.
Truyện ngắn

Vũ điệu Thanh long

.

Biệt thự Hoàng Lan. Suốt đời có lẽ chẳng bao giờ tôi quên được nơi ấy. Nó như cái mốc, từ đó rẽ tâm tưởng tôi đi vào chặng đường đầy ắp hoài niệm. Những hoài niệm lúc quay quắt mê cuồng, khi bâng khuâng nhớ tiếc.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cách đây hai năm, trong một lần buồn bã, cô đơn, tôi đã vớ phải mục “Tìm bạn bốn phương” đăng trên báo. Thế rồi qua thư đi, tin lại, tôi đã quen với một phụ nữ tuổi sắp tam tuần. Tên Lệ Dung. Tôi đã không biết cụ thể nơi ở của nàng. Trong địa chỉ mượn thấy đề là “Nhờ chuyển biệt thự Hoàng Lan”. Tôi thấy thích cái tên này và tên Lệ Dung. Cả hai mang chút gì vừa buồn buồn vừa mong manh, nhẹ nhàng. Chỉ vậy thôi, còn Hoàng Lan ở đâu, Lệ Dung ra sao, tôi hoàn toàn mù tịt! Mà tôi cũng chả cần biết làm gì. Mục đích tìm bạn là thư từ lấp cho đầy khoảng trống vì “nửa đường gãy gánh” và công việc “bán cháo phổi” ngày nào cũng lặp đi lặp lại đến tẻ ngắt của mình.

Do bốc đồng sao đó, bỗng một chủ nhật tôi quyết định tìm về biệt thự Hoàng Lan, thăm Lệ Dung. Thăm một lần rồi sáng sớm mai về lại thành phố cho kịp buổi dạy chiều. Người mà suốt hai năm qua, tôi chỉ hình dung theo những cánh thư, cuộc gặp chắc chắn sẽ vô cùng thú vị. Phương Chi, một trong mấy lá thư gần đây nhất, nàng đã viết cho tôi: “Anh Tường đã bao giờ ăn… trứng rồng chưa? Nếu chưa và nếu muốn, về biệt thự Hoàng Lan, em sẽ mời anh nếm mùi thứ… trứng không dễ gì tưởng tượng ra này”. Trứng rồng? Trời ạ, ngay cả con rồng thú thật tôi cũng chưa bao giờ hân hạnh thấy được tường tận hình dáng chứ nói chi đến… trứng của nó! Chắc đó chỉ là thứ trứng của một loại rồng… đất nào, như trứng Giông chẳng hạn, mà nàng bịa ra? Với tôi, sự bịa đặt của phụ nữ là điều rất dễ chịu, luôn luôn cần phải khám phá, nên vội thu xếp lên đường về biệt thự Hoàng Lan, theo những cái trứng rồng nghe nửa thật nửa hư.

Chuyến xe đò thả tôi xuống ngã ba thị trấn muộn hơn ba tiếng so với dự định. Lại thêm bốn cây số xe ôm theo con lộ trải sỏi như chỉ dẫn trong thư của nàng. Cuối cùng anh xe ôm thả tôi xuống đúng trước nơi mình muốn đến: Biệt thự Hoàng Lan!

Sự vắng vẻ và bên ngoài phần nào hoang phế của ngôi biệt thự làm tôi vô cùng ái ngại. Đáng ra trước khi đến đây tôi nên cân nhắc thêm một chút cho cuộc phiêu lưu có hơi… dại gái của mình. Tìm bạn bốn phương theo thư từ vốn hay gặp chuyện “trời ơi”, không đàng hoàng như bạn bè thường bảo. Anh xe ôm lại cũng đã khuất cuối cua đường bụi đỏ, sau khi nở với tôi nụ cười có vẻ hơi bí hiểm. Không còn cách trở lui, tôi đành đứng lặng yên quan sát nơi đến của mình. Bên kia cổng, rào sắt là một ngôi biệt thự kiến trúc theo kiểu châu Âu với những vòm mái gô-tích. Ngôi nhà có vẻ lâu đời vì tường vôi loang lổ, mái ngói nơi xám đen chỗ bạc phếch thời gian. Bên kia cổng sắt, con đường rải sỏi dẫn vào biệt thự, cỏ hai bên liếm lan vào trông còn như một lối mòn nhỏ.

