.
Tản văn

Chắc cô ấy cũng tuổi Tý...!

Chị bạn thân của em - anh thì gọi là “bác dâu” - đã kể trong cuộc vui của gia đình nơi cù lao và bảo anh liên lạc với em vì: “Cô bé ấy là cô giáo đang dạy ở Đà Nẵng, chưa có người yêu, tính tình hiền lành và lại cầm tinh con chuột! Chỉ mỗi tội hình thức không xinh đẹp thôi!”.

Anh tuổi Thân, đẹp trai, nam tính, yêu đương vài lần không thành và đang lập nghiệp cũng ở thành phố ấy. Ba má anh đặt niềm hy vọng và xúc tiến một kế hoạch lâu dài dù phải nhiều tuần sau anh mới gọi điện làm quen: “Hình thức cũng không quan trọng, có nghề nghiệp, tính tình hòa hợp là được. Bây giờ là tháng 4, nếu thuận lợi thì sẽ xin cưới hỏi trong năm, mau có tin vui thì sang năm sinh con thật đẹp, thật hợp: Thân - Tý - Thìn”... Đó là sự khởi đầu của mối duyên nợ của em với cù lao ấy...

Ngày thơ bé em ra biển mỗi sáng, đã hỏi ba nhiều lần khi nhìn ra mấy hòn đảo mù xa tăm tắp: Ai ở ngoài đó ba hè? Tuổi thơ trôi qua mà em chẳng được ba cho một lần ra đảo để xem người ở đảo sống ra sao. Rồi học hành, lập nghiệp xa, vắng những buổi chiều dạo ngắm biển quê nhà, ngắm bình minh nên cù lao ấy đã lùi xa trong ký ức.

Nay đã là đứa con gái ở tuổi 27, mong ước được đến chốn ấy một lần lại sống dậy khi anh nói quê anh ở cù lao xa xăm ấy. Em chưa bao giờ nghĩ rằng em sẽ có một người bạn ở cù lao. Tò mò muốn xem mặt một người con trai của cù lao là ấn tượng thôi thúc em hẹn gặp anh sau cuộc gọi đầu tiên.

Anh đen lắm nhưng vạm vỡ, chắc nịch; anh cười có duyên và đẹp trai thật, còn giọng nói thì chầm chậm, trầm ấm lạ kỳ. Anh bảo anh là “chúa đảo” ở cù lao và kể cho em về cù lao, về ba má anh, về người dân ở đó. Em thật bất ngờ khi anh trả lời: “Bữa cơm chiều!” cho điều em muốn nhắn gửi “Anh nghĩ nhìn vào đâu mà người ta biết một gia đình có hạnh phúc hay không?”. Anh còn “cao tay” hơn em vì em chỉ cho rằng là “bữa cơm” thôi. Thế là em ngỡ mình là bạn, là thân thôi...

“Đừng nặng nề, cứ xem mình là bạn của nhau thôi!”. Anh nói vậy, mà em có mong được là gì khác ngoài là bạn của anh đâu. Biết rứa nhưng rồi tình bạn đang yên lành, em đã tự tay mình pha thêm chút sóng gió. Em nghe trong tim mình lớn dần những cảm xúc khác lạ: nhớ, hồi hộp rồi chờ đợi để gọi và nghe giọng anh mỗi ngày. Điều đó thật “nguy hiểm” nhưng anh với em vẫn vui vẻ trong những câu chuyện tán gẫu không dừng cho đến khi máy của cả anh và em báo hết tiền.

Bốn lần gặp mặt trong gần ba tháng, con đường chắc cũng chưa quen được tên anh, em cũng chưa kịp nhớ biển xe 43 của anh được mấy điểm, anh mang giày màu gì nhưng trái tim thì đã trân trọng dành cho anh một góc rồi. Nghĩ rằng mình đang yêu thương và được một người yêu thương đã cho em chút ánh sáng vui vẻ, năng động mỗi ngày. Đó là khoảng thời gian em sống đẹp đẽ, trọn vẹn với công việc, gia đình...

