.

Để thành phố Đà Nẵng văn minh

.

LTS: Với chủ đề “Báo Đảng góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại”tại Hội thảo báo Đảng của 5 thành phố trực thuộc Trung ương do Báo Sài Gòn Giải phóng đăng cai vào ngày 17-3 tại TP HCM, đồng chí Mai Đức Lộc, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng có bài tham luận. ĐNCT giới thiệu lại phát biểu này.
 

Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nói chuyện với lãnh đạo Báo Đảng các thành phố trực thuộc Trung ương tại Hội thảo. 		          Ảnh: VĂN NỞ
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nói chuyện với lãnh đạo Báo Đảng các thành phố trực thuộc Trung ương tại Hội thảo. Ảnh: VĂN NỞ

Thực tế phát triển đất nước sau 25 năm đổi mới đang đặt ra những vấn đề mới, vừa bức thiết vừa căn bản, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận mới và giải quyết vấn đề khác với cách nghĩ cũ. Chủ đề “Báo Đảng góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại” là một cố gắng đúng nhằm cung cấp những phân tích và thảo luận cần thiết cho một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay. Với tư cách là cơ quan của Đảng bộ thành phố, tiếng nói của chính quyền và nhân dân thành phố, báo Đảng có vai trò đặc biệt trong việc chuyển tải thông tin, định hướng dư luận và hình thành tâm trạng tích cực được thể hiện ở những khía cạnh chính sau đây:

1. Báo chí góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội: Sự đồng thuận này phải dựa trên sự phản ánh kịp thời, chính xác các sự kiện xảy ra đồng thời cung cấp những phân tích sắc sảo các chủ trương, biện pháp của lãnh đạo thành phố theo hướng ủng hộ cái mới, cách làm mới. Thực tế 15 năm của Đà Nẵng sau khi trực thuộc Trung ương là một quá trình nỗ lực bền bỉ nhằm tạo ra sự tăng trưởng, nhưng có lẽ không phải chỉ là sự thay đổi về mặt số lượng các chỉ số kinh tế, mà quan trọng hơn là góp phần tạo ra sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân về các chủ trương, cách làm của thành phố mà không phải ngày một ngày hai dễ dàng có sự nhất trí rộng rãi.   

Với diện tích 1.255km2, trong đó riêng huyện Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm bất hợp pháp năm 1974 hơn 305km2, dân số gần 1 triệu người. Trong quãng thời gian ngắn ngủi 15 năm, Đà Nẵng có sự thay đổi sâu sắc. Có lẽ, vùng đất “chưa mưa đã thấm” này được biết đến bởi những câu chuyện từ thành phố “5 không” (không có hộ đặc biệt nghèo; không có trẻ em bỏ học vì nghèo; không có người lang thang xin ăn; không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; không có giết người để cướp của) đến chương trình “3 có” (có nhà ở; có việc làm; có nếp sống văn hóa văn minh đô thị). Từ chỗ cả thành phố chỉ có hơn 360 con đường có tên, sau 15 năm tăng lên hơn 1.260 con đường có tên.

Hầu như tất cả con đường nội thị đều được cải tạo, mở rộng, hàng trăm con đường rộng và đẹp được xây mới. Đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa được xem là một trong số những con đường ven biển đẹp nhất hiện nay. Diện mạo của thành phố thay đổi toàn diện, cuộc sống của người dân được cải thiện. Cái khó nhất có lẽ không phải là việc chỉnh trang đô thị, dù đó là công việc khổng lồ. Trong hơn 10 năm, Đà Nẵng đã di dời, giải tỏa, bố trí lại chỗ ở mới cho gần 98.000 hộ, chiếm 1/3 tổng số hộ dân thành phố. Đã có hàng trăm khu dân cư mới được hình thành.

