Theo chỗ tôi biết thì người Trung Hoa không có cái mâm. Các nước Đông Nam Á quanh ta, hoặc xa hơn như người Nhật, người Hàn cũng không khác, nghĩa là không có mâm để dọn cơm. Cùng ăn cơm, cùng dùng đũa, vậy thì cái mâm làm nên một sự khác biệt.
Ở châu Âu khi tổ chức tiệc, người có chức vụ cao nhất được xếp ngồi ở đầu bàn, chính giữa. Còn đối với người Nhật, vị trí trang trọng nhất dành cho người cao tuổi nhất không phải ở đầu bàn mà ở giữa bàn. Bàn ăn như vậy có hình chữ nhật. Hình dáng cái bàn ăn và vị trí ngồi từ bao đời nay vẫn thế, không thay đổi, có tôn ti trật tự rõ ràng.
Người Việt nói “Trời đánh tránh bữa ăn”. Quyền uy tuyệt đối như trời vẫn phải tránh bữa ăn huống chi người thường! Vậy nên không khí bữa ăn có tầm quan trọng đặc biệt đối với người Việt, quyết định chất lượng bữa ăn. Nói cách khác, trong một bữa cơm thì mọi người đều bình đẳng. Quây quần quanh một cái mâm tròn, mọi vị trí ngồi đều như nhau, không có chỗ nào quan trọng hơn chỗ nào. Mâm có nhiều loại, từ mâm gỗ mộc, mâm gỗ sơn son, mâm đồng đến mâm nhôm. Có nơi bày cơm trên một cái nia nhỏ thay cho mâm, có công năng như một chiếc mâm. Ngay cả trong trường hợp không có mâm hoặc không sử dụng mâm, khi ngồi ăn người Việt vẫn có xu hướng ngồi theo vòng tròn quanh một cái “mâm ảo”. Tất nhiên diện tích sử dụng của một cái mâm tròn hay một cái bàn tròn còn phản ánh tính thực dụng của người Việt. Ngày nay, khi bày tiệc cưới người ta vẫn sử dụng bàn tròn chính vì lý do này, xếp được nhiều người hơn. Và cuối cùng, với một cái mâm, thức ăn sẽ... đỡ tốn hơn! Giả dụ có mười người ngồi hai bên bàn hình chữ nhật, thức ăn phải sẻ ra làm hai - hai đĩa, hai tô... Nhưng quanh cái bàn tròn, cái mâm tròn thì chỉ cần một là đủ. Khi nói về mức độ của một đám cưới, đám giỗ chẳng hạn, người ta chỉ cần biết bao nhiêu mâm là đã đánh giá được đám ấy to hay nhỏ, giàu hay nghèo!
Trong một thế giới hiện đại, với những vấn đề phức tạp và tế nhị, người ta phải tổ chức hội nghị bàn tròn. Nhưng người Việt đã “bàn tròn” như vậy từ ngày xửa ngày xưa, quanh một cái mâm.
THẢO LY