Máy dò ngang có cơ chế hoạt động như máy siêu âm trong ngành y tế, có thể quét 3600 dò tìm ngư trường trong bán kính từ 1,2 – 1,5km, tốt nhất là 0,8km, cả chiều ngang lẫn chiều đứng, nhìn qua màn hình là có thể xác định được trữ lượng cá.
Được lắp máy dò ngang (trái), tàu ông Chiến sẵn sàng ra khơi. |
Hiệu quả nhưng giá còn quá cao
Đó là nhận định của hầu hết ngư dân Đà Nẵng khi nói về giá máy dò ngang trong khai thác hải sản xa bờ. Điều này lý giải vì sao trong năm 2011, cả thành phố chỉ có 2 người dám “can đảm” bỏ tiền góp vốn đối ứng để lắp đặt máy cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tháng 8-2011, tàu ĐNa 90351 công suất 500CV lớn nhất quận Thanh Khê, do ông Lê Văn Chiến ở phường Xuân Hà đứng tên sở hữu, bỗng chốc trở thành chiếc tàu lưới vây đầu tiên của Đà Nẵng được lắp máy dò ngang theo Dự án Hỗ trợ trang bị máy dò ngang của thành phố. Máy trị giá 285 triệu đồng, thành phố hỗ trợ 160 triệu (56,14%), ông Chiến đối ứng 125 triệu (43,86%).
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm (NNL) thành phố cho biết, theo Nghị định 02-2010-NĐ/CP của Chính phủ về công tác khuyến nông thì mức hỗ trợ không vượt quá 50% giá trị máy, nhưng do Đà Nẵng chưa có tàu lưới vây nào được lắp máy dò ngang để ngư dân thấy hiệu quả nên chưa ai dám tham gia, thành phố phải nâng mức hỗ trợ lên để khuyến khích ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Còn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà, cho biết ngư dân Xuân Hà chuyển từ câu mực sang lưới vây từ năm 2008, lúc đầu chỉ một vài chiếc, nay đã có 10 chiếc, hầu hết được trang bị máy dò đứng trong khai thác hải sản xa bờ. Máy dò đứng chỉ dò luồng cá theo chiều thẳng đứng, xác định trữ lượng cá không chính xác. Trong khi đó, máy dò ngang có cơ chế hoạt động như máy siêu âm trong ngành y tế, có thể quét 3600 dò tìm ngư trường trong bán kính từ 1,2 – 1,5km, tốt nhất là 0,8km, cả chiều ngang lẫn chiều đứng, nhìn qua màn hình là có thể xác định được trữ lượng cá.
Ông Chiến lắp máy dò ngang sớm, gặp thời tiết thuận lợi nên đạt hiệu quả khá cao, mỗi chuyến đi đã giảm từ 16-20 ngày xuống còn 11 ngày, qua 3 chuyến ra khơi ông đạt tổng lợi nhuận 1,070 tỷ đồng. Sau kết quả quá bất ngờ này, ông được Trung tâm Khuyến NNL mời nói chuyện với ngư dân Sơn Trà về tính năng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian của máy dò ngang.
Ông Võ Văn Xừng, cán bộ phụ trách thủy sản phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà kể, sau khi ông Chiến nói chuyện, đã có 6 ngư dân trong phường đăng ký lắp máy dò ngang, nhưng chỉ có mỗi bà Phan Thị Minh Phương, tàu ĐNa 90263, có đủ vốn đối ứng để lắp máy vào cuối tháng 10-2011. Khác với ông Chiến, bà Phương được hỗ trợ theo Dự án Khuyến nông quốc gia nên phải góp 50% vốn. Tuy nhiên, tàu bà Phương đi biển gặp những ngày biển động, cuối mùa khai thác nghề vây nên hiệu quả vừa qua không cao.
Chia sẻ bất trắc giữa biển khơi
Bao đời nay chuyện biển giã không ai lường trước được bất trắc, bản thân ngư dân ra khơi là phải biết tự bảo vệ mình, nếu có được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì bà con càng yên tâm hơn. Về điều này, ông Nguyễn Đỗ Tám, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT Đà Nẵng, đã nêu những chính sách của thành phố Đà Nẵng thực hiện mà các địa phương khác chưa có.
Theo ông Tám, thành phố đã hỗ trợ 97 máy ICOM 710 cho tàu cá để liên lạc giữa tàu với bờ, tàu với tàu, thông tin đã được thông suốt giữa tàu và bờ, giúp cho công tác quản lý được thuận lợi hơn, các cơ quan chức năng có nhiều thông tin kịp thời phục vụ cho công tác chuyên môn. Đầu năm 2012, thành phố hỗ trợ 100% bảo hiểm tai nạn cho các thuyền viên tham gia khai thác hải sản trên tàu cá của Đà Nẵng có công suất từ 50CV trở lên. Theo đó, hiện đã có 2.998 người của 296 tàu cá được bảo hiểm thời hạn 1 năm với mức trách nhiệm 20 triệu đồng/người/vụ.
Mới đây, hệ thống máy thông tin tích hợp định vị vệ tinh cho trạm bờ cũng vừa lắp đặt xong tại Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, đồng thời tiến hành lắp cho các tàu cá công suất từ 90CV trở lên có đăng ký khai thác ở các vùng biển xa. So với ICOM 710, máy này gọn nhẹ và cách sử dụng cũng dễ dàng hơn.
Được trang bị máy móc hiện đại, tàu ông Chiến, bà Phương giờ đã trở thành hai tàu lưới vây “VIP” nhất Đà Nẵng. Giám đốc Trung tâm Khuyến NNL Nguyễn Đình Sơn đang chỉ đạo bộ phận kỹ thuật của trung tâm cập nhật thông tin báo cáo Sở NN&PTNT để có cơ sở trình lên Bộ xin tiếp tục đầu tư thêm máy dò ngang. Để việc đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn, ông Sơn cũng thấy cần có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi lãi suất thấp để ngư dân có thể trang bị thêm ngư cụ. Tàu bà Phương vẫn chưa rút ngắn được thời gian đi biển vì thiếu giàn đèn để đánh lưới vây ban đêm. Giá một giàn đèn gần 200 triệu đồng, bà chỉ còn trông vào các khoản vay ưu đãi.
Ngư dân Đà Nẵng rồi sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, tin vui từ ông Tám: Tháng 5 này, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai Dự án MOVIMAR, lắp định vị vệ tinh cho khoảng 3.000 tàu cá hoạt động xa bờ trên toàn quốc, trong đó Đà Nẵng có 45 tàu cá. Được nhập từ Cộng hòa Pháp, thiết bị hiện đại này sẽ phục vụ cho công tác quản lý tàu cá; tìm kiếm, cứu nạn trên biển; dự báo ngư trường,… Ngoài ra, riêng Đà Nẵng, dự kiến trong hai năm 2012-2013 sẽ có thêm một số chính sách hỗ trợ cho ngư nghiệp phát triển.
VĂN THÀNH LÊ