Bấy giờ tôi mới để ý đến tấm biển nhỏ đề hai chữ “Hoàng Lan” khuất sau mấy ngọn hoa leo màu tím. Trên cánh cổng đính một miếng thiếc “Coi chừng chó dữ”. Con chó đã tróc sơn chỉ còn lại mảng rỉ sét đen ngòm. Cổng sắt đã chốt trong và bên ngoài cũng chẳng thấy chuông, điện gì. Trước mặt, nơi tôi đến gần như chỗ không người ở đã lâu. Sau lưng, con đường sỏi tôi vào tuy có vẻ dịu dàng nhưng không kém phần hoang vắng dưới màu trời đã ngả chiều. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”! Giá mà mình biết trước thế này, sẽ chẳng mất công lặn lội đến đây. Giờ chẳng lẽ gọi ồm ồm lên ngoài cổng như người quen lâu ngày về? Ước lượng quảng đường nếu cắp xách chạy bộ trở lui, cũng kịp đến ngã ba xe ôm trước khi trời tối, tôi an tâm ngồi xuống tảng đá, mồi cho mình một điếu thuốc và ngắm ngôi biệt thự. Căn cứ vào kiểu dáng và mức độ cũ kỹ, biệt thự này tuổi thọ không dưới bốn mươi năm.  Vào thời ấy để xây được nó, chủ nhân ắt phải người giàu có, tiền dư bạc để. Không chừng người có chức quyền nữa đằng khác. Nếu chức quyền tức chủ nhân là người thuộc chế độ Sài Gòn. Vậy Lệ Dung con cháu gì của tầng lớp ấy? Đây là điều suốt 2 năm thư từ không thấy nàng hé ra chút gì cả.


Chợt bên hông nhà, hình như là một góc của sân sau hiện mấy chú gà tây vừa chạy vừa gật gù dẫn ra một bóng người. Tôi vội đứng dậy lại trước cổng, tằng hắng lên. Người đàn bà cũng kịp thấy tôi và chậm rãi đi ra cổng. Đó là một bà già gầy tóp, quắt queo, khoảng ngoài sáu mươi tuổi.

- Chào bác! Bác làm ơn cho cháu hỏi. Cô Lệ Dung có ở đây không hở bác?

Người đàn bà nghe như thể tôi hỏi cái trụ cổng qua ánh mắt nhìn có vẻ ngớ ngẩn, vô hồn. Nhờ trời, bà cũng cúi xuống mở cổng sau cái cười nửa như với tôi, nửa như chế giễu chính việc làm của mình. Tôi theo bà vào ngôi biệt thự. Nhìn cặp ống chân nâu mốc dưới lần quần vải đen nhăn nhúm, xếp nếp như hai cái rét-so, tôi đoán có lẽ bà là người quản gia hay giúp việc chi đó. Đưa tôi vào vòm hiên đợi mát rượi trước tiền sảnh biệt thự, bà loay hoay mở cửa. Tuyệt không hé răng một lời. Phải mấy phút sau, tay nắm cửa hột xoài bằng đồng mới vâng lời theo bàn tay run rẩy của bà. Lại một lớp cửa kính nữa. Bà mở cửa ra vào và ra hiệu mời tôi. Căn phòng khách tỏa hơi mát lạnh pha chút mùi ẩm mốc của lâu ngày không thoát được.

Khác với vẻ xù xì, loang lổ của bên ngoài, trong phòng ngôi nhà, nhất là phòng khách trông khá tráng lệ. Một bộ ghế sa-lông song nệm kiểu cổ to quá khổ, trên tường là phiên bản bức tranh khá lớn vẽ công viên mùa thu. Một tủ rượu mà đa phần là vỏ chai của những hãng rượu nổi tiếng thế giới. Chính giữa nhà treo một bộ đèn chùm pha lê… Chỉ vậy thôi nhưng được bài trí hài hòa trong phòng khách khá rộng nên trông có vẻ rất trang nhã.

Người đàn bà mời tôi ngồi thoáng chốc đã khuất vào hành lang dẫn ra phía sau. Vẫn chẳng một lời! Cũng may vào được đến đây và có người tiếp mình. Tôi lơ đãng nhìn quanh phòng khách nhưng trong trí lại cố hình dung ra người con gái mình lặn lội đến thăm, song chưa một lần biết mặt. Lệ Dung, hai bảy tuổi, độc thân, sống nội tâm, mong muốn làm quen suốt đời với bạn nam tuổi trên dưới bốn mươi, không vướng bận gia đình… Rồi qua gần hai mươi lá thư của nàng tôi chẳng biết thêm gì ngoài gia thế bất hạnh, thích nhạc tiền chiến, sự am hiểu thơ văn, triết học có phần sâu biệt và những lá thư về sau này thoảng hơi hớm nhớ nhung… Bây giờ ngồi đây, hồi suy lại, tôi thấy mình chưa biết gì nhiều về nàng. Một sự tỏ tường đủ đưa người đàn ông vượt trên hai trăm cây số tìm đến một người đàn bà. Vậy mà bây giờ mình đã ngồi chờ người nghe chừng thân thiết qua những cánh thư, nhưng xa lạ hoàn toàn nơi đến. Tôi có phần nào thú vị với cảnh ngộ và sự rỗi hơi của mình.

