.

Liên kết với doanh nghiệp: Tạo đầu ra cho sinh viên

.

Khi chương trình và phương pháp đào tạo của các trường đại học (ĐH), cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu  thực tế của các doanh nghiệp cũng như yêu cầu xã hội thì nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp được tuyển dụng vẫn phải qua một thời gian đào tạo lại mới có thể bắt đầu làm việc. Vì vậy, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) như một cánh cửa rộng giúp SV có cơ hội, tự tin hơn khi tìm việc làm.

Một buổi tư vấn tuyển dụng tại ĐH Đà Nẵng.
Một buổi tư vấn tuyển dụng tại ĐH Đà Nẵng.

Hiệu quả từ mô hình liên kết

Là trường ĐH tư thục lớn của khu vực miền Trung, những năm gần đây, Trường ĐH Duy Tân đã thiết lập mối quan hệ với khoảng 1.000 doanh nghiệp, trong đó ký kết hợp tác với 200 doanh nghiệp. Theo chị Hải Trà (Chuyên viên Trung tâm Xúc tiến việc làm ĐH Duy Tân), các doanh nghiệp thường hỗ trợ SV đến tham quan, thực tập, sẵn sàng cung cấp thông tin tuyển dụng và ưu tiên tuyển dụng SV Duy Tân vào làm việc bán thời gian hoặc toàn phần khi công ty có nhu cầu. Riêng Tập đoàn Intercontinential có khoảng 80% SV khoa ngoại ngữ và du lịch của trường vào làm việc trong năm 2011. Nhờ cách này, sau khi ra trường từ 6 tháng đến 1 năm khoảng 89,6% SV của trường có được việc làm.

Trong hệ thống các trường nghề, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng là một trong những trường sớm áp dụng mô hình liên kết giữa nhà trường và DN, mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả trong việc đào tạo đúng với nhu cầu sử dụng của các DN. “SV tìm được việc làm phù hợp chính là mong muốn đầu tiên của nhà trường khi đào tạo. Đồng thời có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu trong công việc là điều mà các DN luôn tìm kiếm”, TS Nguyễn Bê, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Được biết, khi SV có cơ hội thực hành nghề tại các DN có cơ sở vật chất tốt, nhiều em có tay nghề vững và có được việc làm ổn định. Đơn cử, ngành may và thiết kế thời trang gần 100% SV có việc làm, ngành điện tử có khoảng 80% SV có việc làm.

Những điều doanh nghiệp cần

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Duy Tân, khi vào làm tại Ngân hàng Hàng hải chi nhánh Đak Lak, Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết bên cạnh nền tảng kiến thức, cô còn phải chuẩn bị cho mình những kỹ năng mềm phù hợp với môi trường công việc. Thực tế, nhiều DN vẫn rất khát nguồn nhân lực thạo việc, song rất khó để tuyển dụng được nhân sự đúng như yêu cầu của DN. Anh Đoàn Anh Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh SV, ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, trường luôn định hướng đào tạo lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn sản xuất, thực tiễn nghề, đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… Mặc dù mô hình liên kết giữa nhà trường và DN có từ lâu, nhưng gần đây mới thực sự phát triển. Trung tâm hỗ trợ SV và quan hệ DN của ĐH Bách khoa Đà Nẵng ra đời cũng chính từ yêu cầu này và giúp trường thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ với nhiều DN, giúp SV thực hành, thực tập, làm đồ án tốt nghiệp. Trong khi trường cử giáo viên hướng dẫn thì DN cử người hỗ trợ SV hoàn thành  các đề tài nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng là đề tài tốt nghiệp một cách tốt nhất. Ngoài ra, một số DN thường xuyên cấp học bổng cho SV như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cấp học bổng 20 triệu đồng/năm/SV cho những SV có kết quả học tập xuất sắc. Chính những cách làm như thế này, nhà trường và DN đã rút ngắn được giai đoạn đào tạo nguồn nhân lực cho các công ty, đồng thời giải quyết việc làm tốt cho SV khi ra trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN hiện nay, SV mới ra trường thường thiếu các kiến thức thực nghiệm, các kỹ năng làm việc và tổ chức công việc, nhiều mối liên hệ nhà trường - DN cũng mới chỉ thể hiện ở các chương trình thực tập cuối khóa của SV, nội dung thực tập thường ít liên quan đến đề tài tốt nghiệp nên hạn chế khả năng tìm hiểu, nghiên cứu của SV.

Để hạn chế và cải thiện tình trạng này, PGS.TS. Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng chia sẻ, quan hệ giữa nhà trường và DN không chỉ đơn giản là tìm việc cho các bạn SV mà khi liên kết với DN cũng là dịp điều chỉnh việc đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế. Với phương pháp liên kết mới, DN sẽ có thêm cơ hội và trách nhiệm trong việc hướng dẫn thực tập, hỗ trợ SV thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu, khơi nguồn sáng tạo trong mỗi SV. ĐH Đà Nẵng cũng tạo điều kiện cho một số DN như Công ty phần mềm Enclave tham gia giảng dạy tại trường, tiếp tục cải thiện, đẩy mạnh những mối quan hệ với DN, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo phù hợp với thị trường lao động.

Như vậy, việc thường xuyên phối hợp với các DN tổ chức những buổi hội thảo, tư vấn, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm... là nỗ lực không ngừng của các trường ĐH, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Từ đây, SV được làm quen với môi trường chuyên môn, được tạo cơ hội để cọ xát, trang bị những kỹ năng mềm như thuyết trình, cách thương lượng, xây dựng hình ảnh bản thân, tích lũy kinh nghiệm để họ tự tin bước vào cuộc sống.

THU HÀ
 

;
.
.
.
.
.