.

Hướng đi mới

.


Trong ký ức không xa của nhiều ngư dân Đà Nẵng, chỉ cần ra vịnh Đà Nẵng đã có thể đánh bắt được rất nhiều hải sản. Nhưng điều ấy giờ không còn nữa. Nguồn lợi gần bờ đã cạn kiệt, ngư dân phải chật vật lắm mới có thể bảo đảm cuộc sống.

Những chiếc lưới mắt thưa, giúp cho việc đánh bắt có chọn lọc hơn.
Những chiếc lưới mắt thưa, giúp cho việc đánh bắt có chọn lọc hơn.

Cá tôm cạn kiệt

Đến bờ biển Nam Ô vào buổi chiều lộng gió, ông Lê Thanh Long (56 tuổi, Hòa Hiệp Nam) đang cặm cụi sửa lại chiếc thúng máy chuẩn bị cho lần ra biển mới. Chuyến đi gần đây nhất của ông chỉ mang về một ít cá trích, cá rạc. “Chừng nớ cá răng mà đủ tiền dầu đi trong ngày”, ông nói mà ánh mắt nhìn xa xăm ra biển khơi.

Gắn bó với nghề đi biển từ khi mới 15 tuổi, đến giờ, như một thói quen, cứ 3 giờ sáng thúng của ông lại ra biển. Trước kia, lần nào về thúng của ông cũng đầy các loại cá nục, mực, cá hố, cá cơm… nhưng vài năm gần đây nguồn lợi vô tận từ biển không còn sẵn, những chuyến đi kéo dài tới quá trưa, sản lượng thu về ít hơn, thậm chí nhiều hôm chỉ lèo tèo vài con cá nhỏ. Hôm nào may mắn trúng được mẻ lớn nhưng thỉnh thoảng mới được một lần, giờ đang là mùa cá hố, phải năng đi thì mới mong đủ sống.
Là một trong số ít những chủ thuyền lớn còn lại ở Hòa Hiệp Nam, ông Nguyễn Sơn, 77 tuổi cho biết vịnh Đà Nẵng ấm nên cá cơm, cá mú rất nhiều, thuyền ông có 9 bạn nghề, 2 máy, chủ yếu đi mành điện nhưng hơn 20 năm làm nghề chưa khi nào thấy cá khan hiếm như bây giờ. Khoảng 7-8 năm nay tôm bạc như tuyệt chủng hẳn, cá chim đen cũng rất hạn chế, đặc biệt 4 năm trở lại đây không còn cá cơm than trong vùng biển Đà Nẵng, những hộ làm mắm ở Nam Ô chủ yếu nhập cá từ Hội An hoặc những nơi khác về muối. Thậm chí ngay cả những chủ mành như ông cũng không có mắm mà ăn.

Ông nhớ, vài năm trước mỗi tháng thuyền ra khơi khoảng 25 ngày nhưng năm ngoái cả năm chỉ đi 13 ngày, sản lượng cũng không bao nhiêu. Có lẽ do môi trường biển ngày càng ô nhiễm, đánh bắt tận diệt quá nên cá không sinh sôi được, thuyền phải đi 25-30 hải lý mới có cá, mỗi chuyến tốn 400-500 ngàn tiền dầu nên ông cũng rất đắn đo. Thậm chí có người vẫn lén dùng lưới quét và cào bắn để khai thác. Loại cào bắn này làm cho cá nhỏ, cá lớn chết hết, hệ sinh thái bị hủy diệt nên chỉ trong một thời gian ngắn, sản lượng cá trong vịnh giảm đáng kể. Nhiều người bạn thuyền không chịu được chi phí cao đã bán thuyền chuyển sang đi thúng. “Năm nay cũng đã chuẩn bị máy, lưới cho vụ đi mới nhưng phải xem thời tiết, con nước có cá mới ra khơi, lỗ tiếp chỉ có nước bán thuyền, bán mành thôi”, ông Sơn buồn bã nói.

