.
Chuyện xưa xứ Quảng

Rạn Nam Ô, của quý trời cho

.

Cách trung tâm làng Nam Ô khoảng 2km về hướng đông nam, cách bãi biển khu du lịch Xuân Thiều (Red Beach) chừng 600 – 700m về hướng đông có một dải đá ngầm, ngư dân trong vùng gọi là rạn Nam Ô.
 

Toàn cảnh núi gành Nam Ô, nơi được cho là một đầu gánh đá ngày xưa đổ xuống. (Ảnh: V.T.L)
Toàn cảnh núi gành Nam Ô, nơi được cho là một đầu gánh đá ngày xưa đổ xuống. (Ảnh: V.T.L)

Rạn Nam Ô rộng chừng 2ha, chia thành 2 cụm là rạn Cả và rạn Con. Rạn Cả chạy theo hướng tây tây bắc – đông đông nam, dài chừng 300m, rộng độ 50m, đá ngầm phân bố dày đặc, đá chồng lên đá, lô nhô có chỗ sâu 6-7m, có hòn cao cách mặt nước chừng non sải tay. Rạn Con nhỏ hơn, nằm song song và bằng nửa rạn Cả. Giữa 2 rạn có một lạch con (dân địa phương gọi là “lòng thong”) rộng chừng 20m.

Ngày xưa nơi đây là một ngư trường lộng lý tưởng của ngư dân Nam Ô cũng như dân đánh cá quanh vịnh Đà Nẵng (còn gọi là Vũng Thùng, vũng Trà Sơn). Bởi rạn mọc nhiều rong tảo, nên là nơi sinh sản và trú ngụ của nhiều loại cá theo mùa – từ loại cá dò, cá cơm, cá ve để làm mắm đến các loại cá lớn như cá nhồng, cá nhám, cá thu cũng thường tập trung ở đây, lại có cả những loài cá bản địa từ rạn sinh ra và sống ở rạn.

Vì thế, ngư dân quanh vùng xem rạn như một kho hải sản dồi dào và thường khai thác nguồn lợi bằng nhiều loại nghề như lưới, câu, mành, giả, bủa giăng, kéo cào… rồi hể hả với kết quả bội thu.

Nhưng, đồng thời với miếng ăn ngon ấy vẫn có những miếng cay đắng chực chờ. Mặc dù, nhiều người cũng tự hào là biết rành từng hòn đá nhỏ, đá to bám đầy san hô sắc bén cũng không tránh khỏi bị “mắc rạn” bởi trái gió, nghịch nước bất ngờ.

“Mắc rạn” là lưới mành bị mắc vào đá ngầm, đó là một thiệt hại lớn đối với ngư dân ngày xưa, bởi lúc đó muốn thay thế lưới mành không thuận lợi như bây giờ. Ngày trước muốn tậu một dàn mành, ngư dân phải đan lưới thủ công suốt 2-3 năm.
Khi ngư dân trải mành trên bãi cát trước làng giữa trưa nắng chang chang, người ta che lều, túm tụm kẻ vá người khâu, khắc phục cho mành sớm lành lặn kịp ra khơi, thì cũng là lúc chúng tôi được nghe truyền thuyết về Rạn – dải đá ngầm ấy.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có vợ chồng ông bà thợ trời được Ngọc Hoàng Thượng Đế sai đào biển đắp non. Chồng tên Ba Viên, vợ tên Bà Nà. Hai người cần cù gánh đá từ biển phía đông về núi phía tây, ngày qua ngày, núi càng cao, càng lớn.

Một hôm, bà đã gánh đến chân núi mà chưa thấy bóng dáng ông đâu, bèn để đôi sọt đầy đất đá chống đòn gánh đứng chờ. Bỗng nghe từ biển vang lên tiếng ầm ầm như động đất, bà bỏ quang gánh vội chạy về phía biển xem sao. Đến nơi thấy ông cầm chiếc đòn gánh gãy, miệng mếu như khóc, bà hỏi vì sao? Ông bảo: Thấy núi bà đắp đã cao mà núi tôi còn thấp, tôi bèn tăng lượng đá lên gấp đôi nên đòn gánh gãy...

Chuyện đắp non bất thành, hai vợ chồng bị Thượng Đế triệu hồi về thiên đình. Hai đầu gánh đá đổ giữa đường, một đầu thành làng Nam Ô với núi đá Xuân Dương và núi gành Nam Ô, đầu kia thành rạn Cả và rạn Con.

Các cụ khi kể đến đây, không quên đưa tay chỉ về hướng tây dẫn giải: Núi Ba Viên thấp hơn núi Bà Nà. Còn 2 hòn gọi là núi Đụn trên Hòa Ninh nhìn từ biển như hai thúng đất rất cân đối là đôi quang gánh mà người vợ là Bà Nà còn để lại chưa kịp đắp thêm cho núi mang tên mình cao hơn...

Ngày nay rạn Cả, rạn Con vẫn còn đó. Nhiều người không biết nó ở đâu nhưng đến những ngày biển động sóng lớn, từ xa ai cũng thấy, nếu ở khu du lịch Xuân Thiều thì càng ngoạn mục hơn. Giữa một vùng biển xanh trong vịnh Đà Nẵng, sóng bạc đầu nổi lên trùng điệp, trải dài trắng xóa cả một vùng, dưới chân sóng là dải đá ngầm khu rạn ấy. Từng đợt sóng khởi đầu và kết thúc sau khi qua khỏi rạn tạo thành một vườn hoa sóng biển trắng tinh trước mặt khu du lịch Xuân Thiều. Thật thú vị.

Ngày nay, rạn Cả, rạn Con không còn là ngư trường lộng lý tưởng nữa. Rạn giờ là dải đá ngầm trọc đầu, không rong mọc tảo bám nên các loài cá cũng đã lánh xa. Người dân địa phương bảo sự ô nhiễm của vịnh Đà Nẵng là nguyên nhân, nhưng còn một nguyên nhân đáng lên án hơn, đó là hằng ngày từ vài chục năm nay nhiều người đã dùng chất nổ đánh cá trên đám rạn ấy. Nếu ai rảnh ngồi nghe và đếm thì cũng đến vài chục lần mỗi ngày. Nếu ai siêng mà lặn xuống khảo sát thì sẽ biết rạn Nam Ô bể nát cỡ nào.

Nên chăng các ngành chức năng đưa vào quản lý và khai thác rạn Nam Ô? Hãy cho dải đá ngầm này có thời gian tái sinh rong, tảo mơ để các loài cá bản địa lại tung tăng khoe màu sắc, các loài cá khách lại về.

Khu du lịch Xuân Thiều có rạn Nam Ô nằm trước mặt như một món quà quý giá thiên nhiên ban tặng. Nếu không biến dải đá ngầm rộng hơn 2ha ấy thành sản phẩm du lịch được thì tiếc quá!...

ĐẶNG PHƯƠNG TRỨ

;
.
.
.
.
.