.

Sông quê

Quê tôi nằm bên con sông Hà Sấu, hạ lưu sông Cổ Cò. Sử sách ghi  rằng, ngày xưa, thương khách buôn bán giữa chợ Hội An và chợ Hàn, Đà Nẵng, chủ yếu bằng đường sông. Sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng, rẽ thành 2 nhánh: Một đổ ra Cửa Hàn, nhánh còn lại chảy qua Non Nước, soi bóng dưới chân Ngũ Hành Sơn huyền thoại, rồi theo hướng đông nam, qua chợ Cầu, làng Hà Lộc, xuống Cổ Cò, Hà Sấu, xuôi Đế Võng chảy ra biển Đông.

Sông quê gắn với tuổi thơ tôi sau những ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Con sông đã ghi dấu biết bao kỷ niệm vui buồn của lũ trẻ  nhà quê. Nhà dì Hai tôi ở hữu ngạn sông, bên cánh rừng Hà My chỉ còn trong ký ức của chiến tranh và hoài niệm của bao người. Những năm lũ lụt tràn về, ngập trắng cả cánh đồng bên sông. Nhìn về tả ngạn, phía cánh đồng Hà Lộc, Gia Lộc mênh mông nước. Đó là những năm cả xã vùng cát quê tôi phải gồng mình chịu những cơn lũ lịch sử và những tháng ngày thiếu cơm lạt muối bởi  mất mùa trắng tay.

Hồi nhỏ, tôi thường nghe những bậc cao niên trong làng Hà My kể lại rằng, ngày xưa, đoạn sông Cổ Cò chảy qua làng Hà My nước rất sâu và hung dữ. Mỗi mùa nước lũ tràn về dâng ngập cả làng, cả cánh rừng Hà My. Dưới lòng sông, có cá sấu to, rất thích ăn thịt người. Vì vậy, dân trong làng Hà My thi thoảng bị cá sấu cướp đi một mạng người mỗi khi nước lũ tràn về chạy không kịp, nên có tên Hà Sấu. Hà là sông, là nước. Sấu là cá sấu. Lấy tên cá sấu đặt tên cho đoạn sông, có lẽ những bô lão và nhân dân trong làng mang tâm tưởng nhớ về những người dân mất  xác vì cá sấu một cách oan uổng. Không biết thực hư, thêu dệt thế nào nhưng câu chuyện  đầy chất huyền thoại ấy đã kích thích trí tò mò, ham nghe, ham biết ở cái tuổi lên 9, lên 10 của tôi.

Lớn lên một chút, những buổi trưa hè tôi thường hay cùng đám bạn bơi lội tung tăng dưới sông. Những buổi trưa hè bắt ốc, bắt hến, làm chà bắt cá; những đêm tháng 7, tháng 8 âm lịch, sau những cơn mưa dông nước đổ đầy đồng, trời tối như bưng, cùng đám bạn trong xóm rủ nhau xách nơm đi bắt cá ức nước chạy vào ruộng vào bờ; những ngày nắng như lửa đốt, lặn hụp dưới sông vớt rong, hì hục gánh về phơi khô làm phân bón cho khoai sai củ, cho bí cho bầu đơm hoa kết trái. Con sông  quê gắn với những tháng năm tuổi trẻ nhọc nhằn cùng đám bạn xóm nhỏ Sa Khê.

 Và không biết tự bao giờ, sông quê đã gắn vào tâm khảm đứa trẻ nhà quê của tôi khi ôm mộng sách đèn nơi phố Huế. Hình bóng con sông quê lặng lờ, cô quạnh với bao kỷ niệm bên bạn bè vẫn khắc ghi trong tâm trí. Những năm tháng học ở Huế, hình ảnh con sông quê da diết trong lòng. Những kỳ nghỉ hè, tôi lại về bên sông, bắt cá bắt ốc, hái rau ven triền sông trong  miên man nờm nam cơn gió. Tôi  gắn chặt  vào sông để mưu sinh và tồn tại. Sông chở che, cưu mang tôi suốt chặng đường gian nan cơm áo. Ở Huế, chiều chiều thường cùng bạn bè trong lớp ra đứng ngắm sông, dạo chơi bên cầu Trường Tiền sáu vai mười hai nhịp, nhìn dòng Hương thơ mộng lững lờ trôi; rồi  ra trường, sinh sống ở Đà Nẵng, nơi có con sông Hàn một thời thơ ấu cùng mẹ chạy giặc tản cư ra ở Mỹ Khê, quanh năm dòng nước trong xanh, chảy ra cửa Hàn, bỗng thấy thương và nhớ con sông quê mỏi mòn theo năm tháng mịt mù khói sương.

Thầm nghĩ, là con người thì ai cũng có một dòng sông quê để yêu thương, nhớ nhung, vỗ về mỗi khi lòng bỗng thấy chùng xuống bởi thời gian và nuối tiếc. Hình ảnh con sông quê có lẽ đều gắn với những kỷ niệm một thời ấu thơ, cả khi đã lớn lên và trưởng thành. Ngẫm lại, đất nước mình có hàng trăm hàng nghìn con sông lớn nhỏ, sông nào cũng đáng yêu khi gần gũi, đáng nhớ khi xa cách, rạo rực khi quay về; sông nào cũng đáng ngợi ca, đáng thành thơ, thành nhạc, thành họa. Và mọi con sông đều bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ và chảy ra biển Đông, rồi gặp nhau ở đại dương mênh mông chập chùng sóng vỗ...

Quê tôi bây giờ đã mang hình hài của phố. Những rersot, khách sạn mọc lên như mời gọi, chào đón bè bạn thập phương. Khi tôi viết những dòng này, dự án Khu biệt thự trú đông và Điều dưỡng sức khỏe hơn 7 hecta đang giai đoạn triển khai. Rồi đây, bên ven bờ hữu ngạn sông Hà Sấu huyền thoại sẽ mọc lên những khu biệt thự, nhà vườn, khu nghỉ dưỡng hiện đại. Chuyện thực trong đời mà tôi như lạc vào câu chuyện cổ tích xa xôi.

Và tôi lại mơ, một ngày nào đó, dự án khai thông dòng sông Cổ Cò, trong đó có sông Hà Sấu sẽ được triển khai, để con đường thủy giao thương buôn bán năm xưa giữa Đà Nẵng và Hội An được tái hiện sinh động trong đời sống văn minh, hiện đại, cùng những con đường bộ như dải lụa mềm, những tỉnh lộ thênh thang đã và đang được xây dựng, nối 2 người anh em Quảng Nam- Đà Nẵng xích lại gần nhau hơn, kết nối cùng nhau lớn mạnh, để con đường sông huyền thoại năm xưa góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất Quảng anh hùng.

ĐINH VĂN DŨNG

;
.
.
.
.
.