Không ít sĩ tử cho rằng cổng trường đại học (ĐH) cao vời vợi, quá khó để vào. Thực ra, vào ĐH không đến nỗi quá khó, nếu như…
Việc giành “vé” vào giảng đường ĐH không đến nỗi quá khó. (Ảnh: Ngọc Đoan) |
Thật sự quyết tâm
Là giáo viên phổ thông nhiều năm công tác ở vùng ven đô, tôi nhận thấy nhiều bạn học lực khá, hoàn toàn có khả năng đỗ ĐH nhưng lại trượt một cách đáng tiếc do thiếu định hướng, đầu tư đúng mức và quyết tâm cần thiết. Đó là những bạn học khá ở những trường vùng ven, miền núi - nơi hạn chế về thông tin, sự đua tranh trong học tập rất ít. Thế nên những bạn học khá ở môi trường như thế dễ rơi vào trạng thái tâm lý thỏa mãn, không cần cố gắng, nỗ lực nhiều mà vẫn nằm trong tốp dẫn đầu của lớp, của trường. Các bạn quên mất rằng “đối thủ” của mình không phải là các bạn cùng lớp cùng trường mà là những học sinh khá giỏi của nhiều trường trên toàn quốc.
Vì thiếu cố gắng, nỗ lực mà kết quả thi ĐH năm đầu bị trượt, những bạn này ôn thi lại với cố gắng và nỗ lực cao hơn, hầu hết năm sau đều thi đỗ. Đơn cử như trường hợp của em Trần Thị Kim Phượng, cựu học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn, nơi người viết công tác. Năm 2008, Phượng thi vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng chỉ đạt 12 điểm và trượt. Năm sau em thi lại và đỗ thủ khoa Học viện Hành chính (phía Nam) với 24 điểm.
Bên cạnh môi trường làm các bạn có tâm lý thỏa mãn dẫn đến ít có sự cố gắng nỗ lực trong học tập thì những bạn ở vùng ven, miền núi thường có suy nghĩ “ĐH quá khó, “địch” sao nổi với học trò thành phố”… nên thiếu đi sự quyết tâm, nỗ lực cần thiết.
Nếu loại bỏ tâm lý thỏa mãn và suy nghĩ thiếu tự tin như thế, có sự định hướng, nỗ lực thực hiện ước mơ vào ĐH với quyết tâm cao thì cơ hội hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn.
Chọn trường theo sở thích
Rất nhiều thí sinh làm 3-4 bộ hồ sơ nộp nhiều trường đến khi các trường công bố tỷ lệ “chọi” mới căn cứ vào đó để chọn trường có tỷ lệ “chọi” thấp.
Thực tế tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, trường có tỷ lệ “chọi” thấp thì điểm chuẩn thường rất cao và ngược lại. Ví như các trường Y, Dược, Kinh tế… tỷ lệ “chọi” rất thấp, có khi chỉ 1 “chọi” 2, nhưng điểm chuẩn lại cao ngất ngưởng do thí sinh đăng ký vào những trường này đều có học lực giỏi. Nhiều trường tỷ lệ “chọi” cao, có khi 1 “chọi” 40, nhưng điểm chuẩn lại không cao vì thí sinh phần lớn học lực chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, tỷ lệ “chọi” chỉ có tính chất tham khảo, nên chọn trường vừa sức, phù hợp với sở thích và năng lực rồi tập trung ôn tập thật tốt thay vì mất thời gian và lãng phí tiền cho việc làm nhiều bộ hồ sơ.
Ngoài ra, rất nhiều học sinh băn khoăn giữa việc nên chọn ngành, nghề theo sở thích hay chọn ngành, nghề thời thượng, dễ có việc làm. Giải đáp băn khoăn này, diễn giả Nguyễn Lê Minh, chuyên gia tư vấn cấp cao của Bộ GD&ĐT trong lần tư vấn hướng nghiệp dạy nghề cho giáo viên - học sinh Đà Nẵng đã cho rằng nhiều ngành, nghề bây giờ “hot” nhưng 4-5 năm sau sẽ trở nên lạc hậu, khó xin được việc làm. Thầy Minh chia sẻ: “Tốt nghiệp ngành nào cũng có thể tìm được việc làm và cũng có thể bị thất nghiệp. Tất cả là do sự phấn đấu, tích lũy kiến thức, kỹ năng của bản thân người học”.
Biết lượng sức mình
Có nhiều bạn học khá giỏi, thầy cô, bạn bè tin tưởng sẽ đỗ ĐH nhưng rốt cục lại thi trượt, vì các bạn chọn trường quá “đỉnh”, điểm chuẩn cao chót vót. Trong khi đó, nhiều bạn học khá, thậm chí trung bình lại đỗ vào ĐH do các bạn biết lượng sức mình, lựa chọn trường vừa với sức học và khả năng của mình.
Do đó, bạn phải biết lượng sức mình bằng cách căn cứ vào học lực và thử sức làm những đề thi ĐH những năm qua để biết mình có khả năng làm được bao nhiêu điểm. Bước tiếp theo là tìm hiểu, lựa chọn trường, ngành có điểm chuẩn phù hợp với khả năng của mình có thể làm được. Tóm lại, nếu bạn biết lượng sức mình, chọn trường theo sở thích và có quyết tâm cao trong học tập thì việc giành “vé” vào giảng đường ĐH là hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn.
PHẠM ĐƯỢC