.

Lấy đêm làm ngày

.

Ở Cảng cá Thọ Quang, một ngày mới bắt đầu từ… 11 giờ đêm. Khi phố phường dần chìm vào giấc ngủ thì từng tốp người hướng mắt về phía biển, chờ những chiếc tàu cá rẽ sóng vào bờ.

Công việc xay đá của vợ chồng anh Định diễn ra suốt ngày đêm.
Công việc xay đá của vợ chồng anh Định diễn ra suốt ngày đêm.

Xem cảng là nhà

Có mặt tại Cảng cá Thọ Quang khi màn sương còn dày đặc, tôi bắt gặp hình ảnh người đàn bà gầy gò đang nằm co ro trong thùng xốp. Thỉnh thoảng bà nhổm dậy nhìn xung quanh một lúc rồi kéo tấm chăn cũ phủ lại đôi chân cho đỡ lạnh. Những người phụ nữ làm việc ở đây ví bà Nguyễn Thị Thiệt  - 72 tuổi có thâm niên gần 60 năm làm việc nơi cảng cá- là “con cá nằm trong sọt” khi cả đời chỉ biết quanh quẩn nơi Cảng cá Thọ Quang bây giờ hay trước đây là Cảng cá Thuận Phước.

Từ Cảng cá Thọ Quang, bà chỉ cần đi hết cây cầu Thuận Phước là về đến nhà ở phường Thanh Bình (Hải Châu) nhưng bà kể, mỗi tháng chỉ về thăm gia đình một lần. Dù ở cảng, bà chẳng có nhà, cũng không có giường để ngả lưng lúc mệt mỏi. Bà giặt giũ, tắm rửa ở nhà vệ sinh công cộng. Ăn cơm bụi. Ngủ trong thùng xốp. Bà nói, bà nghiền cái mùi tanh nồng của cá, nhớ những câu chuyện không đầu không cuối với mấy mụ bán cá nơi cửa biển, càng không thể quên không khí lúc nào cũng tấp nập nơi cảng cá…

Khi còn trẻ, bà hòa vào dòng người gánh cá thuê để kiếm sống. Về già, bà nhận trông cá cho người ta kiếm ít thu nhập đắp đổi qua ngày. “Nghề” trông cá của bà cũng lắm cực nhọc, khi suốt ngày phải dán mắt vào cá. Vì thế, giấc ngủ của bà cũng ít hơn. Hỏi, nhà bà ở đường nào, số bao nhiêu bà khoát tay bảo không nhớ. Chỉ biết nhà ở phường Thanh Bình và đi, về theo quán tính…

Cũng tại cảng cá này, tôi gặp nhiều phụ nữ gắn cả cuộc đời mình với cảng. Hơn 20 năm trước, chồng chết vì bạo bệnh, bà Huỳnh Thị Thảo (57 tuổi), nhà ở tổ 49, phường Xuân Hà (Thanh Khê) trôi dạt về cảng gồng lưng gánh cá thuê nuôi 3 con ăn học. Ngày ngày, bà có mặt tại cảng cá lúc 12 giờ đêm và chỉ rời cảng khi mặt  trời đã lên đến đỉnh đầu. Tàu vào lúc nào là bà có mặt lúc ấy. Có khi đang ngủ ngon giấc, nghe tiếng còi tàu là lại bật dậy chạy ra bến. Bây giờ, khi các con đã có gia đình, bà Thảo dành dụm được ít vốn để mua đi, bán lại cá cho những người đến muộn hưởng phần chênh lệch. Nhờ vậy, mỗi ngày bà kiếm được từ 100 đến 200 ngàn đồng, số tiền tạm đủ để bà ổn định cuộc sống. Bà còn nói rằng, 40 năm qua, bà coi cảng là nhà. Không khí nhộn nhịp ở đây giúp bà nguôi ngoai nỗi vắng chồng lẫn niềm cực nhọc.

Đồng vợ đồng chồng

Mỗi người một hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng tất cả đều gắn bó cùng chợ cá.
Mỗi người một hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng tất cả đều gắn bó cùng chợ cá.

Ngồi lọt thỏm giữa những sọt cá chờ vợ, anh Lê Văn Dũng (42 tuổi), nhà ở Hòa Tiến (Hòa Vang) cho biết, gần 10 năm nay, tầm 3 giờ sáng là anh chở vợ xuống cảng mua cá về bán tại khu chợ Hòa Tiến. Muốn chọn được những con cá ngon và rẻ, phù hợp với người dân quê, vợ anh phải lội quanh chợ cá vài tiếng đồng hồ. Chốc chốc, mua được nhúm cá tươi, vợ anh lại kệ nệ mang đến nhờ chồng giữ. Khi sọt cá đã đầy, vợ chồng anh lại chở nhau về, đến nhà cũng tầm 8 giờ sáng.

“Nghĩ cũng lạ, từ khi vợ buôn cá, tôi thấy tình cảm vợ chồng khăng khít hơn. Có khi tối hôm trước giận vợ, nhưng cứ đến giờ là tôi lại lọ mọ dậy chở vợ xuống cảng mua cá. Trên đoạn đường gần hai chục cây số, vợ chồng thủ thỉ nói chuyện. Xuống đến bến ngồi chờ vợ, ngóng vợ rồi chở vợ về, mọi bực dọc lại quên hết. Mọi việc cứ như một thói quen khó bỏ. Thấy vợ vất vả, tôi lại càng thương”, anh Dũng chia sẻ.

Không đi đi, về về như anh Dũng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tâm, 99/8 Hàn Mặc Tử, phường Thuận Phước (Hải Châu) chọn cảng cá làm nơi “đóng đô”. Khi cảng còn ở Thuận Phước, vợ chồng chị có hẳn một cơ ngơi làm nơi ăn, chốn ở cho công nhân. Nhưng từ khi chuyển sang địa điểm mới, hai vợ chồng chị thuê 16m2 với giá 1.083.000 đồng/năm để dựng bạt làm lều, mỗi ngày xay khoảng 100 cây đá, cung cấp cho các chủ tàu và tiểu thương trong chợ. Anh Đoàn Văn Định, chồng chị Tâm cho biết, để giữ mối quen, vợ chồng anh phải làm cả ngày đêm và thay phiên nhau ngủ lấy sức. Ngoài ra, xưởng nước đá của anh còn tạo công ăn việc làm cho 5 công nhân, thu nhập mỗi tháng 3 triệu đồng (bao cơm, nước). “Trước tôi là thợ cơ khí, nhưng khi theo vợ “về dinh”, gia đình vợ làm nghề xay đá nên tôi theo làm đến giờ. Hai vợ chồng cùng nhau làm việc cả ngày, công việc vất vả, nặng nhọc, nhưng được cái vợ chồng, con cái rất yêu thương nhau”, anh Định cười hóm hỉnh.

Cảng cá Thọ Quang còn là nơi tập trung của bao phận người. Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng tất cả đều yêu và gắn bó lâu dài với biển. Liệu đó có phải là sự lựa chọn hướng đi cho cuộc đời họ như lời bà Thiệt nói: “Cực thì có cực vì phải thức trắng đêm trong cái mùi tanh nồng của cá, nhưng nếu không yêu biển, không yêu từng con cá được chở về từ biển, thì làm sao người ta gắn bó hết cuộc đời với nó”.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.