.

Câu chuyện bên lề hai tấm bê-tông

.

Vào lúc chuyện giao thông luôn “nóng” trong dư luận cũng như ở nghị trường Quốc hội và trên mặt báo, liên tục xuất hiện hình ảnh những con đường, những nhịp cầu, những khu chung cư, trường học… vừa đưa vào sử dụng đã nứt vỡ, lún sụt, tôi “liều mạng” góp vốn cùng Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây tái bản tiểu thuyết bộ đôi “Đường đỏ đá xanh” và “Chỗ đứng người kỹ sư”!

Hai cuốn sách “Đường đỏ đá xanh” và “Chỗ đứng người kỹ sư” đặt trên tấm bê-tông ngày xưa.
Hai cuốn sách “Đường đỏ đá xanh” và “Chỗ đứng người kỹ sư” đặt trên tấm bê-tông ngày xưa.

Gọi là “liều mạng” vì tiểu thuyết toàn kể chuyện “ngày xưa” chắc là khó bán, cho dù mình đọc lại vẫn chảy nước mắt và nghĩ rằng “vấn đề” trong sách đặt ra về “chỗ đứng” của người trí thức vẫn rất “thời sự”… (“Văn mình vợ người mà!” Tự khen một câu cho nó… sướng, chắc cũng không ai trách?).

Điều đáng kể hơn là khi tặng sách cho một bạn đồng nghiệp giao thông cũ (tôi từng là cán bộ kỹ thuật làm cầu đường trong hơn 10 năm), tình cờ, chúng tôi đứng trên hai tấm bê-tông mặt cầu có tuổi thọ hơn một thế kỷ, ngay trước cổng nhà tôi. Hai tấm bê-tông này nguyên dùng để lát hai đường người đi bộ trên cầu Trường Tiền. Cầu này bắt đầu xây dựng năm 1897, nên đến nay đúng là đã qua hơn thế kỷ. Trong lần sửa chữa hơn chục năm trước, những tấm bê-tông này được thay thế, một bạn kỹ sư ở đây chở đến cho tôi để bắc qua rãnh thoát nước trước nhà. Hơn thế kỷ và mặc dù nó đã phải chịu gánh nặng nhiều chuyến xe tải trong lúc tôi sửa nhà gần đây, vậy mà nó “trơ gan cùng tuế nguyệt”, cứ vững như… bàn thạch! Đã mấy bạn biết chuyện này, mỗi khi báo chí nói đến một công trình hiện nay vừa khánh thành đã phải xin kinh phí sửa chữa, lại dẫn “vật chứng” trước nhà tôi và nói: “Đó! Xem thằng Pháp nó làm kìa! Có đâu ẩu xị như chúng ta bây giờ…”.

Chỉ khác, tôi không hoàn toàn “nhất trí” với lời bình luận có phần “nịnh… Tây” và xúc phạm đến đội quân xây dựng của chúng ta hôm nay, mặc dù đó là sự thật! Ai chẳng biết hầu hết các công trình đã bị ăn chặn ngay từ khi lập dự án, rồi bị “rút ruột” bê-tông, sắt thép khi thi công; rồi bất chấp vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn cứ dùng, lấy mặt bê-tông trơn láng, sơn quét phủ bên ngoài che những cái mặt ăn cắp và làm ẩu cho đến lúc bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng. Cho dù vậy, xin đừng nghĩ chỉ có “Tây” mới biết làm ăn đàng hoàng. Mà những tấm bê-tông cầu Trường Tiền ấy chính là do thợ Việt Nam đúc đó chứ. Riêng tôi thì có bằng chứng là những…trang sách!

Phải! Những trang sách trong bộ tiểu thuyết mà tôi vừa tái bản đã làm chứng rằng: Gần 50 năm trước, bạn bè tôi – những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật như cô An, giám sát viên (tức là người của “Ban A” mà ngày nay gọi là PMU, là “chùm khế ngọt” rất dễ “hái” lợi lộc bạc triệu, bạc tỷ!) rồi anh Sơn, Hiến…, dù phải đấu tranh với cấp trên, với bạn mình, với cả người yêu, vẫn kiên quyết chống lại kiểu làm ăn gian dối để bảo đảm chất lượng công trình. Chuyện trong tiểu thuyết là “hư cấu” nhưng các chi tiết đấu tranh bảo đảm kỹ thuật là sự thật 100%; hơn nữa, có một công trình làm chứng: Cầu Bãi Dinh dưới chân đèo Mụ Dạ trên đường 12A nổi tiếng, xây năm 1964, chính do tôi làm giám sát viên, bị bom Mỹ ném nhiều lần mới sập, đến lúc hòa bình dọn lòng khe xây cầu mới, công nhân phải rất vất vả mới phá được các mố trụ cũ vì nó… chắc chắn quá!

Thế đó! Hơn một thế kỷ trước, những tấm bê-tông “vững như bàn thạch” còn đó và gần nửa thế kỷ trước, trụ cầu giữa “túi bom” Mỹ vẫn không chịu đổ gục. Vậy mà nay không ít cầu đường, trường học, nhà tái định cư… vừa xây dựng xong đã lún, đã nứt, trong khi mọi điều kiện để bảo đảm kỹ thuật đều cao hơn trước; chỉ trừ con người thoái hóa! Sự thật buộc phải nói lên điều đau lòng đó! Vì sao?
Xin dành câu trả lời cho các ngành, các đơn vị có trách nhiệm giáo dục và xây dựng con người xã hội chủ nghĩa trong nửa thế kỷ vừa qua. Riêng tôi, xin góp phần bằng những trang sách, với sức truyền cảm của nghệ thuật, hy vọng sẽ giúp con người biết sống tốt đẹp hơn và những con đường, những công trình thì đỡ hư hỏng, nếu may ra cuốn sách đến tay những đội quân xây dựng trên khắp nẻo đường đất nước.

Những con người như thế có thể yên tâm ghi tên mình trên những công trình và… một thế kỷ sau, con cháu của họ khi đi qua đó, có thể ngẩng cao đầu một cách tự hào…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.