.

Những người thầy thầm lặng

.

Ngay từ những ngày còn bé đã theo mẹ vào bệnh viện, gặp bệnh nhân, quen dần với ống nghe, áo blouse trắng… Có lẽ từ đó mà yêu thích và theo nghề lúc nào không hay.  Bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh, Phó trưởng khoa Bỏng-Tạo hình, Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) tâm sự.

Đem lại sự lạc quan cho người bệnh

Cái khó của BS tạo hình không chỉ làm thành công mà còn phải đạt thẩm mỹ cao.  TRONG ẢNH: BS Xuân Anh (trái) cùng các chuyên gia nước ngoài đang phẫu thuật tạo vành tai cho bệnh nhân.
Cái khó của BS tạo hình không chỉ làm thành công mà còn phải đạt thẩm mỹ cao. TRONG ẢNH: BS Xuân Anh (trái) cùng các chuyên gia nước ngoài đang phẫu thuật tạo vành tai cho bệnh nhân.

Nhắc đến bác sĩ (BS) Xuân Anh, khoa Bỏng-Tạo hình BVĐN chắc nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện của anh Q. (Quảng Ngãi) cách đây 3 năm bị vợ cắt đứt… “của quý”. Anh Q. được đưa vào BVĐN và chính BS Xuân Anh làm phẫu thuật vi phẫu nối chữa trị cho anh Q. Đến nay, sinh hoạt của anh Q. trở lại bình thường và anh chuẩn bị có gia đình mới.

Theo BS Xuân Anh, ở Việt Nam lĩnh vực tạo hình còn khá mới. Ngoài việc khắc phục những tai nạn như của anh Q., BS Anh còn phẫu thuật thành công những ca đòi hỏi trình độ kỹ thuật như  đứt lìa bàn tay, ngón tay.

Thời gian được đi học chuyên khoa ở Nhật về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ chính là dịp để BS Anh tận dụng mọi cơ hội học hỏi về tạo hình vành tai, bộ phận mặt, tạo hình sọ mặt và rút ra những kinh nghiệm quý giá. Chẳng hạn, trong kỹ thuật tạo vành tai, anh đã nghĩ ra cách đặt một trụ nhỏ phía sau vành tai để tai đứng hơn, trông đẹp hơn. Năm 2010, BS Anh đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật đề tài này.

Ngoài thời gian chữa bệnh, từ năm 1997 đến nay BS Anh thường xuyên phối hợp với các đoàn từ thiện nước ngoài mổ từ thiện cho khoảng gần 200 ca, chủ yếu là những bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn, éo le. Như trường hợp của một cô gái (Thăng Bình, Quảng Nam) bị dị tật lép mặt, không có vành tai, học sư phạm xong không đi dạy vì mặc cảm, tự ti. Năm 2006, được mổ xong, giờ cô đã đi dạy và cũng sắp có gia đình riêng… BS Anh chia sẻ, công việc dù bận rộn nhưng vẫn muốn dành thời gian đem lại niềm vui, sự lạc quan cho người bệnh. Đã xác định theo nghề là chấp nhận hy sinh, cực nhưng mà vui. Có lẽ vì vậy mà gia đình BS Xuân Anh có tới 3 anh em cùng làm trong BVĐN và đều là những BS vững chuyên môn.

Vẫn chọn nghề Y

Hằng ngày, khoa Khám bệnh-Cấp cứu, Trung tâm (TT) Y tế quận Hải Châu luôn có người bệnh ngồi chật kín. BS Nguyễn Thị Hồng Tịnh, Phó khoa Khám bệnh-Cấp cứu luôn tay kê đơn, hướng dẫn cho bệnh nhân. Mỗi ngày TT tiếp nhận gần 600 người đến khám, chữa bệnh nên chị và 7 BS khác trong khoa luôn bận rộn.

