.
Hồ sơ tên đường

Trương Hán Siêu, tác giả Bạch Đằng Giang phú

.

Là bậc danh nho thời Trần, Trương Hán Siêu đã để lại áng thiên cổ hùng văn Bạch Đằng Giang phú và bài thơ khắc trên sườn núi Dục Thúy quê hương ông.

Trương Hán Siêu (? - 1354), tự Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu, người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên, nay là xã Phúc Am, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Đương thời, ông không giao du với người cùng hàng và gả con gái cho người giàu có. Vì thế Đại Việt Sử ký toàn thư viết rằng: “Trương Hán Siêu là ông quan văn học, vượt hẳn mọi người, tuy cứng cỏi, chính trực nhưng lại chơi với kẻ không đáng chơi, gả con gái cho người không đáng gả”.

Lúc đó, ông là học trò giỏi nhất tại trường do Trần Ích Tắc mở để đào tạo nhân tài cho triều đình, được họ Trần giao thay mình dạy lại các môn đệ. Trưởng tràng Nguyễn Văn Long ganh tị, bày mưu ám sát Trần Ích Tắc rồi vu cho ông khiến ông phải bôn tẩu, về ẩn núp trong các hang động ở Ninh Bình.

Vừa lúc quân Nguyên lại gây hấn nước ta, Hưng Đạo Vương nghe tiếng ông, chủ động tìm đến để hỏi kế đánh giặc. Kế sách của ông quá chu đáo, được vương nghe theo áp dụng. Nhờ đó, quân ta thêm hai lần phá tan giặc, trong đó có trận Bạch Đằng lẫy lừng lịch sử.

Về việc ông ít giao du với người cùng hàng, theo các nhà nghiên cứu hiện nay, là do những người này từng hùa nhau công kích kết tội ông khi ông bị Nguyễn Văn Long vu oan. Ông gả con cho các tù trưởng chẳng phải vì ham giàu, mà vì muốn liên kết với bộ tộc để làm phên giậu giữ biên cương theo chính sách của nhà Trần thời bấy giờ.

Với nhiều công trạng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên, năm 1308 vua Trần Anh Tông thăng cho ông chức Hàn lâm Học sĩ. Đến đời vua Trần Dụ Tông, ông lại được giao nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1353, ông bị bệnh nặng khi thống lĩnh đạo quân Thần sách đi trấn đất Hóa Châu (Huế). Năm sau, ông cáo bệnh xin về nhưng chưa đến kinh đô thì qua đời. Nhà vua vô cùng thương tiếc, truy tặng ông chức Thái bảo, năm 1363 truy tặng thái phó, từ năm 1372 được thờ ở Văn Miếu quốc gia, ngang với các bậc hiền triết đời xưa.

Thơ văn của ông để lại cho đời không nhiều, trong đó, bài “Bạch Đằng Giang phú” là một trong những bài phú chữ Hán nổi tiếng bậc nhất từ thời Trần còn lại đến nay. Từng con chữ hừng hực lửa căm thù quân giặc, bừng bừng chí quật cường bất khuất, 700 năm sau đọc vẫn thấy gai người. Bản dịch của Đông Châu trong “Khảo về địa dư và lịch sử tỉnh Quảng Yên” (Nam phong Tạp chí, tập XIV số 8, tháng 6-1924) có đoạn: Muôn đội thuyền bày, hai quân giáo chỉ/ Gươm tuốt sáng lòe, cờ bay đỏ khí!/ Tướng Bắc quân Nam đôi bên đối lũy/ Đã nổi gió mà bay mây, lại kinh thiên mà động địa. Cuộc “đối lũy” đã nghiêng phần thắng về phía chính nghĩa, quân xâm lược tan tác đại bại: Trời Nam sinh kẻ anh hùng/ Tăm kềnh yên lặng, non sông vững vàng.

Trương Hán Siêu được lập đền thờ tại chân núi Non Nước thuộc công viên Dục Thúy Sơn nằm bên sông Đáy, thành phố Ninh Bình. Bài thơ “Dục Thúy Sơn khắc thạch” của ông được khắc bên sườn núi, hãy còn bút tích. Dục Thúy Sơn nghĩa là “núi có hình con chim trả đang
tắm gội” - tên này do chính ông đặt cho ngọn núi Non Nước quê hương ông.

Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho con đường dài 260m, rộng 7,5m, lề đường rộng 3m (ảnh), nối từ đường Nguyễn Trung Trực đến đường 10,5m thuộc Khu dân cư An Hải Bắc 2, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VI, kỳ họp thứ 7, ngày 12-7-2002 về đặt tên một số đường của Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.