫm sang tận Angola dạy học ở một tỉnh hẻo lánh. Một hôm có bức điện khẩn của Đại sứ ta yêu cầu anh phải tự tìm đường về ngay thủ đô. Chạy đôn chạy đáo tìm xe, may mắn gặp được mấy bà sơ bằng lòng cho đi cùng. Bấy giờ mới biết là tình hình gay go lắm, nội chiến sắp xảy ra. Đi được vài trăm cây số yên ổn bỗng gặp lính đảo chính đi tuần. Xe bị ách lại. Mấy bà sơ người Bồ Đào Nha còn đang lúng túng thì anh Thâm đã nhảy ra khỏi xe bằng tiếng Bồ nói một tràng dài, thế là vẫy tay cho đi. Qua một đoạn rừng dài xe lại bị ách lần nữa, lần này là lính phản đảo chính. Các bà sơ hoảng hốt đẩy Thâm nhảy ra xì xồ. Và cũng lại được cho đi luôn. Kỳ lạ là anh Thâm còn được người lính quẳng theo cho mấy bao thuốc hút dọc đường và giơ tay vẫy vẫy như đồng chí. Mấy bà sơ hú hồn hú vía, họ tranh nhau hỏi, anh nói sao mà cả hai phe đều vui vẻ cho đi. Thâm đáp thành thật, là vì chúng ta có Chúa che chở. Nghe xong cả mấy bà đều sung sướng làm phép tạ ơn Chúa nhân từ.
Gia đình anh Thâm nhiều đời quy Phật, bản thân anh cũng hướng Phật, vậy mà hôm ấy các bà sơ cung kính một thưa cha hai thưa cha. Nghe chuyện tôi cũng lấy làm lạ mới hỏi sao có thể thế nhỉ, anh Thâm cười bảo, bởi Phật và Chúa đều cùng thương một nhân loại.
Một lần khác anh Thâm dẫn nhóm sinh viên về thực tập ở mạn Phủ Lý, chỉ vài ngày anh đã làm bạn với một ông cha đạo trẻ. Ngồi tán với nhau về nghề nuôi ong mật mà thành thân thiết. Ông cha ấy là người không những chỉ khuyên bà con giáo dân chịu khó nuôi ong mà chính ông cũng đã mang những đõ ong gửi khắp xóm này xóm khác. Anh Thâm lại có thêm một triết lý nữa, lương giáo một nhà, mật ong là quà của chúa và cũng là quà của Phật gửi xuống thế gian.
*
Tết âm lịch 1958 anh Thâm có một may mắn lớn, một niềm vui đặc biệt, người Việt Nam có lẽ không ai là không ao ước. Đấy là việc anh đã được gặp Bác Hồ. Gặp ở đâu? Gặp ở ngay ký túc xá sinh viên. Có người nghe thế thì tỏ ý không tin, chẳng hóa ra Bác đến thăm Thâm hay sao. Vậy mà thật thế đấy, sớm mùng hai Tết năm đó Bác Hồ đã đến với Thâm. Một chuyến vi hành đầu xuân không báo trước.
Khoảng một tuần trước đó Bác đã cho cán bộ xuống gặp đồng chí Bùi Nguyên Cát, Bí thư Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội, sau cuộc gặp ấy, mỗi sinh viên miền Nam trong trường đều được phát ba đồng, quà Bác gửi cho ăn Tết, nói rõ đây là tiền Bác lấy từ nhuận bút viết báo.
Bảy giờ sáng Bác xuất hiện trước nhà sinh viên số V2 lúc đó mấy anh em miền Nam ở lại ăn Tết tại trường đang ngồi quanh nồi cháo lớn bếp củi đặt giữa nhà. Bác vào một mình:
- Các cháu thuộc khoa nào?
- Dạ khoa hóa thực phẩm ạ.
- Thực phẩm là gì?
- Dạ là cái ăn thức uống ạ.
- Cháu quê ở đâu?
- Dạ Huế, cháu ở Vĩ Dạ, sau phủ Tuy lý vương.
- Ngày trước Bác đi học thường qua đấy, Bác ở dưới Dương Nỗ. Các cháu đang nấu gì?
- Dạ nấu cháo. Bác gửi cho chúng cháu mỗi người ba đồng, chúng cháu bàn để mua gà mua gạo nếp.
- Các cháu gắng học cho giỏi. Giờ Bác cháu ta ra ngoài hội trường để Bác gặp chung các cán bộ và anh em.
Sau hôm ấy, Nguyễn Xuân Thâm ngồi trên giường trùm chăn thức làm một bài thơ về Bác gửi Báo Nhân Dân được đăng liền. Bài thơ dài, nhiều câu cảm động.
“Năm tháng ấy bây giờ tôi mới hiểu, Ngọn lửa Bác đốt lên chỗ lạnh nhất của rừng”.
Tưởng chỉ thế thôi cũng đã đủ sướng rồi, nào ngờ vẫn chưa hết. Năm 1964 Nguyễn Xuân Thâm gửi thơ dự cuộc thi của Báo Lao động trúng giải nhất. Đó là bài thơ đã được nhà thơ Chế Lan Viên khen, trong đó có những câu ông xem là tuyệt bút:
“Nơi đây vách rừng không bờ, chưa dấu chân người in thớ đá, đảo trầm ngâm dưới ánh hoang sơ, mặt trăng xanh cong như mình cá”.
