.

Quyết liệt và tận tâm

.

Từ khi ban hành Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, đời sống của đại bộ phận dân nghèo đã có sự chuyển biến rõ rệt. Hàng trăm nhà tạm được xóa bỏ. Hàng ngàn phụ nữ được giúp đỡ phương tiện sinh kế. Trẻ em bỏ học được tạo điều kiện học nghề. Những người bệnh nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế…

Đại diện Hội LHPN thành phố trao quà cho bà Ngô Thị Duyệt trong buổi bàn giao nhà đại đoàn kết tháng 6-2011.
Đại diện Hội LHPN thành phố trao quà cho bà Ngô Thị Duyệt trong buổi bàn giao nhà đại đoàn kết tháng 6-2011.

Những giấc mơ được chắp cánh

Trong hàng ngàn phụ nữ được giúp đỡ ấy có chị. Người phụ nữ nghèo mới bước sang tuổi 52 nhưng mái tóc đã bạc quá nửa. Cách đây 5 năm, chồng chị đã bỏ đi biệt tích. Ba đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn. Người mẹ già trên 70 tuổi. Thiếu thốn trăm bề, có những ngày chị chạy đầu trên, xóm dưới mượn tiền nộp học phí cho con hay mua thuốc cho mẹ. Mọi chuyện “dễ thở” hơn khi chị được các cấp Hội hỗ trợ 11 triệu đồng (chia làm 3 đợt) và 2 con heo giống để phát triển kinh tế gia đình vào năm 2010.

Chị tên là Lâm Thị Yến ở đội 6, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Nhận tiền hỗ trợ, chị quyết định xây mới chuồng heo, mua thêm các giống rau về trồng trong vườn nhà. Từ 2 con heo nái giống, năm 2011 chị đã xuất chuồng 3 đợt, thu lãi 12 triệu đồng. Khu vườn rau đem lại thu nhập khoảng 30 ngàn đồng mỗi ngày. Dù đã có “đồng vô, đồng ra”, nhưng chị Yến vẫn sống rất tằn tiện. Chị kể, chỉ 2 năm trở lại đây mới “chơi sang” chi 20 ngàn đồng tiền đi chợ cả ngày cho 5 miệng ăn trong gia đình thay vì 5 ngàn như trước đây. Sự tằn tiện, chịu thương chịu khó này dẫn đến một kết quả: Các con chị vẫn được đến trường, vẫn bảo đảm điều kiện được học thêm như bao đứa trẻ khác.

Cũng cảnh nghèo, nhưng gia đình bà Ngô Thị Duyệt ở tổ 24, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà lại có hoàn cảnh khác. Đầu năm 2011, bà viết đơn xin hỗ trợ xây dựng nhà ở gửi đến Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố, trong đó có đoạn: “Một mái nhà có 4 gia đình sống chung với 14 nhân khẩu không có việc làm ổn định… Tường nhà đã hư nát, mái nhà không đủ điều kiện để che mưa, che nắng… Có một mái nhà ấm cúng là điều mà gia đình tôi thầm mong ước bấy lâu”. Lá đơn của bà đã được các cấp Hội LHPN xem xét và quyết định hỗ trợ xây nhà mới với số tiền gần 50 triệu đồng bao gồm cả ti-vi và một tủ quần áo... Ngày nhận nhà, bà xúc động nói: “Ước mơ cả đời của vợ chồng tôi nay đã thành hiện thực. Từ ngày có nhà, mọi người trong gia đình ai cũng nói chung một câu: Từ nay nhà mình đỡ lo mưa dột nữa rồi”.

Sức mạnh đồng thuận

Từng trường hợp cụ thể, từng con người cụ thể đã thoát nghèo, tiến bộ trong nhân cách đã chứng minh chính sách an sinh xã hội (ASXH) của thành phố là kịp thời và đúng đắn. Ví như cách đây 1 năm, em Trần Văn Hào (1995) là học sinh cá biệt của Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Hào thường xuyên tụ tập bạn bè, trốn học chơi game, uống rượu, hút thuốc, đánh nhau… Thói hư tật xấu của cậu con trai khiến gia đình phiền não. Nhưng giờ đây, đứng trước chúng tôi là một cậu con trai hiền lành, dễ mến. Sự thay đổi đó có công không nhỏ của các cán bộ Công an xã Hòa Khương. Anh Nguyễn Hữu Hà, Trưởng Công an xã, người trực tiếp giúp đỡ, uốn nắn em cho biết, thời gian này, Hào rất tiến bộ, em đã biết giúp đỡ gia đình, tránh xa bạn bè xấu, tham gia các sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.

Rất khó để nói hết những con số cụ thể trong việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố những năm qua, bởi đây là công việc chung của nhiều cấp, ngành liên quan như Sở LĐ-TB&XH, Thành Đoàn Đà Nẵng, Hội LHPN thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp… Mỗi ngành lại có nguồn quỹ riêng. Ví dụ, từ tháng 1 đến tháng 11-2011, các cấp Hội LHPN thành phố đã vận động được hơn 5,5 tỷ đồng. Riêng tại địa bàn quận Thanh Khê, Hội LHPN thành phố đã huy động gần 900 triệu đồng giúp các hộ đặc biệt nghèo và phụ nữ đơn thân dưới các hình thức cho vay lãi suất thấp (0,5%), xây nhà tình thương, tặng quà, xe đạp, trao phương tiện phát triển kinh tế gia đình… Bà Hoàng Thị Thùy, Phó Ban Gia đình & Xã hội, Hội LHPN thành phố cho biết, số tiền trên phần lớn là huy động từ các doanh nghiệp, các tổ chức cộng với quỹ tiết kiệm trong hội viên phụ nữ qua các mô hình  như tiết kiệm nuôi heo đất; ống tre tiết kiệm; hũ gạo tình thương; mái ấm đồng tâm; tấm lòng vàng vì phụ nữ nghèo; tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày…

Từ khi Thành ủy ban hành Chỉ thị 24, Sở LĐ-TB&XH luôn đóng vai trò đơn vị đi đầu trong việc thực hiện các chính sách ASXH như mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, khám chữa bệnh miễn phí, tặng sổ tiết kiệm, hướng dẫn cách làm ăn, trợ cấp đột xuất, bố trí chung cư, xây nhà đại đoàn kết, sửa chữa nâng cấp nhà ở… với số tiền hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, Thành Đoàn Đà Nẵng cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc tiên phong thực hiện chính sách ASXH thông qua các hoạt động cụ thể như Giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến; lắp đặt hệ thống máy nước; hỗ trợ sinh kế; xây nhà tình thương; tiếp sức đến trường; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí; huy động các loại học bổng hỗ trợ học sinh nghèo…

Mỗi người một việc cùng hướng về dân nghèo, tạo nên sức mạnh đồng thuận trong việc chung tay xây dựng thành phố ngày một giàu đẹp, văn minh. Trong giai đoạn mới, Đà Nẵng vẫn luôn nỗ lực trong việc giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ nghèo, kiềm chế tội phạm và tệ nạn xã hội. Đó cũng là lý do Đà Nẵng tiếp tục lấy chủ đề của năm 2012 là “Năm giải tỏa, đền bù, tái định cư và ASXH”.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.