.

Trở về

.

Tôi đã có rất nhiều chuyến trở về. Trở về, nghe có vẻ nghiêm trọng quá. Tôi xa nhà có mấy chục cây số, hơn tiếng rưỡi đi xe máy chứ có cách trở gì. Nhưng không hiểu vì sao, mỗi lần về thăm nhà, tôi xem như là mỗi lần nhận thêm một món quà của cuộc đời.

(Minh họa: Internet)
(Minh họa: Internet)

Xe chạy ngang qua cái cổng làng, tôi đã nhanh nhẹn gửi lại phía ngoài kia một tôi của công việc, của lo toan thường nhật. Bây giờ, tôi đã là con bé đen nhẻm của ngày xưa, đạp xe thật nhanh về nhà sau buổi tan trường đầy ráng đỏ. Những mái nhà lấp ló sau hàng cây. Dòng sông sau rặng tre nhấp nhánh. Con đường làng quanh co cỏ mọc hai bên chờ đôi chân trần bé bỏng. Đây rồi, đúng là đây, nơi chốn của tôi...

Nơi tôi treo võng sau vườn nằm thiu thiu nghe gió mát, chim kêu. Không ngủ được, lại trèo lên cây hái những trái ổi sẻ vàng ươm, hít lấy hít để hương thơm tuyệt vời không thứ gì sánh được ấy rồi cắn một miếng, tận hưởng chậm rãi cái tinh túy của đất trời. Mẹ gọi vọng ra: “Cái con dơi kia, ăn nhiều ổi thế còn bụng đâu mà ăn cơm?” Phải rồi, tôi là một con dơi, quần cái vườn ổi này suốt thời thơ ấu. Một con dơi bay lạc vào thành phố, suýt quên lối về, may nhờ vườn ổi đưa hương.

Nơi tôi đội nón lá đi mua nước mắm quán bà Mỹ cho mẹ. Tôi rảnh chân đá một hòn sỏi trên đường. Bóng tôi ngắn cũn dưới chân. Gặp con Tý đi làm đồng về, nó bảo: “Chiều qua tau làm khóm mít trộn ăn!”. Không biết có nơi nào trên trái đất này, người ta cũng ăn khóm mít trộn, một món ăn với đủ mùi vị cay chua mặn ngọt của quá nhiều nguyên liệu và gia vị. Biết là chẳng béo bổ gì, nhưng lại hấp dẫn vô cùng. Tôi thì cứ liều lĩnh cho rằng đó là món đặc sản của riêng quê mình, chẳng nơi thứ hai nào có nữa.

Nơi tôi cào lúa giữa trưa nắng dội chói chang, mắt tôi nở những chùm bong bóng nắng. Có con gà trốn ngủ chạy vào giữa sân phơi. Tôi chẳng nỡ đuổi con gà, không phải vì nó mà vì tôi. Buổi trưa yên ắng quá! Một con rắn lửa bò ngang đám lá khô, rồi im lặng nhìn tôi. Tôi vẫn luôn tin rằng rắn lửa là loài rắn thiêng, là ông bà tôi hóa thành về thăm con cháu, nhắc nhở con cháu ngày kỵ giỗ hằng năm.

Nơi tôi cào lá khô thành đống rồi châm lửa đốt giữa những buổi nhá nhem. Nơi tôi phụ mẹ đứng giê lúa bên đường chiều gió. Nơi tôi đi quanh vườn hái những nắm bồ ngọt, rau dền, rau lang, cải tàu bay, mồng tơi vào nhen lửa củi nấu một nồi canh tập tàng, mắt cay xè vì khói. Nơi tôi dậy sớm theo ba ra thăm ruộng, những nhành hoa dại ngát vào tôi màu quê kiểng thật thà...

Nơi tôi không phải nhìn người ta mà trách phận mình bé mọn, không thấy xe mình cùi bắp mà xe người láng coóng, không thấy mình lùi xùi bận bịu áo cơm mà người ta thảnh thơi chưng diện. Nơi những người đến nhà tôi bốc thuốc dòm tôi rồi kêu: “Càng lớn càng giống chú Bảy y đúc!”  hay “Có phải con bé hay đội cặp sách đi học đây không, lớn bộn rồi hè!”.  Không ai hỏi tôi làm tới chức gì ở phố, xây nhà mấy tầng. Thế nên, tôi thấy tôi nhẹ nhõm quá, như ăn bữa bánh tráng cuốn cá nục này xong lại có thể vật trái mít ướt để góc nhà kia ra, gọi mấy đứa hàng xóm qua mà quần thảo.

Thế đấy, chỉ cách nơi tôi sống bây giờ một đoạn đường không quá xa xôi. Mà nơi ấy lại như một thế giới khác của tôi. Nơi cho tôi sự an bình, tự tại. Nơi an ủi tôi sau những trượt ngã thị thành. Nơi tôi thả lỏng mình tận hưởng những giây phút bình yên.

Để trở về luôn là nỗi ước ao trong tôi thầm kín.

NGÔ THỊ THỤC TRANG


 

;
.
.
.
.
.