Đào tạo liên thông có nhiều mặt tích cực, giúp sinh viên (SV) có điều kiện học lên cao cũng như mở ra cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp ổn định. Thế nhưng, cơ chế này vẫn chưa thật sự bảo đảm, dù Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra dự thảo quy định mới về đào tạo liên thông trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ)…
Lớp thực hành bàn tại Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Đà Nẵng. |
Ước mơ ĐH trong tầm tay
Những năm gần đây, khá nhiều bạn dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có đủ điểm để xét tuyển nguyện vọng 2 vào các trường ĐH ngoài công lập nhưng họ đã chọn hệ CĐ, trung cấp chính quy để đầu quân. Với những ai chưa am hiểu luật giáo dục hiện nay, sẽ thấy đó là một quyết định thiếu thông minh. Tuy nhiên, theo lý giải của bạn Võ Thị Thu Hà, từng từ chối vào Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng để theo học ngành tiếng Anh, hệ Cao đẳng chính quy tại Trường ĐH Sư phạm Quảng Nam là để có cơ hội liên thông lên ĐH chính quy.
Với quyết định đó, sau khi tốt nghiệp loại khá năm 2011, Thu Hà quyết định thi liên thông vào khoa tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Việc chọn trường này để thi vào không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà như Hà nói: Khi ra trường, tấm bằng của ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng vẫn “nặng ký” hơn các trường khác tại khu vực miền Trung, giúp bạn có nhiều cơ hội lựa chọn công việc tại Đà Nẵng. Với cách đi vòng này, ước mơ ra trường với tấm bằng ĐH đã trong tầm tay khi Hà đang là SV năm nhất hệ liên thông tại Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng.
Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, hằng năm cánh cổng ĐH, CĐ (cả công lẫn tư) trên cả nước chỉ mở ra cơ hội cho 25% thí sinh vào học. Vì vậy, với những thí sinh không đủ khả năng thi đậu vào ĐH thì liên thông là sự lựa chọn thông minh. Mỗi thí sinh sẽ tùy theo khả năng của mình mà có những lộ trình học tập khác nhau. Tuy nhiên, đi thẳng vào cánh cổng ĐH vẫn tốt hơn nhiều so với con đường vòng liên thông bởi nó tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc của thí sinh.
Điểm thu hút thí sinh chọn cách học liên thông là, ngoài hệ CĐ chính quy, hiện nay hầu hết các trường Trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, Trung cấp nghề đều được Bộ GD&ĐT cho phép xây dựng chương trình liên thông lên ĐH. Quy định mới này mở ra con đường vào ĐH cho cả những thí sinh chỉ có bằng tốt nghiệp THPT, trung học bổ túc. Thông tin từ Trung tâm đào tạo thường xuyên trường CĐ Nghề Đà Nẵng cho biết, hiện nhà trường thường xuyên liên kết với ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh mở các lớp liên thông ĐH hệ chính quy, hệ vừa học vừa làm, học tại Đà Nẵng. Ngoài ra, đơn vị cũng liên kết với ĐH Bách khoa Đà Nẵng mở các lớp liên thông ngành cơ khí chế tạo máy; cơ khí động lực; cơ điện tử, công nghệ nhiệt, công nghệ máy tính… Liên thông với ĐH Sư phạm Đà Nẵng ngành Việt Nam học và ĐH Kinh tế Đà Nẵng các ngành quản trị kinh doanh, kế toán doanh nghiệp…
Bạn Quỳnh Sương, SV năm cuối khoa May-Thiết kế thời trang, trường CĐ Nghề Đà Nẵng chia sẻ: “Mới đầu mình nghĩ vào trường nghề học để sau này về quê mở tiệm may dân dụng, nhưng càng học, mình càng mê nên khi tốt nghiệp sẽ liên thông vào ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh với mơ ước lấy tấm bằng ĐH và theo đuổi con đường thiết kế chuyên nghiệp.
Cánh cửa dần hẹp
Trước mùa tuyển sinh 2012, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo mới về Quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ nhằm siết chặt điểm thi đầu vào và nâng cao chất lượng đào tạo hệ liên thông hiện nay tại tất cả các điểm trường trên toàn quốc. Theo đó, tuyển sinh đào tạo từ trung cấp, CĐ lên trình độ ĐH chính quy, thí sinh phải tham dự cùng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy theo các khối ngành đăng ký dự thi (nghĩa là SV liên thông phải thi các môn thuộc khối A, B, C, D… như học sinh phổ thông - PV). Trong phần đăng ký dự thi, thí sinh phải ghi rõ “liên thông” để được hưởng chương trình đào tạo liên thông. Điểm trúng tuyển của các thí sinh hệ liên thông phải bằng điểm trúng tuyển của các thí sinh dự thi hệ chính quy khác cùng ngành học… Những quy định mới này đã gây hoang mang cho không ít SV có ý định lên ĐH bằng con đường dài hơi này.
Trước thông tin mới, Quỳnh Sương băn khoăn: “Điều này sẽ rất khó cho các SV muốn liên thông lên ĐH như tôi. Vì trong suốt quá trình học CĐ, chúng tôi đã được cập nhật khá nhiều kỹ năng, kiến thức mới nên việc không thể nhớ được chương trình học phổ thông cũng là lẽ thường. Vì vậy, nếu phải thi chung với học sinh THPT trong kỳ tuyển sinh và chấm điểm ngang nhau, thì sẽ thiệt thòi cho người nào chọn liên thông làm bàn đạp cho con đường tương lai của mình”.
Một giáo viên dạy liên thông thuộc ĐH Đà Nẵng cho rằng, quy định mới của Bộ buộc các trường phải đưa chỉ tiêu liên thông chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu của hệ chính quy. Mặt khác, việc tuyển sinh liên thông ĐH, CĐ chính quy quy định thí sinh tham dự kỳ thi liên thông phải thi chung trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm chắc chắn sẽ khiến số người theo hệ đào tạo này giảm.
HUỲNH LÊ