Mái tóc đã bạc trắng. Sức khỏe ngày một yếu đi. Hơn 20 năm qua, kể từ khi rời khỏi ruộng đồng, kỹ sư nông nghiệp Lê Khôi ngày ngày miệt mài đọc và viết sách với tâm huyết làm sống lại những nhân vật lịch sử.
Ông Lê Khôi (giữa) và vợ Bùi Thị Thu Tâm chụp hình kỷ niệm cùng người bạn. |
Kỹ sư nông nghiệp Lê Khôi không ngờ có ngày mình đứng lên bục nhận giải nhì (không có giải nhất) cho kịch bản Hồ Quý Ly tại Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long - Hà Nội diễn ra tại Hà Nội năm 2005. Thành công này, như bếp than hồng làm bùng lên ngọn lửa đam mê của ông trong việc tìm hiểu những nhân vật lịch sử.
Nhưng trước khi trở thành nhà văn trẻ, người viết kịch bản phim, ông là một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng khắp vùng quê Quảng Nam, Đà Nẵng.
Đến tận ruộng đồng, mới biết nỗi khổ của dân
Cái chuyện ông Lê Khôi được nhiều người biết đến sau khi đoạt giải cuộc thi nói trên khiến người ta thấy lạ.
Trong trí nhớ người dân Quảng Nam, Đà Nẵng, Lê Khôi là một kỹ sư nông nghiệp có tiếng, đã cùng bà con ở hàng trăm hợp tác xã xăn quần lội ruộng, kiên trì giải thích, hướng dẫn họ cách gieo trồng, chăm sóc giống cây…
Nhiều năm sau khi về hưu, ông vẫn nhận lời làm cố vấn cho các HTX và hộ nông dân quanh vùng. Bạn đọc các Báo Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Sông Hương (Huế), các đài phát thanh tại Núi Thành, Tam Kỳ, Quế Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam), Hòa Vang (Đà Nẵng), Thái Bình… quen thuộc với cái tên Lê Khôi qua các bài viết hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc gắn với nhiều ví dụ cụ thể. Tận tụy với nghề, gần gũi với nông dân, Lê Khôi trở thành nhân vật của nhiều bộ phim tài liệu về đề tài nông nghiệp, nông thôn của các nhà làm phim tư liệu.
Được nhiều người biết đến, nhưng cách sống của Lê Khôi vẫn dung dị, chân thành. Trong giai đoạn này, người ta chỉ thấy mặt nổi của một Lê Khôi đa tài nhưng ít ai biết rằng, con đường làm kỹ sư nông nghiệp của ông cũng lắm gian truân, đường học hành chắp nối qua nhiều giai đoạn.
Năm 1945, học xong Diplôme chương trình Pháp, ông tham gia phong trào Việt Minh cướp chính quyền ở Hội An và trở thành Ủy viên tuyên truyền, sau là Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Cộng hòa (nay là xã Điện Minh, huyện Điện Bàn). Cuối năm 1947, tại Vĩnh Điện xảy ra sự kiện ám sát Việt gian do những người yêu nước thực hiện. Khi bị giặc truy sát, ông Nguyễn Văn Thảo, người bạn học thân thiết, cùng nhóm Cứu quốc với Lê Khôi bị bọn mật thám Pháp bắt giữ. Với tư tưởng “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót” của giặc, Lê Khôi cũng bị bắt với tội danh ám sát, giết người và bị tuyên án chung thân khổ sai, lưu đày Côn Đảo và được trao trả tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) sau hiệp định Genève.
Chưa kịp mừng vì thoát khỏi tù ngục, khi ra Bắc, Lê Khôi bị tố là phản động, phải đi gánh đất, lao động qua nhiều công trường Bái Thượng (Thanh Hóa), Tây Hiếu, Quỳnh Lưu, Bến Thủy (Nghệ An)… trước khi được minh oan và phục hồi đảng tịch vào năm 1958. Sau sự kiện này, ông được đưa đi học lớp Bảo vệ thực vật ở Pháp Vân (Hà Nội) và sau đó về công tác tại Vụ Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp. Nhớ lại giai đoạn này, ông chia sẻ: “Công tác tại đây, tôi được đi nhiều vùng quê như Sơn La, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên Phủ, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… xem và hướng dẫn bà con canh tác. Cũng là quãng thời gian tôi sống với niềm vui được phục vụ nhân dân trong phát triển kinh tế”.
Kỹ sư Lê Khôi cùng gia đình trước khi lên đường vào Nam năm 1974. |
Kinh qua nhiều vai trò như chuyên viên Vụ Trồng trọt, giảng viên Đại học Nông nghiệp, Trại trưởng trại giống thuộc Sở Nông nghiệp Hà Nam Ninh (nay là các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), Trưởng phòng Trồng trọt hay Phó giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) nhưng ông Khôi vẫn rất gần gũi với nông dân. Ông nói, có đến tận ruộng đồng, mới biết nỗi khổ của dân, biết họ cần gì và giúp họ yên tâm sản xuất.
Làm sống lại lịch sử
Về hưu năm 61 tuổi, không thường xuyên về với ruộng đồng như trước, Lê Khôi dành toàn bộ thời gian rảnh để đọc sách. Với những cuốn sách yêu thích, mua tại Đà Nẵng không có, ông nhờ người thân mua tận Sài Gòn gửi về. “Mỗi giai đoạn, đời người lại có những thú vui riêng của nó. Trẻ thì xông xáo lội ruộng. Già thì tha hồ đọc sách”. Nhưng càng đọc nhiều, ông càng trăn trở.
