.

Đặt trẻ em làm trung tâm

.

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, hàng triệu trẻ em đang sinh sống ở các thành phố trên khắp thế giới phải chịu cảnh bất công bởi các em không được sử dụng những dịch vụ cơ bản nhất. UNICEF kêu gọi các chính phủ hãy đặt trẻ em làm trung tâm trong kế hoạch phát triển đô thị và cải thiện dịch vụ cho tất cả mọi người. Giờ đây, phần lớn trẻ em trên thế giới được sinh ra và lớn lên ở các thị xã, thành phố hơn là ở các vùng nông thôn.

Trẻ em đang chờ lấy nước ở thủ đô Kinshasa, CHDC Congo.
Trẻ em đang chờ lấy nước ở thủ đô Kinshasa, CHDC Congo.

Trong báo cáo về trẻ em thế giới 2012, UNICEF cho biết có hàng trăm triệu trẻ em sống ở các khu ổ chuột trong thành phố đã không được tiếp cận những dịch vụ cơ bản, từ nước sạch cho tới giáo dục. Giám đốc điều hành UNICEF, Anthony Lake, cho biết “Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng những trẻ em nghèo nàn nhất thế giới chỉ có ở những khu vực nông thôn xa xôi tại vùng cận Sahara, châu Phi. Nhưng không phải, giờ đây hàng triệu trẻ em sống tại các khu ổ chuột ở thành phố đã bị đẩy xa những tiện nghi cơ bản nhất của cuộc sống. Các em ở thành phố giàu có nhưng không được đi học và không được chăm sóc y tế một cách tử tế”.

Dự kiến tới năm 2050, có khoảng 70% dân số thế giới sống ở đô thị. Có nhiều người chuyển tới ba thành phố sinh sống trong cuộc đời của họ nhưng họ chỉ toàn ở những khu ổ chuột: bẩn thỉu, mất an ninh, nghèo đói, ô nhiễm, tội phạm... Ở châu Phi, tỷ lệ đó hiện nay là cứ 10 người có 6 người sống ở khu ổ chuột.

UNICEF cảnh báo tình trạng tính trung bình đã làm cho chính quyền các thành phố không thấy rõ được thực tế của đời sống người dân đang có sự giãn nở mạnh giữa người giàu và người nghèo. Tình trạng di cư từ nông thôn lên thành thị quá nhanh cũng làm cho cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện không kịp đáp ứng cũng là một phần nguyên nhân đẩy trẻ em nghèo ra xa hơn nữa. Những gia đình sống tạm hay khu ổ chuột còn phải chịu cảnh trả giá cao hơn bình thường cho những dịch vụ cơ bản. Chẳng hạn như nước chưa hẳn đã là nước sạch nhưng phải trả cho các “đầu nậu” số tiền gấp nhiều lần so với mức quy định của chính quyền sở tại.


Nhiều thành phố đang cố gắng cải thiện điều kiện sống cho trẻ em nghèo thành phố khá hiệu quả và đáng để học tập. Tại Nairobi (Kenya), thanh-thiếu niên được hỗ trợ thông tin về các chương trình phát triển nhằm giúp các em có cơ hội học tập và làm việc tốt hơn. Một dự án ở Johannesburg (Nam Phi) cho phép trẻ em từ 10 tới 14 tuổi đề xuất hướng phát triển cho những khu vực nguy hiểm nơi các em sinh sống. Cuộc sống trẻ em ở Rio de Janeiro và Sao Paolo (Brazil) được cải thiện hơn nhờ hạ tầng được đầu tư mạnh. Tỷ lệ trẻ em biết chữ ở Cotacachi (Ecuador) ngày càng cao hơn. Trẻ em được khuyến khích làm giấy khai sinh ở Ciudad Guayana (Venezuela)...
 

ANH THƯ

;
.
.
.
.
.