Để có những chuyến tàu vươn khơi đánh cá, nhiều tàu phải ghi nợ ở các cơ sở sản xuất đá, cây xăng dầu và chủ yếu là vay qua các đầu nậu; khi cá về bến cũng phải bán qua đầu nậu trả nợ. Mối quan hệ chủ tàu-đầu nậu phụ thuộc lẫn nhau về mọi mặt. Vì thế, với nhiều chủ tàu, có những chuyến đi được xem là “trúng đậm” cũng chưa thể đem lại niềm vui cho họ.
Nhập hàng cá hố ở Công ty Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Thọ Quang. |
Thiệt đơn, thiệt kép
Kết thúc chuyến biển kéo dài 4 ngày, tàu cá của cha con em Hồ Quang Linh ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đánh bắt được hơn 5 tấn cá thu, cá phèn, cá giấm. Số tiền thu về hơn 100 triệu đồng. Nhưng theo Linh, chi phí cho chuyến đi đã mất 80 triệu, số còn lại chia cho 13 thuyền viên và chủ tàu nên cũng không được bao nhiêu.
“Bán cá qua đầu nậu nên tàu chỉ thu được chừng đó, tức tàu bị giảm thu nhập khoảng 10-20 triệu đồng/chuyến. Nhưng các tàu phải chấp nhận, đặc biệt là tàu ngoại tỉnh như bọn em”, Linh chia sẻ. Hầu hết những tàu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… đều bán cá qua đầu nậu. Buộc phải qua đầu nậu bởi các tàu thiếu vốn để sắm ngư lưới cụ, chuẩn bị dầu, đá, thực phẩm, thuốc men… trước khi ra khơi. Nguồn vay sẵn sàng nhất, dễ nhất là qua đầu nậu. Bù lại, khi tàu về cảng thì đầu nậu sẽ là người quyết định thời điểm mua cá, giá mua. Về thực quyền thì chủ tàu cũng không có bao nhiêu với nguồn hàng của mình.
Có tàu có một nậu, nhưng nhiều tàu cũng có 2-3 đầu nậu, tùy vào loại cá mà họ đánh bắt được và chủ nậu đó chuyên thu mua loại nào. Như với tàu QNg 48… về bến Thọ Quang và bắt đầu dỡ cá bán từ 2 giờ sáng với loại cá ngừ cho bà B., một chủ nậu. Sau cá ngừ, các thuyền viên nghỉ khoảng 2-3 tiếng, chờ đến 7 giờ sáng mới bắt đầu bán cá cờ, nhám là những loại cá lớn, mỗi con nặng 50-70 kg cho một chủ nậu khác.
Chủ tàu cá QNg 50… cho biết, những khi được mùa, tàu về nhiều, tàu nào cũng đầy ắp cá thì dù đã qua nậu nhưng bán được cá là cả một vấn đề. Có thể tàu về bến, chủ nậu không muốn cân cá ngay, tàu phải nằm bến chờ 2-3 ngày mới bắt đầu dỡ cá, lúc đó chi phí phải đội lên để mua đá ướp cá, chất lượng cá cũng giảm. Và một điều tất yếu là chất lượng giảm thì giá cá cũng giảm theo, có khi giảm vài nghìn đồng một kilôgam. Nếu tính cho một tàu cả chục tấn cá thì số tiền bị mất không hề nhỏ.
“Cô ấy lời 2, tôi cũng phải lời 20!”
Đó là lời bà B., một chủ nậu mới “vào nghề” chưa lâu ở Cảng cá Thọ Quang. Bà B. chỉ thu mua trực tiếp ở các tàu một loại cá duy nhất là cá ngừ. Các loại cá khác, bà mua qua các chủ nậu khác. Khi được hỏi sao chị không mua trực tiếp từ tàu, bà bảo: “Mỗi người thu mua một kiểu, cô ấy (một chủ nậu tên N.) mua cá lớn từ tàu (các loại cá nhám, cá cờ), bán lại cho tôi. Cô ấy lời 2.000 đồng/kg, tôi mua và bán lại, cũng lời chừng đó”. “Nhưng 2.000 đồng thì đâu có nhiều?” Bà B. trợn mắt nhìn tôi, như nhìn một kẻ “ngoại đạo”: “2.000 đồng mà với mấy tấn cá là nhiều lắm em ơi. Có thể cô ấy lời 2 triệu, nhưng tôi phải lời 20 triệu!”.
Một chủ đầu nậu (ngoài cùng, bên phải) đang thu mua cá cờ của tàu QNg 48056. |
Và vợ chồng bà B., dù mới vào nghề chưa lâu, đã thuê 50-60 nhân công làm việc. Nhờ có vốn lớn, những loại cá mua được, một phần bà B. cân bán cho các công ty; một số bà lưu kho chờ ngày được giá sẽ bán. Làm ăn với nghề biển mà xây cả kho đông lạnh như vợ chồng bà B., số này ở Cảng cá Thọ Quang vẫn chưa nhiều. Có thể khi đến mùa trăng, lượng cá giảm, tàu về bến rất ít, những lúc đó bà B. sẽ xuất kho bán cho các công ty, giá cá sẽ đẩy lên khá nhiều so với giá bà mua ở bến, và không chỉ lời 20 triệu, con số ấy có thể nhiều hơn nữa.
