* Theo tôi biết thì hình như thư viện nào cũng đóng dấu sách ở trang đầu và trang 17. Đây là do thói quen hay do một quy định nào đó? (Nguyễn Thị Hằng, Hòa Vang, Đà Nẵng).
- Việc đóng dấu sách ở trang đầu và trang 17 xuất phát từ kỹ thuật in ấn và cách bảo quản sách của thư viện.
Trước hết, hãy làm quen với một số thuật ngữ ngành in.
Bình trang (còn gọi là bình bản) là sắp xếp các trang trên một tờ giấy in lớn để sau khi in xong, ta gấp tờ in theo một thứ tự nào đó thì sẽ được một tay sách. Nhiều tay sách ghép lại thành ruột sách.
Mỗi tay sách (còn gọi là ca-yê, phiên âm tiếng Pháp cahier, nghĩa thông thường là quyển vở, nghĩa trong ngành in là tay, tập) thông thường có 4, 8, 16 hoặc 32 trang. Số trang của mỗi tay sách nhiều hay ít tùy thuộc vào khổ sách thành phẩm và độ dày của giấy. Nếu giấy dày quá thì chỉ có thể gấp một vạch (một lần) thành 4 trang, hoặc 2 vạch vuông góc thành 8 trang, hoặc 2 vạch song song thành 6 trang. Như thế, để dễ bình trang thì tổng số trang của cuốn sách đem in phải là bội số của 4. Số trang sách luôn được đánh theo nguyên tắc: trang chẵn nằm bên trái, trang lẻ nằm bên phải.
Đối với các quyển sách ở thư viện (thường có khổ bình quân 15 x 21cm), khi in người ta tính mỗi tay sách 16 trang. Như thế, với loại sách này, trang 1 là mở đầu của tay sách thứ nhất và trang 17 là mở đầu của tay sách thứ hai, người ta đóng dấu tại hai trang này để giữ dấu sách. Thường thì tay sách thứ nhất rất dễ bị long khỏi cả quyển, nếu có dấu đóng ở trang 17 thì vẫn có thể tra cứu lại gốc tích của cuốn sách.
Cách đóng dấu sách này không có văn bản nào quy định, chỉ là theo thói quen và trở thành quy ước bất thành văn.
Anh em cọc chèo
* Vì sao người ta gọi những người cưới các chị em ruột là anh em cọc chèo? (Lê Ngọc Vũ, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân, NXB Khoa học Xã hội, 1997) giải thích: Anh em cọc chèo chỉ những người làm rể ở một gia đình, người lấy chị, người lấy em.
Thông thường khi buộc các mối dây thì phải buộc cho chặt, cho cứng mới có tác dụng. Tuy nhiên, mối dây buộc cái cọc chèo là ngoại lệ: phải buộc lỏng lẻo, xộc xệch thì mái chèo mới hoạt động dễ dàng, qua lại, lên xuống được thuận lợi, muốn lấy ra hay lắp vào cũng rất dễ dàng.
Cũng là mối cột buộc nhưng cột chèo chẳng giống ai, nó lỏng lẻo và muốn tháo ra lúc nào thì tháo. Từ đó có thành ngữ “anh em cột chèo” (còn gọi là “anh em cọc chèo”) để nói rằng anh em rể tuy mang tiếng là anh em, nhưng ràng buộc ấy lỏng lẻo và có thể cởi bỏ một cách dễ dàng.
Nói thêm, tục ngữ miền Nam có câu: Mũi dại lái chịu đòn. Người con trai lấy con gái út là “chèo mũi”, lấy con gái đầu là “chèo lái”.
Người miền Bắc gọi anh em “đồng hao” - từ Hán Việt, tên chỉ rau tần ô, tức là rau cải cúc, loại rau rất dễ mọc và thường mọc hoang ngoài ruộng. Rau có rễ nhiều nhưng rất nhỏ, chỉ mọc là là mặt đất, chỉ một cơn gió lớn là nghiêng ngả, người ta đi qua đi lại vô ý vấp là tróc gốc rễ lên liền. “Anh em đồng hao” ý nói: anh em rể, tuy là anh em nhưng rất mỏng manh, dễ nhổ và dễ đứt.
Cách gọi chung nhất là “anh em bạn rể”, bởi anh em mà không hẳn là anh em (vì không cùng huyết tộc), bạn hữu mà không ra bạn hữu (vì vẫn gọi anh em theo tôn ti trật tự).
ĐNCT