.
Hồ sơ tên đường

Kinh Dương Vương, ông Tổ dân tộc Việt

.

Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương là Tổ thứ nhất của dân tộc Việt Nam, khai sinh họ Hồng Bàng, dựng nước Xích Quỷ, tiền thân của Nhà nước Văn Lang.

Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Vương, húy là Lộc Tục, cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất nguyên niên (2879 TCN), cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sanh Đế Nghi, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên sanh ra Vương. Vương thánh trí thông minh, Đế Minh cho là lạ muốn cho kế vị, vương cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh do đó lập Đế Nghi nối nghiệp cai trị Bắc phương, phong vương là Kinh Dương Vương cai trị Nam phương, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ. Vương lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sanh ra Lạc Long Quân”.

Theo Hùng triều ngọc phả và Thiên Nam bảo lục diễn ca, Tổ thứ nhất của dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương, đứng đầu 18 vị Vua Hùng, gồm (1) Kinh Dương Vương Lộc Tục tôn dâng miếu hiệu là Hùng Dương; (2) Lạc Long Quân Sùng Lãm thụy hiệu Hùng Hiền; (3) Hùng Lân; (4) Hùng Việp; (5) Hùng Hy; (6) Hùng Huy; (7) Hùng Chiêu; (8) Hùng Vĩ; (9) Hùng Định; (10) Hùng Hy; (11) Hùng Trinh; (12) Hùng Võ; (13) Hùng Việt; (14) Hùng Anh; (15) Hùng Triều; (16) Hùng Tạo; (17) Hùng Nghị; (18) Hùng Duệ. (Về danh hiệu Hùng Vương, gần đây có nhiều học giả cho rằng chữ Lạc đã chép sai ra Hùng, nên phải gọi là Lạc Vương thay vì Hùng Vương).

Về sau, người Hán đánh chiếm nước Xích Quỷ, tiền nhân chúng ta phải lui về phương Nam lập nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phú, ngày nay là vùng thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Toàn lãnh thổ lúc đó chia ra làm 15 bộ: Văn Lang, Châu Diên, Phúc Lộc, Tân Hưng, Võ Định, Võ Ninh, Lục Khải, Ninh Hải, Dương Tuyền, Giao Chỉ, Cửu Chân, Hoài Nam, Cửu Đức, Việt Thường và Bình Văn.

Đến nay di tích hãy còn trên đỉnh Hùng Sơn (Núi Hùng), cũng gọi là Núi Đền, Nghĩa Lĩnh, hay Nghĩa Cương, cách thành phố Hà Nội 105km. Khu di tích Đền Hùng, trước cổng có 4 chữ Cao sơn cảnh hạnh (núi cao để mà trông ngóng, đức lớn để mà ngưỡng mộ). Đó là một quần thể gồm các di tích nằm trong khu vực đền Hùng như: Đền Hùng, Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, chùa Sơn Cảnh Thừa Long Tự, Bảo tàng Hùng Vương, chùa Hy Cương...

Công đức của các vua Hùng, nhất là Tổ Kinh Dương Vương được thể hiện qua 4 chữ “Nam thiên triệu tổ” ở Đền Thượng. Nơi đó, trên bàn thờ có ba bài vị, bài vị chính ghi “Khai quốc hồng đồ, đột ngột cao sơn cổ Việt Hùng thị, thập bát thế Thánh vương” (Mười tám đời vua Thánh dòng Hùng nước Việt xưa, non cao chất ngất nên sự nghiệp to mở nước).

Kính ngưỡng công đức Tổ Kinh Dương Vương, Đà Nẵng đặt tên ngài cho con đường dài 2,111km, rộng 15m, nối từ đường Lý Thái Tông đến đường 10,5m ở Khu dân cư Thanh Lộc Đán (ảnh), phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, theo Nghị quyết số 80/2009/NQ/HĐND ngày 8-7-2009 của HĐND thành phố về đặt tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
 

;
.
.
.
.
.