   Mỗi ngày khoa Chẩn đoán hình ảnh (TTYT Hải Châu) tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân siêu âm, chụp X-quang.  TRONG ẢNH: Bác sĩ Anh Tuấn đang siêu âm cho bệnh nhân.
Mỗi ngày khoa Chẩn đoán hình ảnh (TTYT Hải Châu) tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân siêu âm, chụp X-quang. TRONG ẢNH: Bác sĩ Anh Tuấn đang siêu âm cho bệnh nhân.


Làm ở khoa Khám chữa bệnh, nhiều BS thường e ngại khi khám cho bệnh nhân lớn tuổi vì sợ họ khó tính, nhưng với BS Hồng Tịnh thì lại được bệnh nhân dành nhiều tình cảm. Chị tâm sự: “Mình thường dành thời gian trò chuyện về cuộc sống, về sinh hoạt hằng ngày, sức khỏe… để người bệnh thấy mình gần gũi và muốn chia sẻ”. Có lẽ vì điều đó, mà rất nhiều người bệnh khi được chị khám đã nói “Gặp được BS tôi thấy bệnh của mình nhẹ một nửa rồi”.

BS Hồng Tịnh cũng thường xuyên theo dõi nhiều bệnh nhân có bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp… để nhắc họ không bỏ thuốc, bỏ bữa, hay tái khám định kỳ. Theo BS khi đã làm nghề, phải thường xuyên đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân thì mới hiểu và chia sẻ với họ được. Công việc nào cũng có khó khăn, chỉ cần mình toàn tâm, toàn ý với nghề thì khó khăn nào cũng vượt qua được.

Có ba mẹ đều làm trong ngành y, dù đã được “khuyến cáo” làm BS rất vất vả nhưng thấy ba mẹ yêu nghề, tận tụy với từng người bệnh nên BS Lê Phước Anh Tuấn, Khoa Chẩn đoán hình ảnh – TT Y tế quận Hải Châu vẫn quyết định đến với nghề. Đến bây giờ sau hơn 20 năm làm nghề anh mới thấm thía cái vất vả của nghề nhưng nếu cho chọn lại anh vẫn chọn nghề Y.

BS Tuấn cho biết, việc chẩn đoán hình ảnh luôn phải có trang thiết bị, máy móc hiện đại, BS phải thường xuyên nâng cao tay nghề, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thậm chí những ca khó phải lưu số điện thoại của họ để sau khi họ lên tuyến trên, tìm hiểu xem họ gặp bệnh gì. May mắn lớn nhất với đội ngũ BS khoa Chẩn đoán hình ảnh là TT Y tế Hải Châu là một trong những TT đầu tiên của tuyến quận được trang bị máy chụp CT (cắt lớp vi tính) và X-quang kỹ thuật số, điện não đồ…


Theo BS Tuấn, một trong những chẩn đoán khó nhất là phát hiện dị tật tim cho thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Năm 2010, anh và các BS trong khoa phát hiện ra một ca thai ngoài tử cung cư trú trên gan. “Khi chụp phát hiện ra cũng chưa yên tâm lắm, chỉ đến khi bệnh nhân được đưa lên BV Đa khoa mổ lấy ra và giải phẫu bệnh lý khẳng định đấy là thai thật thì mới chắc chắn là mình đã chẩn đoán đúng”, BS Tuấn tâm sự. Nghề Y vốn thầm lặng, và chẩn đoán quả là cả một sự thầm lặng.

Ngoài thời gian làm việc ở bệnh viện, cứ thứ bảy, chủ nhật, BS Tuấn lại cùng nhiều BS khác tham gia các hoạt động của phòng khám từ thiện của Chi hội từ thiện Vu Lan ở Hòa Cường Bắc, thường xuyên tổ chức đi khám bệnh cho người nghèo ở các xã miền núi. Có lẽ, hơn ai hết, chính những người thầy thuốc như BS Anh, BS Tuấn, BS Tịnh… luôn thấy rõ một điều rằng: Quá nhiều người bệnh nghèo, còn khổ, còn chịu nhiều đau đớn về thể xác, nên bên cạnh làm thật tốt công việc chuyên môn, họ  vẫn muốn được dành chút tấm lòng đồng hành cùng họ...

THU HÀ
 

;
.
.
.
.
.