.

Hậu cần nghề cá

Một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận mới đây, chính là việc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng tụt hạng từ 3 năm dẫn đầu xuống vị trí thứ 5. Trong 2 chỉ số ảnh hưởng đến việc tụt hạng đó, có chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN).

Mặc dù việc phân tích từng ngành, từng lĩnh vực về dịch vụ hỗ trợ DN đã và đang được các cơ quan chức năng đặt ra để có hướng xử lý, khắc phục; nhưng có thể nói, đối với dịch vụ hậu cần nghề cá - một trong những ngành dịch vụ có thế mạnh của Đà Nẵng, cũng đang có những vấn đề cần
giải quyết.

Theo đó, phát huy lợi thế về kinh tế biển, những năm qua, Đà Nẵng đã quy hoạch và đầu tư một cách trọng điểm cho việc khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo tiền đề để “đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành một trung tâm hậu cần nghề cá, là một trong 3 trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước” như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đã đề ra.

Thành phố đã đầu tư một cách mạnh mẽ, có những chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể để thực hiện lộ trình này. Đó là việc đầu tư xây dựng Cảng cá Thọ Quang, Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, khu trú bão cho tàu thuyền... đến việc phối hợp, hỗ trợ các DN, ngư dân để trang bị, nâng cấp tàu thuyền cho ngư dân bám biển, vươn khơi. Nhờ đó, đến nay, trong tổng số hơn 1.600 tàu cá, thì 154 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên; với 97 tổ khai thác, trong đó có 45 tổ đánh bắt xa bờ với 191 tàu. Các tàu cũng được trang bị những thiết bị tương đối hiện đại. Giá trị sản xuất thủy sản được nâng lên, chiếm đến 60% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố. Các dịch vụ phục vụ trên biển như máy liên lạc tầm xa, thiết bị xử lý ban đầu bảo quản sản phẩm... dần dần được thực hiện, khắc phục những hạn chế trong việc tìm kiếm ngư trường, cứu hộ cứu nạn, đánh bắt, bảo quản... trước đây.

Thế nhưng, việc phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá dường như chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành thủy sản ở Đà Nẵng, nhất là khi thành phố đang hướng tới khẳng định vai trò của mình trên lĩnh vực này trong khu vực duyên hải miền Trung.

Trước tiên, đó là chưa hình thành được cơ sở đóng tàu có uy tín, chất lượng, bảo đảm cho việc vươn khơi của ngư dân miền Trung. Các trang, thiết bị phục vụ cho việc tìm kiếm ngư trường, đánh bắt, sơ chế, bảo quản... vẫn còn manh mún; nhất là trong bối cảnh nguồn hải sản được đánh giá là ngày càng cạn kiệt dần, bắt buộc các tàu phải ra khơi xa, đi nhiều ngày hơn. Ngay cả việc hình thành dịch vụ cung cấp xăng dầu, nước đá... cũng hạn chế. Đó là chưa nói đến công việc ổn định, thu nhập bảo đảm... trong nghề biển để thu hút đội ngũ lao động có chất lượng tương đối phục vụ cho việc khai thác hải sản; từ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên đến lao động phổ thông trên các tàu thuyền.

Ngay cả trên bờ, nhiều dịch vụ hậu cần vẫn chưa được tính toán và triển khai theo hướng chuyên nghiệp. Việc thu mua hải sản là một ví dụ. Sản phẩm từ tàu thuyền đến DN, người tiêu dùng có một bộ phận thu mua, phân loại theo ngẫu hứng và chưa được quản lý chặt chẽ. Vì thế, vẫn còn tình trạng ép giá, giữ hàng, cạnh tranh không lành mạnh... làm cho chất lượng sản phẩm, giá cả không ổn định. Các DN đầu tư hệ thống nhà xưởng, thiết bị có công nghệ tương đối hiện đại cho việc chế biến, nhưng nguồn nguyên liệu không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất, nhất là xuất khẩu. Nhiều DN chỉ hoạt động với khoảng 30% công suất. Rồi ngay cả việc đầu tư xử lý môi trường ở Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản cũng phập phù, làm cho các DN gặp khó khăn trong sản xuất...

Như vậy, có thể thấy, việc hướng tới một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Đà Nẵng, với khát vọng hoàn thiện các loại hình dịch vụ khép kín từ đóng tàu, cung cấp nguyên vật liệu đến tìm kiếm ngư trường, khai thác, sơ chế, phân phối, tiêu thụ và chế biến, xuất khẩu vẫn còn là câu chuyện đầy khó khăn.

Câu chuyện ấy đòi hỏi một định hướng và đầu tư chuyên nghiệp hơn nữa!
 

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.