.

Đồ cũ

Ngày cha tôi còn, năm ấy rất khó khăn, lương giáo viên dạy kiến trúc mà không đủ mua một bộ quần áo cho nghiêm túc. Thuộc Pháp, cậu mợ tôi nhiều quần áo đẹp, riêng com-lê ông có hơn chục bộ, nhưng tới hồi neo bấn,  mợ tôi bán dần để cho năm cái tàu há mồm chúng tôi ăn học.

Một ngày, tôi thấy ông mang bộ com-lê sờn bạc cắt chỉ tháo tung và lộn trái toàn bộ. Sau bốn năm ngày khâu tay rất tỉ mỉ, bộ com-lê cũ bạc màu trở nên rất oách khi cha tôi xỏ vào ngắm trước gương. Có lần, nhắc lại chuyện cũ, tôi hỏi, sao cậu mất công thế. Ông bảo, hồi ấy nghèo quá.

Năm tháng qua đi. Tôi sang Đức, nhớ lại việc cũ, thi thoảng về lại mua tặng ông quần áo. Có lần sang Paris, vào một cửa hàng chuyên bán lụa, tôi mua hơn 8 thước lụa Pháp về cho ông may bộ. Lụa tơ tằm Pháp thực chất là lụa Việt hay lụa Trung Hoa, song lại qua nhuộm màu công nghệ cao ở Anh và Pháp, nên không bao giờ phai màu, các cụ trí thức xưa rất thích. Cha tôi bảo vậy, sau khi nhờ một bác thợ rất già còn sót lại ở phố cổ may cho bộ quần áo lụa cho đúng kiểu cổ.

Rồi mua cho ông bộ com-lê mới để ông diện Tết…

Một lần, mở tủ to ở nhà ra, thấy vẫn bộ com-lê năm nào ông lộn trái ra khâu tay. Sờ vào bộ quần áo hơn 45 năm, nhện đã cắn thủng lỗ chỗ, những sợi vải dường như sắp mủn ra. Nhân buổi uống trà sớm tôi nói: Mai con dẫn cậu lên hiệu X bán hàng hiệu đồ Pháp, tìm bộ quần áo nữa. Ông từ chối, thôi con để dành tiền mà sau này khi hoạn nạn, cơ nhỡ. Cậu còn đủ quần áo mặc mà. Tôi lại bảo, tủ đầy cứng quần áo, treo mấy thứ cũ quá, như bộ com-lê đũi, sao cậu không vất đi cho nhện khỏi làm tổ? Ông im lặng một lát, rồi bảo, bộ ấy mợ tặng cậu và gắn bó với cậu bao nhiêu năm, sao lại vứt bỏ nó. Tôi xin lỗi ông bằng cử chỉ nắm lấy bàn tay gầy guộc: Con yêu cậu lắm cậu biết không? Cha tôi cười rất sảng khoái: Cậu đẻ con ra sao cậu không biết.

Sang Đức,  làm ăn có khi rất vất vả, phải sống rất tiết kiệm, để gom dựng một vốn kha khá mà buôn bán. Tuy nhiên tôi vẫn phải mua một bộ quần áo cho ra  hồn cùng một áo dạ dài Anh quốc, một cái khăn dạ mềm đen của Italia để dịp nào tới nhà người ta, Việt hay Đức ăn mặc cho “Y phục xứng kỳ đức”!
Rồi tôi buôn bán làm ăn phát đạt cũng  có khi chơi sang. Sắm đủ thứ kính, máy lửa, quần áo, mũ mão, khăn khố hàng hiệu... các kiểu cho nó biết…Tuy vậy trong đống quần áo nọ tiền hiệu khác nhau, song có cái quần tôi mua từ ngày còn sương gió tuyết giá, cứ mặc đi mặc lại.

Một ngày bị trượt ngã trên tuyết ngay cạnh hàng rào nhà, quần móc vào dây thép nên rách một miếng nhỏ.

Hồi ở quân ngũ, chúng tôi hay tự khâu vá trong rừng nên tôi rất thạo việc đơm vá và vẫn hay tự làm lấy việc đơm lại chiếc  khuy áo đỡ phải nhờ vợ con theo tinh thần mình làm được việc gì thì nên tự làm chứ đừng dựa dẫm... Chủ nhật mưa gió nghỉ chợ ở nhà, tôi ngồi rút chỉ mạng lại chỗ rách rất khéo và giặt là cẩn thận cất đi. Có người bạn trẻ hay tới chơi, thấy tôi ngồi mạng quần bảo, bộ quần áo đẹp cũng chỉ ngàn bạc, sao phải khổ thế. Tôi cười, nói với anh bạn quá trẻ mà thân thiết: Khách khứa tới nhà đông chật vườn, giang hồ ăn nhậu một buổi tiêu cả ngàn mác, thì hẳn không phải bủn xỉn. Cái quần này gắn bó với anh lâu rồi vả lại anh thích nó.

Năm cha tôi mất. Tôi lục tủ thấy chỗ vàng gửi ông xếp cẩn thận bên cái lọn tóc của mợ tôi và cả cái lược máy bay tôi làm năm nào ở chiến trường gửi về tặng mẹ. Lại một cái mùi-xoa rất sờn…

Tôi âm thầm xếp những đồ vật ấy, cái lọn tóc cũ, cái lược rất cũ, cái mùi-xoa úa hết màu và xơ tướp chắc ai thân yêu đã tặng v.v… bên thân hình bất động, nằm như ngủ của ông. Cả bộ quần áo sờn cũ mà mợ tôi đã tặng ông năm nào, năm nào ông lộn trái khâu tay, làm mới, giữ cho đúng tư thế của người trí thức tôn trọng học trò… cả bộ quần áo lụa và bộ com-lê mới chỉ xỏ hai ba lần tôi mua tặng ông.

Tôi không khóc mà lòng đau như cắt, nắm lấy bàn tay đã buông xuôi của  cha tôi thầm nói: Con yêu cậu, mọi cái hữu hình đều sẽ cũ, thậm chí tan nát trở về với cát bụi, song ở mỗi đồ vật, đôi khi người ta có thể nhận ra cái tình rất người hay không người khi ứng xử với đồ vật; sự ấy ở cậu, cũng phần nào dạy con nhìn nhận về tâm hồn của mỗi con người ở cuộc sống hỗn tạp, luôn đòi hỏi sự tinh tế nhạy cảm để nhận biết, mà luận ra nhiều điều… Con yêu cậu.

Và, lâu rồi, tôi không lưu giữ bất kỳ của cải nào có giá trị tiền bạc của cha mẹ. Cả ngôi nhà hai tầng tôi cũng tặng đi, thì còn giá trị nào thèm khát? Song tôi vẫn là đứa con may mắn thừa hưởng nhiều giá trị tinh thần của cha mẹ tôi, có được nhiều điều của ông,  một người nhân hậu, thủy son với cả đồ vật, lại rất Việt, mà điều ấy dễ gì có, không thể mua nó bằng tiền. Cả những câu chuyện nho nhỏ, từ các câu chuyện rất bình dị của một gia đình bình thường ở Hà Nội, một thời đau khổ, một đời hạnh phúc làm người...

NGUYỄN VĂN THỌ

;
.
.
.
.
.