Anh chị em trẻ ở cơ quan rủ nhau ra cù lao chơi cho chuyến nghỉ hè. Vậy là cái đêm trước khi đi, cảm xúc hạnh phúc cứ miên man trong lòng... Giá mà anh biết em đang đi đến nơi người mình yêu mến cất tiếng khóc chào đời, nơi ghi dấu những buồn vui của tuổi thơ anh với tâm trạng thế nào. Em gọi cho anh khi vừa đặt chân đến Bãi Làng: “Nhà anh chỉ cách nơi em đứng 500m về phía bên phải. Đến nhà anh chơi, thăm ba má anh!”. Có lẽ nào! Trong thâm tâm em đã nghĩ: đến thăm nhà một người bạn thì đâu có gì phải ngại nhưng mà thật lòng em đâu có nghĩ anh là bạn nên đâm ra phải giữ lại chút gì đó làm cái duyên của con gái nữa...

Đêm cù lao thật đẹp. Bờ biển dài yên ắng. Dưới ánh trăng non và những chòm sao nhấp nháy, em gọi cho anh từ cù lao. Em kể cho anh về đảo yến, về bữa trưa trên đảo, về Bãi Hương, Bãi Bìm, Bãi Xếp, Bãi Ông, về lần đầu tiên mang áo phao tắm biển, lặn xem san hô ở cù lao, về việc tình cờ đã nhìn thấy nhà anh, ba má anh; về những chàng trai cù lao đẹp trai như anh; về “chúa đảo” trong câu chuyện của những con người cù lao đôn hậu, chân thành.

Sáng mai ra em thức dậy sớm sau một giấc ngủ dài và ngon như chưa từng được ngủ. Em ra biển ngắm bình minh cù lao. Trời hơi lạnh, không khí trong lành, nước biển xanh leo lẻo. Em ngạc nhiên nhìn những người phụ nữ của cù lao chèo thúng điêu luyện, sành sỏi - điều mà phụ nữ, con gái quê biển của em không thể và không được làm. Những cụ già đi bộ khoan thai, mấy đứa bé cũng reo cười í ới. Chỉ có lứa thanh niên vẫn còn nằm trên những chiếc ghế vải đan dọc bờ biển là còn ngon giấc. Ồ, ở cù lao không thể nhìn thấy mặt trời mọc! Cụ già nói em phải theo thuyền ra phía sau đảo từ sớm mới nhìn thấy được!

Mùa hè đã qua, biết em đã yêu mến anh trong lớp áo khoác của tình bạn nên nhắn tin rằng “Anh em mình là bạn tốt của nhau nhé”. Nhưng em nào có phải thần thánh để làm được cái việc gieo một cái cây tình bạn trên mảnh đất của tình yêu. Càng từ chối, càng dặn lòng càng nghe trái tim em tổn thương, đau nhói. Anh thì đã chọn lấy sự im lặng làm câu trả lời. Thời gian gần hai tháng sau đó em vẫn không thể nguôi nguây. Nhắn tin mong anh một lời thật tàn nhẫn hoặc báo tin vui để giải thoát cho em. Và anh đã lạnh lùng gửi đến em cái tin nhắn định mệnh ấy! Nước lụt tràn về, sóng gió giăng đầy trời thành phố khi em đọc được, có lẽ anh chẳng hay!

Lúc trước em nhớ nhiều lắm. Em nhớ anh “à lố...” mỗi khi nghe máy, nhớ giọng cười dịu dàng của anh, nhớ anh tóm tém điếu thuốc trong buổi hẹn cà-phê sinh nhật em, nhớ anh nói “hứa thật nhiều nhưng thất hứa chỉ một điều”, nhớ anh mỗi khi nghe Giao Linh hát bài “Lòng mẹ”, nghe Tuấn Ngọc ca bài “Hạ trắng”... Nhưng bây giờ thì em chỉ còn duy nhất một điều để nhớ: “Ngày 18-12 này anh sẽ cưới vợ. Em đến chung vui cùng vợ chồng anh nhé!”.

Chắc cô ấy cũng tuổi Tý...

Hy Giang

;
.
.
.
.
.