.

Tấm gương thầy thuốc Việt Nam

.

Nếu bệnh viện nào có được các thầy thuốc như thế thì nơi đó sẽ trở về đúng nghĩa là nhà thương – cái tên rất đẹp thuở ban đầu của nó.  

Tuệ Tĩnh - ông Thánh thuốc Nam

Nguyễn Bá Tĩnh hiệu Tuệ Tĩnh Thiền sư (1330 – ?) người phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương), được tôn là ông Thánh thuốc Nam, để lại tác phẩm y học “Nam dược thần hiệu” và “Hồng Nghĩa giác tư y thư” rất có giá trị. Với phương châm “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc Nam chữa bệnh người Việt Nam), ông đã cứu chữa cho hàng chục vạn người nghèo tại 24 y xá chùa làng. Qua đó, ông tổng kết được  3.873 phương thuốc quý và 182 y án đặc biệt để giảng dạy cho các tăng đồ của ông và hậu thế.

Quan điểm về sức khỏe của ông là “Thiên nhân hợp nhất”: tuyên truyền trong cộng đồng phòng bệnh, dưỡng sinh và nhiều cách chữa bệnh (xoa bóp, châm cứu, chích lể, chườm, xông, hơ, ăn uống,…). Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/ Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Năm 1385, ông bị đưa đi cống sang nhà Minh, Trung Quốc. Ở đây, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng tài đức, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư.

Hậu thế nhớ công ơn và kính cẩn bái phục đạo lý người thầy thuốc của ông qua câu đối thờ ông: “Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh/ Sống nhờ cửa Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm giang”.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Đại danh y Lê Hữu Trác (1720-1791) tên hiệu là “Hải Thượng Lãn Ông” (Ông già lười Hải Thượng), người Hải Dương, nay là Hưng Yên. Ông có công đúc kết tinh hoa của nền Y học Cổ truyền Việt Nam trong các  bộ Y tôn tâm lĩnh,  Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự… Đó là các tác phẩm có giá trị lớn về y học, nhân thuật, văn học, lịch sử và triết học.

Ông rất quan tâm đến việc giáo huấn đạo đức thầy thuốc cho thế hệ sau. “Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo làm người”, câu nói đó mang hàm ý nghề thầy thuốc rất hệ trọng, nhiều khi nắm trong tay sinh – tử của con người. Vậy nên trước hết người thầy thuốc phải học và phải biết tôn trọng người bệnh cùng thân nhân của họ, sau đó mới nói đến nghiên cứu chuyên môn và thực hành chữa trị.

Ông tự cho mình “lười” quyền thế công danh, “lười” hạnh phúc riêng tư để có thời gian tự do nghiên cứu y lý và thực hành chữa bệnh, một cách rất nghiêm túc và không hề lười. Đối với đệ tử, ông răn dạy không được lười: “Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thăm mà đã cho phương, đó là tội lười”.

Ông là biểu tượng cho tinh thần hy sinh cao đẹp, suốt cả cuộc đời dành hết tâm trí, sức lực cho sức khỏe đồng loại. Không chỉ người Việt kính trọng ông mà vua quan Trung Hoa thời đó cũng đánh giá cao tài năng và đức độ của ông.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch: Nhân hậu và tài năng

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968), sinh tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, khi làm Bộ trưởng Y tế lần 2 (năm 1956) là lúc nước ta các dịch bệnh hoành hành nặng nề và kéo dài như tả, thương hàn, bại liệt, đậu mùa, sởi, ho gà, bạch hầu... Lao chiếm 4% dân số, sốt rét chiếm 80-90% dân số miền núi; các bệnh phong, mắt hột, giang mai, lậu không kiểm soát được.

Với 60 công trình lý luận khoa học, nắm bắt thành tựu y học tiên tiến thế giới áp dụng sáng tạo vào thực tế nền Y khoa Việt Nam, ông đã chèo lái con thuyền ngành Y tế non trẻ đạt được những thành công lớn lao. Hệ thống mạng lưới y tế từ trung ương tới địa phương, từ đa khoa đến chuyên khoa được xây dựng tốt. Toàn dân có ý thức bảo vệ sức khỏe, chống dịch và tự chữa các bệnh thông thường bằng thuốc Nam. Tại bệnh viện, người bệnh được điều trị miễn phí và phối hợp Đông - Tây y.
Ba năm sau, nước ta không còn đậu mùa, dịch tả, mắt hột; sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván, sốt rét, thương hàn, bại liệt được khống chế; quản lý được phong, lao; ngăn chặn bớt  giang mai, lậu. Sức khỏe toàn dân được cải thiện,  nhất là đối tượng bà mẹ và trẻ em.  

Đến thăm các bệnh nhân nặng, ông tự khám, tự soi chiếu X-quang, hiến cả máu của mình cho họ. Ông chăm lo đến tầng lớp dân lao động nghèo khó, nơi làng bản xa xôi. Trong chiến trường, ông đã quên mình cứu chữa cho các chiến sĩ và đồng bào bị thương, bị bệnh. Kiệt sức và lâm bệnh, ông ra đi, để lại sự đau đớn, xót thương cho bao đồng bào, đồng nghiệp.

Năm 1958, ông được phong là Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Y tế;  năm 1997 được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vì các cống hiến trong lĩnh vực khoa học.

Nếu bệnh viện nào có được các thầy thuốc như thế thì nơi đó sẽ trở về đúng nghĩa là nhà thương – cái tên rất đẹp thuở ban đầu của nó. Lúc đó, người bệnh khi vào bệnh viện sẽ không còn cảm thấy bác sĩ rất khó gần, khó hiểu mà chỉ còn lại sự cảm phục và lòng thương yêu.

PHẠM THỊ MAI

;
.
.
.
.
.