Cái sự trăn trở của Lê Khôi cũng không giống ai. Mỗi tối, khi thấy con cháu mình say sưa xem phim cổ trang Trung Quốc, những nhân vật như Tần Thủy Hoàng, Lâm Xung, Càn Long, Lưu Trung Đường (Lưu Gù), Võ Tòng, Lưu Bị, Gia Cát Lượng… được tụi nhỏ “cập nhập thông tin” đầy đủ, đa chiều. Nhìn cảnh đó, trong ông có sự so sánh: “Lịch sử nước mình có nhiều nhân vật, sự kiện chưa được làm rõ và chưa được đánh giá đúng với bản chất của nó. Trong khi đó, phim lịch sử Việt Nam lại quá ít, hoặc có cũng còn hời hợt, diễn xuất yếu. Trẻ con bây giờ xem phim Trung Quốc, biết đến lịch sử Trung Quốc nhiều hơn sử Việt khiến tôi rất đau lòng. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc viết kịch bản phim”.
Thật ra, gần 20 năm qua, ông đã khởi động ngòi bút của mình qua một số tác phẩm văn học, tiểu thuyết lịch sử và là tác giả của các kịch bản phim lịch sử. Tập truyện ngắn Hồi sinh (NXB Đà Nẵng, năm 1998 - nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng), xâu chuỗi nhiều câu chuyện cảm động của giới trí thức Campuchia dưới chế độ Pôn Pốt. Trong tập truyện Quê hương (NXB Đà Nẵng, năm 2000) đoạt giải thưởng của UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Lê Khôi đem tất cả ký ức thời trai trẻ bên thành La Qua của dinh trấn Quảng Nam thời tiền khởi nghĩa và nhiều câu chuyện cảm động khác về những người bạn tù ở Côn Đảo...
Viết truyện và hồi ký được mọi người đón nhận, Lê Khôi mừng lắm. Nhưng viết kịch bản phim, với ông là một thử thách. Ông không hình dung được khi viết một kịch bản phim, phải cần có gì? Làm sao để đưa những nhân vật mình yêu thích, mình trăn trở lên màn ảnh; làm sao để thế hệ con cháu ông không xa rời lịch sử dân tộc; làm sao điện ảnh Việt Nam sẽ có thêm những tác phẩm về lịch sử hay, vang bóng một thời như Cánh đồng hoang; Vĩ tuyến 17, ngày và đêm; Con chim vành khuyên; Biệt động Sài Gòn…
Mang trong mình niềm trăn trở ấy, năm 75 tuổi, Lê Khôi cắp sách đi học lớp viết kịch bản phim được tổ chức ở Đà Nẵng. Hình ảnh một ông già tóc bạc, say sưa ngồi nghe giảng giữa những cây bút trẻ làm nhiều người chú ý. Trong suốt khóa học, Lê Khôi không ngại dong tay phát biểu, đặt ra câu hỏi mỗi khi thắc mắc điều gì. Ông chia sẻ: “Để viết được một tác phẩm hay một kịch bản phim, tôi phải đọc rất nhiều tài liệu, xâu chuỗi nhiều sự kiện, đem đối chiếu nội dung tài liệu này với tài liệu kia, điều này rất mất thời gian và công sức. Nhưng cái khó nhất vẫn là làm sao để thể hiện nó trên câu chữ thật thuyết phục”.
Bước vào tuổi 84, cái tuổi không còn nhiều thời gian để chờ đợi một “phép mầu” sẽ xảy ra với các kịch bản phim của mình, nhưng Lê Khôi vẫn sống lạc quan và miệt mài đọc sách, tìm ý tưởng cho kịch bản mới. Nói chuyện cùng ông, tôi chợt thấy một điều, cạnh một Lê Khôi luôn đau đáu vì số phận của lịch sử dân tộc, còn là một Lê Khôi mang nỗi lo của một người cống hiến cả đời mình trên đồng ruộng: Nông nghiệp nước ta hiện nay vẫn không tiến lên được vì chúng ta chưa làm tốt hợp tác xã.
Xem những kịch bản phim của Lê Khôi về đề tài lịch sử, chợt tiếc cho ông khi những kịch bản đó vẫn nằm im ắng trong giá sách hoặc chưa thể lên màn ảnh vì nhiều lý do như kinh phí, con người… Hiện nay, số lượng người viết tiểu thuyết, kịch bản phim lịch sử ít đã đành, sự quan tâm của công chúng lại càng ít hơn, đó không chỉ là nỗi buồn của riêng Lê Khôi mà còn là nỗi buồn của những ai tâm huyết với mảng đề tài nhiều thử thách này.
Đến nay, Kỹ sư nông nghiệp Lê Khôi đã lần lượt xuất bản các tác phẩm: Cuộc phiêu lưu của kiến Foóc-ru, Hồi sinh, Quê hương, Sau đêm trăng hạ tuần là bình minh; các kịch bản phim: Hồ Quý Ly, Trần Thủ Độ, Hậu Trần khởi nghĩa, Kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Uy quyền và oán thù, Vua Quang Trung chấm dứt thời đại Vua Lê-Chúa Trịnh, Khi nô lệ trở thành Hoàng Thái Hậu, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trãi chịu án tru di tam tộc, Ân nghĩa giữa thắng và bại, Ác mộng, Chế Bồng Nga tử trận-Chiến công của Lê Nguyên Trừng… |
TIỂU YẾN