Cái khó nhất có lẽ là việc hình thành nếp sống thị dân, văn minh. Câu “quê em từ xã lên phường” một mặt nói lên sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này, mặt khác phản ánh yêu cầu mới hình thành phong cách, văn hóa đô thị không thể một sớm một chiều tự nhiên mà có được. Nhiều chủ trương đã được ban hành, nhiều biện pháp đã được triển khai để có sự ngăn nắp, trật tự. Ở đây cần nhấn mạnh rằng vấn đề quan trọng là phải có ý tưởng mới, nhưng để tạo sự chuyển biến trong thực tế thì biện pháp tổ chức thực hiện có ý nghĩa quyết định. Có rất nhiều chủ trương, biện pháp nhằm hình thành nếp sống văn minh đô thị, như chuyện tổ chức thành công hằng năm Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế; nghiêm cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố du lịch, nghiêm cấm nạn ăn xin và ăn xin biến tướng; cán bộ, công chức không được đi học trong giờ hành chính; giúp người dân làm nghề nhặt rác chuyển đổi ngành nghề. Ít ai biết rằng, trong các hàng ăn trên địa bàn đều có câu “Xin quý khách bỏ rác vào giỏ” là một chủ trương trong Nghị quyết của HĐND thành phố. Tất cả nỗ lực của chính quyền và người dân đều không nằm ngoài việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Và chúng tôi có thể tự hào để nói rằng, Báo Đà Nẵng cùng với việc cung cấp thông tin còn có rất nhiều bài viết phân tích mà mục đích là làm cho trong Đảng và người dân hiểu và ủng hộ các biện pháp mà trong thực tế nhiều khi rất khó giải quyết này.

Để có được một thành phố hướng đến văn minh, không thể chỉ bắt đầu từ những câu khẩu hiệu hoặc cách làm sáo mòn. Quan trọng không chỉ là có ý tưởng mới mà còn là tìm ra được cách làm mới, phải có quyết tâm chính trị. Nhiều khi chỉ là một việc làm tưởng chừng nhỏ nhưng nếu không kiên trì thì sẽ rơi vào im lặng. 

2.  Như vậy báo Đảng không thông tin cách thụ động mà cần thiết phải có sự phân tích và phản biện. Để có một đô thị văn minh báo chí cần thiết phải có các phản ánh và phân tích thuyết phục, nhất là những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển. Theo gợi ý của Ban Biên tập Báo SGGP, chúng tôi xin phép nói thêm về chuyện nhập cư. Không lãnh đạo nào ngây thơ “đóng cửa” với dân nhập cư. Ai đó nói rằng Đà Nẵng tư duy “sau lũy tre làng” có lẽ chỉ nghĩ một phía của vấn đề theo kiểu dân túy. Ai cũng biết để bảo đảm cuộc sống có chất lượng cao hơn không thể không kiểm soát sự bùng nổ dân số. Trong 10 năm qua, bình quân tăng dân số cơ học ở Đà Nẵng khoảng 7 - 8%/năm. Diện tích hẹp, tài nguyên thiên nhiên hạn chế, mật độ dân số cao. Để có được Đà Nẵng phát triển hôm nay, không thể phủ nhận sự đóng góp tận tụy của hàng trăm GS, TS, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, hàng chục ngàn công nhân kỹ thuật lành nghề từ mọi miền đất nước hội tụ về. Đà Nẵng đang rất cần sự “nhập cư” của những đối tượng này, càng nhiều càng tốt.  

Đà Nẵng phát triển và đang phấn đấu là thành phố môi trường đúng nghĩa, đòi hỏi phải có cách làm phù hợp. Với diện tích tự nhiên gần 1.000km2, hệ thống kết cấu hạ tầng, bệnh viện, trường học, chợ búa... chỉ đáp ứng một quy mô dân số cho phép thì bắt buộc phải lựa chọn: hoặc “tự do” đến, hoặc buộc phải chấp hành sự phân bổ dân cư theo Luật Tổ chức HĐND.  Cũng cần lưu ý là các đô thị lớn trên thế giới có sự quản lý văn minh đều có chính sách nhập cư chặt chẽ. Không thể chấp nhận cảnh 37 người chen chúc nhau trong một “nhà” chưa tới 30m2. Trước đây hơn 10 năm, Đà Nẵng là địa phương duy nhất thông qua quy định bất kể đối tượng nào đua xe thì đều bị tịch thu xe bán lấy tiền ủng hộ xây nhà cho người nghèo. Cả thành phố hoan nghênh. Từ đó, có lẽ Đà Nẵng là thành phố duy nhất không có nạn đua xe trái phép.