Mãi miên man, nhìn lại, ở cửa ngách phòng khách đã xuất hiện một cô gái. Thoạt nhìn tôi đã sững sờ vì sự khả ái của gương mặt nàng. Với cặp mắt màu hơi nâu buồn, môi hồng. Mũi thẳng vừa thanh tú vừa kiên nghị. Những lọn tóc nâu đen đài các ôm buông trễ nãi xuống má, cổ… Tất cả ở nàng tạo nên sự mỹ miều đối lập môt cách tàn nhẫn với… chiếc xe lăn bên dưới nàng! Chiếc xe lăn cho biết nàng bị thương tật gì đó ở phần chi dưới. Nàng là ai? Có phải Lệ Dung đã từng thư từ với mình đây không?

- Chào anh! Anh có phải là Tường không? -  Cùng với câu hỏi, chiếc xe lăn nhúc nhích về phía tôi.

- Vâng, tôi đây! Chị có phải là…?

- Anh muốn hỏi Lệ Dung?

Tôi gật nhẹ đầu. Cô gái bỗng cười lên khanh khách:

- Từ từ, anh đi đường xa mệt. Xin cứ nghỉ ngơi một chút rồi hẵng hay. Hãy cứ biết mình đang ở nhà Lệ Dung là được rồi, phải không anh Tường?

Tôi cười trừ. Còn biết trả lời sao trước câu nói có vẻ hoãn binh của cô gái xe lăn? Có tiếng gõ ra hiệu gì đấy và người đàn bà khi nãy xuất hiện ở hành lang. Bà ra hiệu cho tôi xách đồ đi theo bà. Tôi làm theo như một cái máy.

Khi tôi chợp mắt một lúc dậy, trời đã chiều. Bà già giúp việc hướng dẫn tôi ra vườn. Hóa ra phía sau ngôi biệt thự, nằm nghiêng thoai thoải xuống bờ sông là một vườn Thanh long bát ngát, ngay lối thẳng hàng. Bên kia sông, vầng trăng sớm đang nhô từ từ lên bầu trời. Trên bộ bàn ghế đá giữa những hàng Thanh long gần mé sông đã bày biện sẵn bữa ăn tối khá thịnh soạn. Tôi vừa ngồi xuống thì tức khắc, điện bỗng bật sáng cả một vùng. Khắp vườn, mỗi trụ Thanh long câu một bóng đèn tròn. Trong ánh điện sáng choang và qua gió thổi mát rượi từ dưới sông lên, muôn ngàn tay Thanh long vùng vẫy những trái, những hoa như đang trình diễn một vũ điệu mùa màng nào. Khu vườn bỗng chốc biến thành đêm hoa đăng. Theo lối đi lót gạch từ nhà ra, cô gái chủ nhân chầm chậm lăn xe tới ghế đá. Theo sau cô gái là bà giúp việc lễ mễ bưng một khay trái Thanh long. Loại trái màu đỏ hồng có vỏ hình hệt như vẩy rồng.

- Trứng rồng đấy!

Cô gái nói khi xe vừa đến bộ bàn ghế đá. Hóa ra trứng rồng là đây! Thứ trái của cây có thân vươn ra những cánh tay dài, lúc nào cũng như lời chào, vướng víu.

