Trong khi Liên minh châu Âu hạ dự báo tăng trưởng năm 2012 xuống chỉ còn 0,5% từ mức 1,8%, các chuyên gia kinh tế lại đặt hy vọng vào nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nơi nhiều nền kinh tế mới nổi.
Theo Tạp chí Forbes, ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất ô-tô, linh phụ kiện, khai thác vàng tiếp tục tăng trưởng bùng nổ ở Trung Quốc. |
Bất chấp những biến động kinh tế và chính trị mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của kinh tế thế giới trong năm 2012 với tốc độ tăng trưởng là 5,3% so với 4,5% trong năm 2011.
Theo ông Rajiv Biswas - phụ trách kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của Công ty phân tích kinh tế và tài chính IHS Global Insight - khu vực đồng euro đã đi vào suy thoái cuối năm 2011, trong khi cơ hội để kinh tế Mỹ phục hồi cũng chỉ ở mức vừa phải. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhu cầu ở thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước còn lại trong khu vực châu Á sẽ giúp cân bằng tác động của sự suy giảm nhu cầu ở các nước khu vực đồng euro.
Cơ sở để các chuyên gia tin tưởng vào kinh tế châu Á là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc có thể sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2012, với tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ còn 7,8% chứ không bị suy giảm nặng nề như nhiều người lo sợ. Qua các số liệu mới nhất cho thấy, doanh số bán lẻ tháng 11 của nước này tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đầu tư vào tài sản cố định tháng 11 cũng tăng 21,2%.
Điều này chứng tỏ nhu cầu của thị trường nội địa sẽ là nhân tố củng cố cơ hội tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu một chương trình xây dựng nhà ở cho những gia đình có thu nhập thấp trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015. Trong khi đó, gói kích thích tài chính của Nhật Bản đang phát huy tác dụng giữa lúc quá trình tái thiết sau thảm họa động đất, sóng thần cũng được tăng tốc. Sản xuất công nghiệp của Nhật được dự đoán sẽ tăng 9,5% trong năm 2012 sau khi đã giảm 2,8% trong năm 2011. Sự phục hồi tăng trưởng của Nhật Bản là nhân tố quan trọng giúp giảm nhẹ tác động của sự suy thoái trong khu vực sử dụng đồng euro.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner đã hối thúc các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương gia tăng nỗ lực để giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi tăng trưởng. “Tất cả chúng ta đều bị tác động trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Tuy nhiên các nền kinh tế đang có mặt ở đây có điều kiện tốt hơn phần lớn các nước khác để thực thi các bước tăng cường tăng trưởng trước những sức ép từ châu Âu”, ông Geithner nói. Nhiều quốc gia trong nhóm APEC như Trung Quốc và Indonesia đã tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua, trong khi Mỹ và châu Âu tăng trưởng chậm chạp.
Theo Bộ trưởng Geithner, các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương có lợi ích trong việc điều chỉnh nền kinh tế theo hướng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước và giảm bớt sự phụ thuộc vào các nền kinh tế phát triển. Trong khi Mỹ đang tiếp tục xem xét các vấn đề đã gây ra cuộc khủng hoảng và châu Âu đang đối diện với tăng trưởng thấp, các nền kinh tế châu Á ra sức thúc đẩy sự tăng trưởng nhu cầu trong nước. Điều này sẽ làm giảm mức độ tổn thương nền kinh tế của họ trước các cuộc suy thoái.
Tuy vậy, theo cách tính can chi của người Trung Quốc, năm con rồng đánh dấu sự chuyển giao, bất ổn và thay đổi. Các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ đối mặt với những biến động cũng như gió ngược chiều đáng kể. Những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nhiều hơn như Singapore, Malaysia và Hong Kong được dự đoán sẽ giảm nhẹ tăng trưởng do nhu cầu yếu đi ở khu vực đồng euro. Cơ hội tăng trưởng của Ấn Độ cũng đang yếu đi do tác động của 13 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3-2010 khi ngân hàng trung ương nước này phải đối phó áp lực lạm phát kéo dài. Trong khi đó, yếu tố gây tổn thương chủ yếu đối với kinh tế Trung Quốc là tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến 50% trong hai năm 2009-2010 và cùng với nó là sự gia tăng nhanh chóng các khoản vay mượn của chính quyền địa phương, dẫn đến hậu quả là các khoản nợ phi kinh doanh trung hạn của khu vực ngân hàng Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Chính vì vậy, nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2012 vẫn là duy trì khả năng ứng phó trong khó khăn.
Gia Huy