.

Giải thưởng dành cho kiến trúc sư “nghiệp dư”

.

Giải thưởng Pritzker dành cho kiến trúc sư đang sinh thời có tác phẩm chứng minh được sự phối hợp phẩm chất tài năng, sự tận tụy và tầm nhìn đem lại sự phù hợp có ý nghĩa cho con người và môi trường thông qua nghệ thuật kiến trúc. Giải thưởng không phân biệt quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo, giai cấp với số tiền hỗ trợ cho người được giải là 100.000 USD. Vào năm 1987, ban tổ chức tăng thêm huy chương đồng, trên huy chương có ghi dòng chữ Latinh “Độ bền, tiện ích, và vẻ đẹp” được lấy cảm hứng bởi kiến trúc sư La Mã Vitruvius. Giải thưởng Pritzker năm nay thuộc về  kiến trúc sư Trung Quốc, ông Wang Shu. Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào  tháng 5 tới.

Bảo tàng Lịch sử Ningbo.
Bảo tàng Lịch sử Ningbo.

Giải thưởng kiến trúc Pritzker được Quỹ Hyatt Foundation trao hằng năm nhằm biểu thị sự tôn kính đến nhà thiết kế kiến trúc do Jay A. Pritzker và vợ là Cindy sáng lập từ năm 1979. Pritzker  được công nhận là giải thưởng về thiết kế kiến trúc đầu tiên của thế giới và được xem như giải Nobel-Kiến trúc.

Wang Shu tự nhận mình chỉ là nhà thiết kế “nghiệp dư”. Ông nói: Tôi chỉ thiết kế “căn nhà” thay vì “công trình cao ốc”. Một vấn đề rắc rối của thiết kế kiến trúc chuyên nghiệp là họ chỉ chú trọng quá nhiều đến công trình xây dựng.  Trong khi “căn nhà” lại là nơi rất gần gũi với đời sống thường nhật. Trước khi đến với kiến trúc, Wang Shu chỉ là một văn nhân.

Wang năm nay 48 tuổi, công ty của ông có trụ sở tại Hàng Châu, phía tây Thượng Hải, với vợ của mình, bà Lu Wenyu. Ông có quá trình hoạt động khá thấp trên lĩnh vực kiến ​​trúc quốc tế. Tuy là một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard nhưng chưa bao giờ thiết kế một công trình xây dựng nào bên ngoài Trung Quốc, đúng như ông vẫn thường nghiêm túc tự nhìn nhận về mình  chỉ là “một kiến ​​trúc sư địa phương”.

Các dự án của Wang thường bao gồm tái chế gạch ngói thu gom từ các tòa nhà cũ ở các khu vực giải tỏa để làm đường. Mang đậm tinh thần “cây nhà lá vườn” là một trong những lý do ông và vợ chọn tên gọi công ty của họ: “Kiến trúc Amateur Studio”. Tạm gọi là công ty Thiết kế nghiệp dư, tài tử, thành lập vào năm 1997.

Thông thường, các kiến ​​trúc sư muốn thiết kế tất cả các chi tiết và kiểm soát tất cả mọi thứ. “Họ nghĩ đó là cách tốt nhất để bảo đảm công việc trở nên hoàn hảo. Tôi thấy rằng khi các thợ thủ công không thể làm theo bản vẽ của tôi chính xác, đó là khi những điều sáng tạo, tuyệt vời xảy ra”, ông nói. Cách tiếp cận này đã đạt đến mức đầy đủ nhất vào hai dự án gần đây. Một là Bảo tàng Lịch sử Ningbo, đã được hoàn thành trong năm 2008. Hai là Campus Xingshan của Viện Hàn lâm Nghệ thuật, nơi công ty của ông đã thiết kế. Cả hai công trình ấy đã giúp  ban giám khảo Pritzker quan tâm đến Wang Shu.
Wang Shu không phải là kiến ​​trúc sư gốc Trung Quốc đầu tiên giành chiến thắng giải Pritzker. Kiến trúc sư IM Pei, người Mỹ gốc Trung Quốc đoạt giải năm 1983. Nhưng Pei đã được đào tạo cơ bản, vững chắc theo lối kiến ​​trúc sư Mỹ - khi ông được vinh danh. Wang Shu, ngược lại, được giáo dục và đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình tại Trung Quốc.

Sinh năm 1963 tại Urumqi, một thành phố ở phía tây của đất nước, Wang Shu thường xuyên nghiên cứu về lịch sử. Ông cho biết: “Trước khi tôi thiết kế các không gian Bảo tàng Lịch sử Xingshan và Ningbo, rất nhiều người nghĩ  công trình của tôi đơn giản chỉ là “một phần của sự tiên phong”. Khi tôi hoàn thành những dự án “cổ điển”, một số nhà phê bình đã rất khắc nghiệt. Họ cho rằng tôi đã quay lưng phong trào kiến trúc hiện đại”.

Khi Wang Shu được hỏi trong việc thiết kế các công trình  của mình, ông còn có sự hợp tác của ai khác không? Ông trả lời: “Mỗi khi tôi hoàn thành bản phác thảo đầu tiên của một tòa nhà, cô ấy là một trong những người đầu tiên nhìn thấy nó. Và nếu cô ấy không thích nó, tôi vẽ nó lại một lần nữa”.

HOÀNG ĐẶNG
 

;
.
.
.
.
.