.

“Người dẫn đường”

Trước khi bước vào mùa tuyển sinh mỗi năm, các cơ sở đào tạo từ đại học đến trung cấp, trường nghề bắt đầu cuộc chạy đua tìm kiếm thí sinh bằng cách tổ chức các chương trình tư vấn mùa thi. Tại những ngày hội này, thông tin đến với các học sinh thông qua nhiều hình thức để làm “người dẫn đường”, định hướng cho phụ huynh và học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề, chọn ngành, chọn khối thi cho phù hợp. Đây là động thái cuối cùng nhằm giúp cho họ có một quyết định tương đối đúng đắn, trước khi đặt bút vào hồ sơ đăng ký dự thi.

Việc chọn trường, chọn ngành cho phù hợp, được các bậc phụ huynh và học sinh xác định là không chỉ phù hợp với năng lực, sở thích mà còn định hướng cho việc làm sau khi tốt nghiệp. Không chỉ là có được việc làm, mà nhiều bạn trẻ cho rằng đó phải là ngành có thu nhập cao, tương đối ổn định, có môi trường làm việc phát huy được sự năng động, sáng tạo của giới trẻ. Nói chung, yêu cầu đặt ra trước khi bước vào trường nào để học là rất nhiều. Vì thế, dễ gây nên sự lúng túng trong lựa chọn của các học sinh cũng như phụ huynh.

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của các trường, mà thường là nghiêng về việc tư vấn thế nào có lợi cho mình,
thì việc định hướng của cơ quan chức năng và xã hội vẫn chưa bảo đảm “chắc ăn” trong việc tìm kiếm thông tin, hỗ trợ tích cực cho việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh trong tương lai, nhất là giai đoạn sau khi tốt nghiệp đại học.

Thực trạng đó xuất phát từ chính việc thiếu quy hoạch mang tính dài hơi và tổng thể trong phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn hiện nay, nhất là quy hoạch phải có tác động trực tiếp đến việc tính toán chọn ngành, chọn nghề phù hợp cho mỗi học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường
phổ thông.

Việc thiếu tính quy hoạch đó đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ các trường trọng điểm; đồng thời ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, với tỷ lệ thất nghiệp và việc làm không ổn định, trái ngành nghề đào tạo, thu nhập thấp... vẫn còn cao.

Việc thiếu tính quy hoạch đồng bộ, bắt đầu từ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có quy hoạch phát triển hệ thống đào tạo trong cả nước. Nếu nói một cách sòng phẳng, thì đã có quy hoạch, nhưng quy hoạch đó chưa ảnh hưởng tích cực và có định hướng lâu dài. Vì thế, đã xuất hiện tâm lý chọn ngành “hot” - ngành mang lại việc làm nhanh và có thu nhập cao, mang tính thời thượng, được ưa chuộng và đánh giá cao trong xã hội... trong phụ huynh và cả học sinh; mà ít ai ngờ rằng, chỉ qua một khóa đào tạo, ngành đó trở nên “lỗi thời”. Sự “lỗi thời” không chỉ xuất phát từ năng lực học tập, làm việc và thích ứng của sinh viên sau đào tạo, mà còn xuất phát từ nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp, của tốc độ phát triển kinh tế... Thực tế thời gian qua đã chứng minh điều đó, với hàng loạt ngành “hot” đã mau chóng chìm nghỉm chỉ trong thời gian từ 3 - 5 năm! Thế nên, nhiều sinh viên chưa kịp chạm tay vào tấm bằng tốt nghiệp đã bị “vỡ mộng” khi chọn lấy ngành “hot” cho mình.

Như vậy, có thể thấy, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội có tác động không nhỏ đến quá trình học tập, chọn ngành và chọn nghề của mỗi học sinh. Đây chính là “người dẫn đường” sáng suốt và có tính bền vững cho mỗi học sinh và cả phụ huynh khi đứng trước ngưỡng cửa vào đời của con em.

Vấn đề quan trọng và thiết thực, là làm sao trên cơ sở khoa học, có những dự báo và định hướng đúng đắn về xu hướng sử dụng nguồn nhân lực, phân bổ nguồn nhân lực, về phát triển kinh tế-xã hội... để từ đó “người dẫn đường” làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình, tạo sự tin cậy và là chỗ dựa vững chắc cho mỗi học sinh trong quyết định của mình; chứ không đơn thuần chỉ dựa vào các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp hay các tổ chức riêng lẻ khi quyết định tương lai của mình như hiện nay.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.