.

Những ngành vắng thí sinh

.

Việc “trồng người” hiện nay cũng chẳng khác gì việc trồng cây. Cây gì có giá trị kinh tế cao là đua nhau trồng; ngành gì tạo được việc làm có thu nhập cao là đua nhau mở.

Nhiều câu hỏi của học sinh (phải) đã được trả lời tại buổi tư vấn tuyển sinh năm 2012 do Báo Tuổi Trẻ, Sở GD&ĐT và Đại học Đà Nẵng tổ chức tại Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng. (Ảnh: Ngọc Đoan)
Nhiều câu hỏi của học sinh (phải) đã được trả lời tại buổi tư vấn tuyển sinh năm 2012 do Báo Tuổi Trẻ, Sở GD&ĐT và Đại học Đà Nẵng tổ chức tại Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng. (Ảnh: Ngọc Đoan)

Khối ngành thời thượng vẫn “nóng”

Thông tin từ Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ diễn ra ngày 14-2 vừa qua tại Hà Nội cho thấy cả nước có 60% số trường mở khối ngành kinh tế (gồm kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán) và bình quân trong 3 năm qua (2009-2011), số thí sinh đăng ký vào 4 ngành này chiếm xấp xỉ 41% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.

Trong khi đó, một số khối ngành đã ngày một thưa vắng dần thí sinh như: Tiếng Nga, Việt Nam học, Văn hóa học, Tâm lý học, Sư phạm Giáo dục Chính trị, Văn học, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Toán - Tin, Công nghệ vật liệu, Vật liệu và Cấu kiện xây dựng... Thậm chí cả một số ngành khối kinh tế nếu không thuộc loại “hot” cũng vắng thí sinh như: Kinh tế Chính trị, Kinh tế Lao động, Kinh tế và Quản lý công,...

Lý giải thực trạng này, hầu hết ý kiến đều cho rằng xuất phát từ “đầu ra” khi sinh viên tốt nghiệp.

Qua thực tế, GS.TSKH. Phan Quang Xưng, Hiệu trưởng Trường CĐ Phương Đông Đà Nẵng (trực thuộc Bộ GD&ĐT), thấy rằng khối C (văn, lịch sử, địa lý) rất khó tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Thậm chí có được việc làm rồi thì cũng không cải thiện được thu nhập vì, như giáo viên (GV) chẳng hạn, không có cơ hội dạy thêm. Ngay như ngành Văn thư lưu trữ (khối C), trước năm 2009 sinh viên còn theo học ở trường khá đông, nhưng từ đó đến nay đã giảm rõ rệt.

Đối với Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng), những năm trước các ngành Sư phạm chỉ tuyển nguyện vọng 1 là đã đủ chỉ tiêu, riêng năm 2011 ngành Sư phạm Giáo dục Chính trị không tuyển sinh được. Theo PGS. TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, không tuyển được là do “đầu ra” của sinh viên: ngành này chỉ những em tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc mới được tuyển vào giảng dạy tại các trường trung học nghề, CĐ, ĐH trên cả nước. Số còn lại sẽ dự tuyển GV dạy Giáo dục Công dân các trường phổ thông, nhưng thực tế, nhu cầu GV dạy môn này vẫn còn quá ít nên phần lớn sinh viên tốt nghiệp vẫn khó có cơ hội tìm được việc làm.

Sẽ có một “kỳ thi” sau khi tốt nghiệp?

PGS.TS. Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhận định, năm nay, việc mở thêm khối A1 (toán, lý, tiếng Anh) sẽ tạo nhiều cơ hội hơn để thí sinh giỏi tiếng Anh có thể vào các ngành khối A truyền thống trước đây; các trường nhất là khối Kinh tế và Công nghệ thông tin cũng tuyển được các thí sinh đúng năng lực với yêu cầu của ngành hơn. Tuy vậy, ông Nam cũng khuyên thí sinh cần chú ý: Không phải trường nào, ngành nào khối A cũng tuyển thêm A1. Vì thế khi dự thi A1 nếu thí sinh không trúng tuyển sẽ giảm cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường khác cùng ngành nhưng chỉ tuyển khối A.

Khối A đã có thêm cơ hội. Khối C vẫn tiếp tục “mất mùa”. Ở khối C, ngành Sư phạm, có vẻ như giáo viên (GV) đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, khi nhìn ở góc cạnh chất lượng giáo dục thì nhu cầu này vẫn còn đang tiếp tục vì những lý do: Cần thêm GV để giảm sĩ số học sinh các lớp học xuống; thiếu GV dạy chuyên biệt ở các bậc học (ngoại ngữ, thể dục...); thiếu GV đảm nhận tư vấn cho học sinh (hướng nghiệp, tâm lý học đường, giáo dục giới tính...); cần GV trẻ để thay thế cho GV nghỉ hưu hằng năm, GV đi học nâng cao trình độ, GV đi tu nghiệp, đào tạo lại...

Một GV ở Đà Nẵng ví von rằng, việc “trồng người” hiện nay cũng chẳng khác gì việc trồng cây. Cây gì có giá trị kinh tế cao là đua nhau trồng; ngành gì tạo được việc làm có thu nhập cao là đua nhau mở. Việc thí sinh đổ xô chọn ngành kinh tế mà xem nhẹ xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu nhân lực trong 4-5 năm tới, sẽ có ngành “khủng hoảng thừa” và có ngành lại trở nên “quý hiếm”. Tình trạng này, PGS.TS. Trần Văn Nam cảnh báo: “Nếu không có sự can thiệp vĩ mô của Nhà nước thì nó sẽ tự điều chỉnh theo quy luật của cơ chế thị trường. Tuy vậy sự điều chỉnh này sẽ chậm, sau và thiếu kịp thời. Vì thế Nhà nước cần sớm có một kế hoạch dài hơi, quy hoạch nhân lực và đào tạo theo kế hoạch dự tính trước”.

GS.TSKH. Phan Quang Xưng thì cho rằng, trong lúc chờ Nhà nước hoạch định một tầm nhìn chiến lược dài hơi để lấy lại cân bằng trong đào tạo ĐH, CĐ, thí sinh cũng nên tự điều chỉnh bằng cách chọn những ngành không quá “hot” mà vẫn có được việc làm. Ví như ngành điều dưỡng ở Trường CĐ Phương Đông, số sinh viên theo học hệ CĐ (chưa kể hệ trung cấp) đã tăng từ gần 300 năm 2007 lên gần 1.570 năm 2011, cung ứng nhân sự cho khắp miền Trung - Tây Nguyên. Từ thành công này, năm 2010 trường mở thêm ngành y sĩ và năm 2011 mở thêm ngành dược sĩ với tổng số gần 2.850 sinh viên.

Mùa thi đã đến gần, thí sinh hãy cân nhắc. Với gần 41% số thí sinh đăng ký vào khối ngành kinh tế trong 3 năm qua, sẽ có thêm một “kỳ thi” tìm việc làm nữa khi sinh viên ngành “hot” này ra trường.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.