Dĩ nhiên cũng đã có việc “tuýt còi” cho rằng Đà Nẵng làm sai luật. Bởi chẳng có luật nào quy định tịch thu xe đua bán sung công quỹ, làm nhà cho người nghèo. Nhưng Đà Nẵng, vì quyền lợi chính đáng của người dân, vì môi trường văn minh, vẫn xin được tiếp tục thực hiện cái việc chẳng đặng đừng ấy, bởi cũng chẳng có luật nào cho phép đua xe gây chết người như vậy. Nếu chúng ta sớm kiên quyết với nạn đua xe thì có lẽ đã không có hàng trăm người dân phải chết hoặc tàn phế. Thực tế quản lý đô thị Việt Nam đang đặt ra một cách bức bách những hình thức quản lý mới. Sự bất cập trong quản lý đô thị gợi ra rất nhiều điều cần sửa đổi, hoàn thiện cả về mặt thể chế pháp luật, cả về mặt tổ chức triển khai. Cũng cần nhấn mạnh rằng, Đà Nẵng không “cấm cửa” tất cả dân ngoại tỉnh, mà chỉ hạn chế một số đối tượng nhất định, trong đó có những người có nhiều tiền án, tiền sự. Và Đà Nẵng chỉ hạn chế nhập cư vào những quận nội thành, nơi dân số hiện đã quá đông, còn ở ngoại thành thì không hạn chế. Một xã hội văn minh không thể không tìm cho mình cách giải bài toán nhập cư phù hợp, dù biết rằng có thể không thỏa mãn tất cả. Đến hôm nay chúng tôi vẫn tin rằng cách làm của thành phố là đúng.

Ảnh: MINH TRÍ
Đường Bạch Đằng, Đà Nẵng.                                                      Ảnh: MINH TRÍ

3. Ai cũng biết mức sống quyết định lối sống, nhưng lối sống văn minh là kết quả tổng hòa của rất nhiều yếu tố, trong đó chính quyền phải có các biện pháp cụ thể, quyết liệt, có ý tưởng mới nhưng phải được sự hưởng ứng của người dân, và người dân chỉ đồng tình khi họ bảo đảm được quyền lợi chính đáng trước các biện pháp của chính quyền. Đã đến lúc cần nghiêm túc trả lời những câu hỏi của thực tế bức bách về quản lý đô thị, nhất là các biện pháp mới nhằm xây dựng một thành phố văn minh. Thực tế phát triển đô thị mới đòi hỏi sự quản lý mới. Những gì Đà Nẵng làm đều hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống, hướng đến “một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.

Có thể xem là hạnh phúc cho chúng tôi khi có một vấn đề chưa đúng, chưa hay xảy ra trên địa bàn được phản ánh trên Báo Đà Nẵng đều được lãnh đạo thành phố ghi nhận và xử lý. Đó có thể chỉ là một việc nhỏ như bảng tên đường viết sai chính tả, một đống xà bần tồn tại giữa phố mà không được thu dọn... cho đến những vấn đề lớn như việc phê phán sự chậm trễ giải quyết nguyện vọng của nhân dân; chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng các tuyến đường ở khu dân cư; sự sẻ chia với người nghèo, hướng đến xóa nghèo bền vững, hoặc gần đây như việc Đà Nẵng bị tụt xuống hạng 5 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sau 3 năm liền đứng thứ nhất,   báo Đà Nẵng phản ánh và có nhiều bài phân tích đậm nét và xác đáng.

Một chủ trương chỉ được coi là tốt khi có được sự đồng tình của người dân.  Mười lăm năm từ sau ngày trực thuộc Trung ương, nếu hỏi cái “được” lớn nhất của Đà Nẵng là gì? Câu trả lời từ những con đường bình yên, những đêm pháo hoa rực rỡ, những cần mẫn của người dân của thành phố này là: lòng dân. Phải chăng đó là cội nguồn của một đô thị văn minh? Báo  Đà Nẵng đã hoàn thành nhiệm vụ tạo sự đồng thuận tích cực trong Đảng bộ và trong nhân dân thành phố.

Đà Nẵng có lẽ là nơi đầu tiên dành hàng chục tỷ đồng cho những người hoàn lương vay không lãi để hòa nhập cộng đồng. Năm 2010, lãnh đạo thành phố gặp mặt tất cả các ông chồng hay đánh vợ, giải thích và buộc cam kết “chừa” cái việc xấu hổ là đánh mẹ của các đứa con của mình. Tổ chức cho gần 300 thanh-thiếu niên chậm tiến đi thăm Trường giáo dưỡng và Khu du lịch Bà Nà, sau khi xem 2 cảnh trái ngược: một bên là trại giáo dưỡng, một bên là cảnh vui chơi ở nơi đẹp nhất, rồi cho các em lựa chọn: hoặc vào trường giáo dưỡng, hoặc được tiếp tục vui chơi, thì hơn một nửa các em sau đó có chuyển biến tốt... Những câu chuyện mang tính an dân như thế khi được thể hiện trên Báo Đà Nẵng đã được đông đảo người dân thành phố đón nhận với niềm kỳ vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, và thấy được trách nhiệm của mình trước yêu cầu phát triển của thành phố.

Do yêu cầu tuyên truyền đột xuất, Ký sự nhân vật Về lại Hòa Xuân phải gác lại. ĐNCT thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc.

;
.
.
.
.
.