Tìm hướng đi đúng

Hơn 30 năm đi biển, mỗi chuyến đi của ông Trần Minh Tân (59 tuổi, phường Thọ Quang) thường kéo dài từ 5-7 ngày. Làm chủ chiếc tàu 45 mã lực (CV), mỗi chuyến ra khơi cách bờ hơn 40 hải lý, ông nhớ, cách đây 5 năm khi còn đi lộng mỗi đêm bắt được 15 kg tôm, nhưng giờ chỉ được 5kg. Các loại hải sản khác cũng tương tự, những tàu nhỏ từ 20CV trở xuống đi trong vịnh chỉ đủ ăn. Bên cạnh ngư trường cạn kiệt, khan hiếm, đánh bắt khó khăn, mỗi lần trúng vụ lại bị ngư thương ép giá, có khi chỉ bằng 2/3 giá cũ.

Ông Lê Thanh  Long đang sửa lại chiếc thúng cho buổi ra khơi sắp tới.
Ông Lê Thanh Long đang sửa lại chiếc thúng cho buổi ra khơi sắp tới.

Nghề đi biển tính theo mùa. Mùa nào đánh bắt loại đó. Ngoài các loại mành, giã, lưới rê, lưới cản ông còn dùng rập ghẹ (bẫy ghẹ), nhử tôm nhí… Ông luôn xác định cá nhỏ giá trị không nhiều nên dùng lưới mắt to để bắt những con cá lớn, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng ý thức trong việc lựa chọn đánh bắt cá nên chỉ trong mấy năm mà sản lượng cá ở ngư trường giảm 30% so với trước. Số ngư dân ở Thọ Quang đi mành đánh cá cơm than cũng giảm đáng kể chỉ còn 3 thuyền trên tổng số 680 tàu, thuyền, thúng lớn nhỏ đang khai thác ở các ngư trường. Ông Nguyễn Rê, Chi hội trưởng Hội Nông dân Thành Vinh 8 cho biết.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, đại diện ngư nghiệp làng cá, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, những ngư dân đánh bắt gần bờ cũng được vận động khai thác có chọn lọc nhưng đến nay nguồn thủy hải sản vẫn suy giảm nhiều. Có lẽ việc khai thác chưa bảo đảm, chất thải ở các khu công nghiệp, môi trường ô nhiễm góp phần hủy hoại ngư trường.

Theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20-3-2006 của Bộ Thủy sản (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 62/2008/TT-BNN), quy định cấm những hoạt động khai thác thủy sản sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc, các nghề sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ nhất; tuyến bờ cấm các nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi, ruốc ở tầng nước mặt), nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề rớ, câu tay mực); tuyến lộng cấm các nghề kết hợp ánh sáng sử dụng công suất nguồn sáng vượt quá quy định, sử dụng tàu cá có công suất máy lớn hơn quy định.

Anh Duy Khôi, Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng cho biết, tại Hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản tại UBND phường An Hải Tây, trung tâm đã hỗ trợ chuyển đổi các tàu thuyền có công suất từ 30 CV trở lên đánh bắt bằng nghề giã cào; nghề cấm phát triển sang các nghề rê 3 lớp, nghề lồng bẫy ghẹ và lờ mực. Đối với nghề rê 3 lớp, bình quân thu nhập của các hộ khoảng 110 triệu đồng/chuyến đi biển khoảng 7 ngày, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 60 triệu đồng. So sánh với nghề lưới kéo đôi trước đây cùng công suất, thời gian khai thác thì nghề lưới kéo doanh thu chỉ 70 triệu đồng, lợi nhuận còn khoảng 10 triệu/1 tàu. Thực tế cho thấy, nghề rê 3 lớp đem lại hiệu quả rõ rệt hơn so với nghề lưới kéo, ngoài ra nghề khai thác này còn mang tính chọn lọc, giảm tác động ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Như vậy, với mô hình “Hỗ trợ nghề cấm khai thác và khai thác ven bờ” đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, giữ gìn ngư trường, giúp ngư dân ổn định việc làm và đời sống.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.