Nào ngờ Bác đọc báo Lao động thường xuyên nên nhớ ngay Thâm ấy là ai. Bác lại trực tiếp gọi điện cho đồng chí Hiệu trưởng Hoàng Xuân Tùy. Ông Tùy chạy sấp chạy ngửa xuống tìm Thâm lúc đó đang đứng trên giảng đường. Thâm lập tức bỏ dở giờ giảng lên ngay văn phòng nhà trường. Hóa ra Bác vẫn đang đợi anh ở đầu dây đằng kia. Bác chúc mừng nhà thơ trẻ đã nhận giải thưởng lớn. Sau đó Bác yêu cầu anh cho Bác biết ngay địa chỉ của 4 người giữ cây đèn biển đảo Con Gián mà anh ca ngợi là ở đâu để Bác có thư khen họ. Thâm thưa, đảo Con Gián Cancrelat nằm ở Bái Tử Long thuộc biển Quảng Ninh nhưng 4 công nhân lại là người của Ty Hải đăng thành phố Hải Phòng. Bác hiểu rồi, cảm ơn cháu. Đặt máy.
Chỉ một thoáng gặp Bác đủ là một cơ duyên cho anh Thâm đi suốt cuộc đời. Một thoáng với những bài học quý trong hành xử, trong cốt cách.
Vừa rồi anh đã cùng một số bạn văn trong Hội Nhà văn Việt Nam ra thăm vùng than Đông Bắc, mang về mấy bài thơ hay.
Chúng tôi mấy anh em bạn hữu xúm xít nghe thơ anh trong một căn buồng hẹp không quá mười mét vuông và không cửa sổ. Nhưng đấy lại đang là đại bản doanh tạp chí Thơ, một tờ báo tạm gọi là còn giữ được chút nhan sắc trong đời sống văn học - nghệ thuật hôm nay của chúng ta.
Anh Thâm viết cho tôi hai câu thơ mùa xuân này: “Nụ tầm xuân bên dậu, giữ sắc hương đất nhà, hoa giữa đời bụi bậm, nở trên đỉnh kiêu sa”. Và anh viết sau chuyến đi vùng than mới rồi: “Mạo Khê, hòn than ngời, con gái nhà sàng, Trắng”. Tôi nói dưới ấy nhiều cô hát hay, nên thêm một dòng “và hát hay”. Anh nhìn tôi lấy làm ái ngại, lắc đầu. Không, mất nhịp điệu. Tôi lại thấy anh đúng. Mất nhịp điệu thì còn gì khổ bằng. Rồi người ấy hai tay đút túi quần, giọng Huế nhẹ nhàng đọc mấy câu thơ làm lúc nghe nhạc Trịnh: “Nhà ai Khánh Ly hát, thảng thốt trời xanh trên mái nhà thờ”.
Tuổi già mà chí vẫn bền, tình vẫn sâu nghĩa càng nặng, không thể làm sao đủ bút lực để làm nổi những trang văn đẹp như anh đã viết đang viết.
Sống vui sống khỏe là ao ước của mỗi người cao tuổi, nhưng có được và được đến đâu chuyện đó còn tùy thuộc ở như tâm tính bản lĩnh mỗi người. Mười năm trước với anh Thâm là nhiều bối rối, ba lần leo lên bàn mổ chỉ vì một căn bệnh hiểm nghèo, đục đẽo vỡ khắp mặt, nhiều lúc tưởng khó lòng qua nổi vậy mà vẫn qua nổi, lại trở về. Trở về để tiếp tục hoàn thiện mình mỗi ngày và để làm thơ hay hơn nữa. Thế thôi và thế là quá đủ.
Cây trầm mang nỗi đau của trầm, con trai già ngậm ngọc mang cái đau của ngọc, những người cầm bút có phong độ lớn không ai là không mang trong lòng những âm thầm chỉ mình biết với mình. Đời Nguyễn Xuân Thâm cũng không vượt ra ngoài điều dễ hiểu đó. Anh sống như mọi người, gian nan sóng gió như mọi người và sáng tạo lặng lẽ như mọi người. Và đến độ tuổi nào đó trước mặt mỗi người cầm bút đều có một lo âu, sẽ tới một ngày cái duyên làm nên ta bỏ ta mà đi, ta trở lại một ta trong xạc xờ mất nhung mất tuyết, chữ nghĩa ngổn ngang mà sao tẻ nhạt nguội lạnh đến vô hồn. Đấy là lúc ta cần phải biết tự mình giật mình, biết dừng đúng lúc cũng là dấu hiệu của một tài năng, chẳng sao cả.
Xem chừng cái ngày ấy cũng sắp đến với tôi với anh Thâm. Mỗi chúng ta đang đợi nó, và ta hãy đến với nó trong sự chủ động kiêu hãnh. Trong nụ cười của người đang chạy nốt vòng cuối. Người Pháp có câu hãy là một kẻ cười ở vòng cuối. Sau mọi chìm nổi, bất chấp tất cả, nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm đang thung dung bước vào cái vòng đua còn dài dài của cơ duyên, phải là người có cơ duyên như anh thì mới đủ nhã nhặn và đằm thắm đến vậy.
Hà Nội tháng 12-2011
Đỗ Chu