Cái thứ “trứng” lòng trắng tinh, có những hạt li ti như mè đen, vị vừa ngọt vừa mát cộng với rượu Martin lâu đời phút chốc biến tất cả xung quanh tôi lung linh huyền ảo. Bầu trời đang dìu lên vầng trăng xanh ngăn ngắt; dưới đất muôn cánh tay rồng với những búp trắng, trái xanh đang vung vẫy trong vô vàn ánh điện bên sông nước như nơi đêm hội Long Trì nào. Trong khung cảnh lãng đãng hoa đèn, tất cả đều mấp mé ở trạng thái vừa ngây ngất vừa thăng hoa theo  những lời tâm sự của chủ nhân ngôi  biệt thự.
Em là Hoàng Lan, sinh năm bảy ba. Chị em là Lệ Dung, sinh bảy mươi. Mẹ em trước là y sĩ trong căn cứ. Biệt thự này là của ông bác ruột em hiện sinh sống ở Pháp để lại. Trong thời chiến tranh chống Mỹ, mẹ em bị nhiễm chất độc gì đó khi ở trên rừng. Mười năm sau giải phóng, bà bỗng bị liệt dần ở hai chân rồi mất. Kế đến chị Lệ Dung. Khám, bác sĩ  bảo nhiễm phải chất độc này người ngoài hai mươi tuổi cứ ngày một liệt dần đi chi dưới và không thể sống quá năm năm sau đó. Khi bị liệt một thời gian, quanh quẩn với cô đơn, buồn phiền mãi cũng chán, chị Dung đã đăng báo tìm bạn bốn phương. Và anh là người được chị ấy chọn hồi âm trong số hơn trăm thư gửi đến. Những lá thư gửi đi, nhận về này hai chị em đều đọc chung. Năm ngoái chị ấy mất! Thương chị, thương anh, không đành lòng để dở dang nhịp cầu tình cảm, nên em đã thay chị cho anh. Hơn thế nữa, lúc ấy em cũng bắt đầu liệt như chị em. Viết thư cho đến ngày nào… Nhưng nếu em chết đi thì… ai sẽ tiếp tục việc này!? Chết sẽ không nhắm được mắt nếu mình còn để lại một điều gì đó gây ngạc nhiên, nghi ngờ. Còn viết điều này ra thư thì em hoàn toàn không can đảm. Nên mới có chuyện… “mời anh ăn trứng rồng” – Vả lại, em cũng cần biết mặt anh, để mai này sang thế giới bên kia, em còn tả lại cùng chị Dung. Xin anh đừng buồn. Chiến tranh là cái gì ngoài ký ức em nhưng lại có thật giữa cuộc đời bất hạnh của chị em em…

Sương đêm tháng Chạp mơ hồ từ mé sông dâng lên lập lờ quanh bàn ghế đá. Những ánh đèn nhảy múa lung linh. Những cánh tay rồng mỗi lúc thêm vung vẫy như hân hoan trước một lời nguyền nào đó cho Hoàng Lan. Lời nguyền của chiến tranh! Hoàng Lan và bà bõ già (giờ tôi mới biết là câm) giúp việc trở nên lúc xa lúc gần, thoắt ẩn thoắt hiện trước mắt tôi…

Khuya lắm, dưới vườn Thanh long đầy trăng xanh, đèn vàng ấy, tôi loáng thoáng nhớ mình đã đẩy xe lăn đưa Hoàng Lan về phòng, bế giùm nàng lên giường rồi ra ngay lại vườn với chai Martin và đĩa trứng rồng dang dở. Và rồi, như từ đổ vỡ nào đó ùa ra trong tiềm thức mình, tôi bắt đầu múa, bắt đầu giang tay uốn lượn giữa vườn theo vũ điệu Thanh long trước sự ú ớ đầy ngạc nhiên của bà bõ già. Cuối cùng tôi thiếp đi bên bộ bàn ghế đá đầy sương với chiếc mền bõ mang ra trong tiếng nhạc mơ hồ vang lên từ biệt thự: Ai lướt… đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ… bàng. Ôi… vừa thoáng nghe…

Mờ đất hôm sau, với túi “trứng rồng” bà bõ già soạn sẵn từ khuya bên bàn đá, tôi ra về lúc biệt thự Hoàng Lan còn đang say ngủ. Chỉ có những tay Thanh long vung vẫy, những mắt đèn nhạt nhòa trong sương là tạm biệt, tiễn đưa tôi.

Về thành phố, việc đầu tiên là tôi viết thư ngay cho Hoàng Lan, xin lỗi nàng về việc ra đi sớm của mình. Một thư, hai thư, rồi năm mười lá vẫn bặt hồi âm. Sự không phản hồi này khiến tôi đâm nghi ngờ đêm ở biệt thự có cái gì đó không thật, rất gần với giấc mơ. Làm sao lại có được một biệt thự cổ, một vườn Thanh long đầy hoa đèn trong một đêm trong xanh đến nhường ấy? và nhất là lại có người con gái đẹp tuyệt trần như nàng lại ngồi trên xe lăn như là sự trớ trêu của tạo hóa? Tất cả đều hoàn toàn phù hợp với giấc mơ, chỉ duy túi “trứng rồng” là có thật.

Cả năm qua rồi, không biết giờ Hoàng Lan ra sao? Vẫn lăn xe ra vào vườn Thanh long cùng bà bõ già quẩn quanh bên nàng như chiếc bóng? Hay Hoàng Lan đã không bước qua nổi số phận mình như chị nàng bởi lời nguyền quái ác của chiến tranh?! Và, chẳng hiểu sao tôi lại không có can đảm trở lại thăm nàng, dù chỉ một lần. Một lần cho vơi bớt nhớ nhung, khắc khoải luôn quặn thắt lòng mình mỗi khi nghĩ về biệt thự Hoàng Lan dạo nào với những cánh tay Rồng vung vẫy dưới trời đêm trăng xanh?!

LÊ NGUYÊN NGỮ

;
.
.
.
.
.