.

Thưa vắng khối C

.

Nhiều học sinh có tâm lý học khối C rất khó tìm việc làm, khi xin được việc làm thì thu nhập cũng không cao… Vì vậy, những năm gần đây, rất ít học sinh thi vào đại học (ĐH) khối C.

Có một thực tế là dù học giỏi hay trung bình, các thí sinh thường hướng cho mình những ngành học sau này sẽ gặt hái được thành công, kiếm được nhiều tiền và những ngành đó chắc chắn đang nằm ở các khối A, B, D. Và hình như ai cũng có tâm lý khối C chỉ dành cho những ai tâm huyết và có hứng thú với nó.

Liệu có bao nhiêu phần trăm học sinh chọn thi khối C trong mùa thi đại học 2012?  TRONG ẢNH: Trao đổi sau thời gian làm bài kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011.
Liệu có bao nhiêu phần trăm học sinh chọn thi khối C trong mùa thi đại học 2012? TRONG ẢNH: Trao đổi sau thời gian làm bài kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011.

Đó là những gì chúng tôi đúc rút ra khi làm một cuộc điều tra nhỏ ở một nhóm bạn đang học lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Cũng có bạn cho rằng những môn thuộc khối C không học cũng thi đậu. Nhưng trên thực tế, những ai không có niềm đam mê với môn văn, không có những kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới, không có sự hiểu biết về dân số, diện tích, tình trạng khí hậu, địa hình của nhiều quốc gia, không có khả năng tổng hợp, phân tích, khái quát…thì không thể học và thi tốt khối C.

Cũng tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, năm 2010 đã ghi nhận thành tích  của em Hồ Hạnh Thảo, thủ khoa Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh. Ngoài môn văn là môn “sở trường”, Hạnh Thảo rất chú trọng kỹ năng làm bài, nhất là đối với những đề bài theo dạng tổng hợp với 2 môn Sử, Địa. “Đối với những câu hỏi mang tính chất phân hóa trình độ học sinh, nếu chỉ đơn thuần viết lại kiến thức mà không biết cách trình bày, lập luận và chọn dẫn chứng thì sẽ không bao giờ đạt điểm cao. Nếu không phân tích kỹ những yêu cầu của đề bài, thì thí sinh sẽ rất dễ bị lạc đề”.

Trong khi điểm thi môn Sử vào ĐH năm 2011 của học sinh cả nước rất thấp, thì Tôn Nữ Thùy Linh (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) có lẽ là thí sinh có điểm Sử cao nhất nước với 9,5 điểm, em đoạt ngôi thủ khoa Học viện Hành chính tại TP. Hồ Chí Minh. Thùy Linh cho biết, môn Lịch sử cũng thiên về tư duy lôgic; mỗi sự kiện lịch sử, ngoài diễn biến còn có nguyên nhân, hiệu quả… thế nên nếu học theo kiểu “tụng bài” thì chưa vào phòng thi đã rơi rụng hết kiến thức. Để có thể học tốt môn Sử, theo Linh, ngoài việc phải nắm được kiến thức cơ bản, ghi nhớ sự kiện, người học cần phải hệ thống lại kiến thức. Mỗi sự kiện, ngoài những con số, bao giờ cũng phải chú ý đến bản chất và đặc điểm của nó. Lúc học, có thể chia thành từng giai đoạn, nhưng giữa các giai đoạn lịch sử bao giờ cũng có sự liên kết, gắn bó với nhau. Chính vì vậy, người học cần phải biết xâu chuỗi, hệ thống lại để nắm được cả tiến trình.

Thưa vắng khối C, liệu có lặp lại?

Điểm thi của các thí sinh dự thi khối C năm 2011 vào Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng nhìn chung khá thấp. Đặc biệt, môn Sử có đến 99% trong tổng số hơn 2.000 bài thi dưới điểm trung bình, trong đó có 477 bài thi đạt điểm 0. Môn Văn, có 830 bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, tỷ lệ hơn 33%. Môn Địa có 614 bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, tỷ lệ 25%. Tại Trường ĐH Quảng Nam, có đến 99% thí sinh có điểm thi môn Sử dưới trung bình. Trong số 900 thí sinh dự thi khối C, chỉ có 9 thí sinh có điểm 5. Điều đáng ngại là từ mức 0-0,5 điểm có đến 451 thí sinh.

Chỉ so sánh với các môn thi trong cùng khối C là môn Văn và Địa lý, điểm môn Sử đã thấp hơn rất nhiều. Nhiều thí sinh bị 0 điểm môn sử nhưng điểm các môn còn lại tương đối cao. Trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh chỉ có 3,6% thí sinh đạt điểm môn Sử từ 5 trở lên. Trong khi đó có đến 201 thí sinh có điểm từ 0-1.

Cũng năm 2011, tỷ lệ thí sinh đăng ký thi khối C của cả nước chỉ còn 5-6%. Liệu những “báo động” về chất lượng khối C có lặp lại?

Chỉ trao đổi riêng về môn Lịch sử, môn có điểm thi thấp nhất trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và đầu vào ĐH, thầy Phạm Đình Được, giáo viên Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho rằng, trong khi chất lượng môn Sử ngày càng giảm sút mà hầu hết trường nào cũng đạt chỉ tiêu, và rất ít học sinh phải thi lại môn sử, điều đó cho thấy có sự buông lỏng, dễ dãi và xem nhẹ trong đánh giá cho điểm môn học này. Đơn cử, nhiều trường giao chỉ tiêu điểm trung bình môn Sử phải đạt 80% trên điểm 5, thậm chí có trường trên 90%...

Vì vậy,  học sinh có tâm lý xem thường, không học hành nghiêm túc. Số học sinh lựa chọn khối C vốn đã ít và năng lực không tốt nhưng lại không đầu tư cho khối C mà phần lớn thời gian dành cho việc đi học thêm các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn. Chỉ sau khi thi tốt nghiệp, khoảng thời gian hơn một tháng các em mới tập trung “cày” các môn Văn, Sử, Địa… Thầy Được nhấn mạnh, từ những nguyên nhân trên sẽ kéo theo việc dạy và học Sử ở phổ thông không được thầy và trò quan tâm đầu tư đúng mức, bởi khi trò không hào hứng học thì thầy cũng chẳng thể dạy nhiệt tình. Ngoài ra môn Lịch sử bị coi là môn phụ; năm thi, năm không thi tốt nghiệp khiến cho các trường, và học sinh lơ là, không có được tâm thế dạy và học tốt nhất.

Có lẽ cần một sự đầu tư đúng hướng, thay đổi cách dạy và học, khối C mới có thể tạo sức hút với học sinh.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.