.

“Tam giác vàng” của Đà Nẵng

.

Bước sang tuổi 15 tính từ ngày trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng càng thêm quyến rũ bởi những “mặt tiền” xứng đáng để công dân thành phố tự hào và khách phương xa thăm thú.

Năm 2010 Bà Nà Hills đã được bình chọn là khu du lịch có thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.
Năm 2010 Bà Nà Hills đã được bình chọn là khu du lịch có thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.
Một góc Bán đảo Sơn Trà, nhìn từ bãi biển Thọ Quang.
Một góc Bán đảo Sơn Trà, nhìn từ bãi biển Thọ Quang.
Tổ chức “Tìm kiếm kỷ lục Việt Nam S100” đã chọn Ngũ Hành Sơn là một trong những điểm hấp dẫn nhất trong hành trình du lịch Việt Nam. TRONG ẢNH: Đón đoàn khách Vương quốc Anh vào sáng ngày 1-1-2012.
Tổ chức “Tìm kiếm kỷ lục Việt Nam S100” đã chọn Ngũ Hành Sơn là một trong những điểm hấp dẫn nhất trong hành trình du lịch Việt Nam. TRONG ẢNH: Đón đoàn khách Vương quốc Anh vào sáng ngày 1-1-2012.

Có lẽ, sau sự kiện bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh thì chính quyền và cư dân thành phố mới biết mình đang sở hữu một của quý trời riêng cho. Làm thế nào gìn giữ, tôn tạo, phát huy “kho báu” đó?

Bán đảo Sơn Trà có chu vi khoảng 60km, 3 mặt đều giáp với biển. Hệ thống chân núi đổ thoai thoải ra biển hình thành các bãi cát trắng mịn, hoang sơ, quyến rũ như Bãi Bụt, Bãi Nồm, Hụp Lỡ, Vũng Đá… Điều làm nên sự khác biệt của bán đảo Sơn Trà là nơi đây có Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, một phần của vùng sinh thái Trường Sơn - một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo, quý hiếm.

Quanh bán đảo là những dải cát mịn trắng và nước trong xanh. Với không gian thoáng đãng, yên lành, hệ thống khách sạn, resort hiện đại, đội cứu hộ chuyên nghiệp, đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ, du khách cảm thấy đây là nơi đáng sống, đáng lưu trú. Trong 3 năm qua, chỉ tính riêng khách đường bộ, đã tăng 350%, từ 57 nghìn người (năm 2009) lên 200 nghìn người (2011). Ông Hồ Minh Phương, Trưởng ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết, đó là những thành quả ban đầu sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án “Khai thác và quản lý các bãi biển du lịch Đà Nẵng”, đề án đã được sự đánh giá, ghi nhận rất cao từ phía người dân, du khách trong và ngoài nước.

Nói về sức hút, nếu Sơn Trà là núi vươn ra biển thì Bà Nà là phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm. 15 năm trước, Bà Nà đã được UBND thành phố Đà Nẵng khôi phục, nhưng phải đợi đến năm 2009, khi Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (thành viên của Tập đoàn Sun Group) đầu tư tuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới, thì lượng khách đến nơi được mệnh danh là Đà Lạt của miền Trung này mới tăng mạnh, hè 2011 vừa qua mỗi ngày có khoảng 4.000 đến 5.000 lượt người.

Bà Nà Hills đang triển khai dự án tái hiện một khu phố kiểu Pháp mang dáng vẻ của khu nghỉ dưỡng Bà Nà xưa – một trong những thiên đường nghỉ dưỡng lớn nhất Đông Dương. Theo nhận định của bà Dương Thị Thơ, Giám đốc  điều hành Bà Nà Hills, năm 2012, sau khi dự án hoàn thành và khu vui chơi giải trí Fantasy Park chính thức hoạt động, lượng khách sẽ còn tăng nhiều hơn nữa. Vì thế, đơn vị đang tiếp tục đầu tư tuyến cáp thứ 3 để phục vụ lượng khách gấp đôi so với công suất hiện tại.

Tuy mới được xây dựng và khai thác, nhưng năm 2010 Bà Nà Hills đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Công ty Truyền thông Life bình chọn là khu du lịch có thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.

Không dạt dào sóng như bán đảo Sơn Trà, không chập chùng mây như Bà Nà, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cuốn hút du khách bằng nét độc đáo rất riêng của mình: Nơi hội tụ các yếu tố về biển, núi, sông, làng nghề, sinh thái, văn hóa tâm linh, hội hè dân gian với Lễ hội Quán Thế Âm và Lễ hội Làng đá được tổ chức hằng năm.

Từ bao đời nay, dân gian có câu “Đi chùa Non Nước”, không hẳn nói đến việc tham quan, thưởng lãm cảnh đẹp mà còn hàm ý đến đây để được thư thái cõi lòng qua việc cầu trời, lễ Phật tại mười mấy ngôi chùa và hàng chục hang động. Đến Ngũ Hành Sơn, khách còn có dịp mua sắm các mặt hàng mỹ nghệ từ làng nghề đá Non Nước, làng nghề nổi tiếng đã tồn tại và phát triển trên 300 năm.

Nhằm khai thác lợi thế và tiềm năng của Ngũ Hành Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn Lê Quang Tươi cho biết, sẽ đề xuất cấp trên sớm triển khai thực hiện dự án “Khai thác khách du lịch tham quan ban đêm tại Ngũ Hành Sơn” nhằm tạo ra sản phẩm mới về du lịch, phục vụ cho lượng khách lưu trú rất lớn tại thành phố vào những đêm rằm, mùng một và các ngày lễ trọng của Phật giáo. Ngoài ra, sẽ tái hiện chuyến vi hành của vua Minh Mạng đến Ngũ Hành Sơn trong Lễ hội Quán Thế Âm bằng các hình thức rước kiệu, dâng lễ từ Bến Ngự lên chùa Tam Thai.

Khách đến Ngũ Hành Sơn năm sau luôn cao hơn năm trước, mỗi năm tăng bình quân 19%. Việc triển khai các dự án, hoạt động mới này, theo ông Tươi, sẽ góp phần tăng mạnh hơn nữa lượng khách đến và quay lại Ngũ Hành Sơn.

Theo ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, 2 năm qua, tổng lượt khách đến Đà Nẵng tăng 33%, từ 1,85 triệu lượt người (năm 2010) lên 2,35 triệu lượt người (năm 2011); trong đó khách quốc tế tăng 35%, từ 350 lên 500 nghìn lượt người. Kết quả khả quan này có sự đóng góp đáng kể của 3 khu du lịch Bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills và Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Với vị trí thuận lợi của mình cùng với hạ tầng của toàn thành phố, các khu du lịch đã liên kết với nhau và kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng khác như: Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế,... Như kiềng ba chân, tất cả hình thành một “tam giác vàng” để du lịch Đà Nẵng phát triển bền vững và người dân thì càng tự hào hơn về thành phố mình đang sống.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.