Cách buôn cá từ đầu nậu này qua đầu nậu khác -trước khi đến tay những người cần cá thực sự - khiến giá cá có thể bị đẩy lên khá cao so với giá thành ban đầu mà các chủ tàu đưa ra (tất nhiên phải theo giá thị trường qua từng buổi chợ). Và phải qua rất nhiều đầu mối trung gian, giá cá cứ thế nhích dần lên, có thể chỉ 500 đến 1.000 đồng/kg, nhưng số tiền ấy vào túi những đầu nậu, những người có tiền “tươi”, vốn lớn để thực hiện việc mua bán. Người bị thiệt đầu tiên là các chủ tàu và ngư dân nói chung, những người đối mặt trực tiếp với gió, với sóng, với bão tố, mưa sa, để đưa được sản vật của biển về với đất liền.
Có trên 20 chủ nậu hoạt động ở bến cá Thọ Quang, hầu hết là phụ nữ. Có người gần như gắn cả tuổi xuân của mình với cá, với bến. Chị Mỹ, nhà ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà cho biết chị ra bến từ ngày cảng còn ở Thuận Phước, lúc đó mới 16, 17 tuổi, giờ đã gần 50; làm đầu nậu của gần 15 tàu cá. Mỗi ngày ra bến từ 7-8 giờ tối, đến sáng hôm sau 9 - 10 giờ mới về đến nhà. Mùa biển động, cá ít thì chủ nậu cũng “nghỉ khỏe”. Chị Mỹ cho rằng nghề đầu nậu “của một đồng nhưng công một nén”; nguồn thu khá, nhưng nếu ngư dân gặp bão, gặp các sự cố trên biển gây tổn thất thì chủ nậu cũng “mất trắng”. Nhưng có lẽ mấy ai chịu mất trắng, họ sẽ “ghi sổ” để những chuyến biển sau, cá sẽ trừ dần số nợ. Nên có lẽ nghề biển là một trong những nghề chịu nhiều bấp bênh, nguy hiểm và sản vật từ biển với nguồn tài nguyên phong phú chưa bao giờ giúp ngư dân làm giàu theo đúng nghĩa.
Ngư dân Đà Nẵng “ăn chắc, mặc bền”
Vừa cân xong kho cá, ông Lê Văn Tứ, chủ tàu ĐNa 90011 ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê mừng ra mặt vì chuyến biển này trúng, ông bán được hơn 300 triệu tiền cá. Giá cá cờ ông bán đợt này được 40.000 đồng/kg, cá nhám 60.000 đồng/kg, cá ngừ 32.000 đồng/kg; khá cao so với những tàu ngoại tỉnh bán cá qua đầu nậu phụ thuộc. Trừ hết chi phí, anh em thuyền viên có một khoản tiền trên 5 triệu đồng/người. Cứ sau mỗi chuyến biển 20 ngày, khi tàu về bến, vợ con ông cùng ra cảng bán cá. Ông chọn cách tự bán cá cho đầu nậu, đầu nậu nào đưa ra giá hợp lý, ông sẽ bán cho người đó, đúng kiểu thuận mua vừa bán. Các chủ tàu cũng khó bán trực tiếp qua công ty vì các công ty thường thu mua số lượng lớn, mặt hàng ổn định, trong khi tàu ông công suất 150 CV, mỗi chuyến chỉ đánh được trên dưới chục tấn. Ông Tứ cũng như hầu hết chủ tàu ở Đà Nẵng đều tự bán cá mình làm ra, không qua đầu nậu bởi mỗi chuyến biển mất khoảng 10 triệu đồng giá chênh lệch qua nậu sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của chủ cũng như người làm công. Vốn thiếu, họ sẽ vay mượn của bà con, bạn bè.
Không phụ thuộc vốn là giải pháp làm ăn bền vững và khá hiệu quả. Lý giải vì sao giá cá bán ra khá thấp so với thực tế thị trường, ông Tứ cho rằng Đà Nẵng là cảng khá lớn, tập trung nhiều tàu cá nhưng chưa có một nơi tập trung đầu mối nên phải qua đầu nậu là điều tất yếu.
Ông Phạm Vũ Bảo Quốc, Trưởng phòng Kế hoạch-Sản xuất-Kinh doanh, Công ty (CT) Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Thọ Quang cho rằng các CT xuất nhập khẩu thủy sản không thể chủ động được tình hình nguyên liệu khi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngư trường, công suất tàu, thời tiết... Mỗi CT có quy định riêng trong thu mua nguyên liệu, nếu nguồn hàng ít, người đi thu mua sẽ tự nâng giá để có đủ nguyên liệu sản xuất. Sự liên kết giữa các CT để có một đầu mối nguyên liệu, như kiểu một trung tâm đấu giá thủy sản là rất khó thực hiện khi các công ty (Nhà nước hay tư nhân) chưa đồng nhất cơ chế… |
Phóng sự: HOÀNG NHUNG